Hồi ức về chân dung văn nghệ sĩ

PHẠM PHÚ PHONG 27/10/2018 03:47

Ngay từ dòng đầu trong Lời ngỏ tập sách Hạt bụi bay xa (Nxb Đà Nẵng, 2018), tác giả Trần Trung Sáng có nói rằng: “Hồi ức Hạt bụi bay xa là tuyển tập văn học viết về chân dung một số gương mặt văn hóa, văn nghệ đã qua đời. Trong số họ, hầu hết là những người hoạt động văn hóa, sáng tác văn nghệ đã sinh ra, lớn lên và cống hiến sự nghiệp tại quê hương Quảng Nam Đà Nẵng, hoặc từng có một quãng đời gắn bó nhất định để làm nên những công trình, tác phẩm tâm huyết tại miền đất nơi đây”.

Bìa sách Hạt bụi bay xa.
Bìa sách Hạt bụi bay xa.

Vượt qua mọi rào cản xám xịt về lý thuyết thể loại, lối thể hiện ở đây vừa có hồi ức kỷ niệm, vừa nghiên cứu phê bình, vừa phác thảo chân dung, nên tác giả ghi một cách chung chung, có ý nghĩa ngoại biên (gần gũi với hồi ký nhưng không phải là hồi ký) là hồi ức, bởi vì “mỗi gương mặt nơi đây, với người chấp bút đều có những kỷ niệm, những cảm xúc đặc biệt rất riêng tư” (tr.5). Với 200 trang sách, tác giả phác thảo chân dung 34 văn nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa, trong đó có 11 nhà văn nhà thơ, 4 nhà nghiên cứu, 1 nhà báo, 6 nhạc sĩ, 9 họa sĩ, 1 nhà điêu khắc, thậm chí có cả người sưu tập đá kiểng rồi viết thành sách về nghệ thuật tạo hình như linh mục Anton Nguyễn Trường Thăng (Chuyện đá và đời), hoặc một người tuy có làm báo, viết sách, nhưng thành công lớn nhất là chế biến cocktail, được tôn vinh là lão làng bartender Việt Nam như ông Nguyễn Xuân Ra (Cocktail - nguồn cảm hứng đời người).

Là người nhiều năm làm báo, nên đóng góp lớn nhất của Trần Trung Sáng ở công trình này là cảm quan về đối tượng sáng rõ, có cái nhìn nhạy cảm đầy tính phát hiện. Ngay cả những tác giả nổi tiếng, sự nghiệp của họ để lại tốn không ít giấy mực, trong đó có cả những người mà vài ba cuốn sách đã từng viết về họ, nhưng tác giả cũng biết khám phá phát hiện, biết lục vấn những gì còn khuất nẻo trong hành trạng cuộc đời để tìm ra những điều mới mẻ.

Trên con đường đã chi chít những dấu chân, Trần Trung Sáng biết tìm chỗ để đặt bàn chân khai minh của mình một cách tự tin, không trùng lặp và lưu lại những dấu riêng. Từ những tài năng đã được khẳng định, những vấn đề tưởng chừng không còn gì để nói, anh vẫn lẩy ra được những tia sáng nhỏ, mảnh, soi rọi bức màn của hiện thực đời sống và nghệ thuật. Phan Huỳnh Điểu cùng đôi cánh nhạc và thơ chỉ viết về những bản nhạc nổi tiếng của ông đều là những bản nhạc phổ thơ và phát hiện ra rằng thời còn trẻ, nghệ thuật ông đến đầu tiên là thơ, vì vậy mà sau này “chính âm nhạc của ông đã góp phần chắp cánh cho hàng loạt bài thơ có một đời sống bay bổng, ghi lại dấu ấn không thể phai nhạt trong lòng công chúng” (tr.160). Khi Đọc lại tác phẩm nhà văn Phan Du, tác giả chú ý đến biên khảo Mộng kinh sư (1971) và truyện ngắn Hai chậu lan tố tâm đã từng đoạt giải thưởng của Trung tâm văn bút Philippines trong cuộc thi ở vùng Đông Nam Á (1964). Nói về nhà văn Chu Cẩm Phong, tác giả chỉ đi tìm những chứng nhân một thời trong “Nhật ký chiến tranh” hoặc khi nói về họa sĩ tài hoa cả nhà làm nghệ thuật có quê ngoại ở Quảng Nam, người viết chỉ khai thác ở góc độ họa sĩ Vũ Giáng Hương – dấu ấn miền quê mẹ…

Điều quan trọng hơn là Trần Trung Sáng đã phát hiện – cũng là trả lại sự công bằng, cho “một số gương mặt gần như bị lãng quên, hoặc lần đầu” (tr.5) hay rất ít khi được nhắc đến như Hoàng Châu Ký, nhà nghiên cứu tuồng với nhiều công trình lớn; Nguyễn Sinh Duy tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về đất và người xứ Quảng; Nguyễn Bá Trác, dịch giả bài thơ Hồ trường nổi tiếng… Nhất là những tác giả thuộc các lĩnh vực nghệ thuật lâu nay ít được giới nghiên cứu phê bình quan tâm (bởi lẽ, ở nước ta có quá ít người nghiên cứu phê bình nghệ thuật), như các họa sĩ Đỗ Toàn, Hà Dư Anh, Nguyễn Văn Anh, Mai Ngọc Chính, Từ Duy, Nguyễn Phan, Nguyễn Đức Hạnh, Maria Mộng Hoa, nhà điêu khắc Trương Đình Quế; các nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, Từ Huy, Nguyễn Nam, Lê Trọng Nguyễn.

Đọc trang văn, người ta không chỉ hình dung ra hình tượng tác giả - nhân vật “tôi” nhân xưng một cách trực tiếp ở bất kỳ bài viết nào cũng xuất hiện - đồng hành với cuộc đời của từng nhân vật, có cái nhìn ấm áp với tất cả tình yêu thương, quý trọng và phổ lên đó từng cung bậc cảm xúc, làm đầy lên hình hài dáng vóc, sừng sững đi lại từ trang sách ra cuộc đời. Quan trọng hơn, mỗi người có những đóng góp tuy dày mỏng khác nhau, thời gian và lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, nhưng họ đều đồng hành với đất nước vào nửa cuối thế kỷ 20 và những năm mở đầu của thế kỷ 21 đầy sôi động và lắm đổi thay, đôi khi nhanh chóng đến mức không ngờ. Tất nhiên, họ chỉ là những “hạt bụi bay xa”, từ đất Quảng lan tỏa vào không gian nghệ thuật và đời sống tinh thần rộng lớn của đất nước, hoặc từ nơi khác hội tụ về vùng văn hóa nơi đây để làm giàu có thêm, nhưng tất cả đều ít nhiều thể hiện cái phẩm chất làm sản sinh các danh sĩ xứ Quảng thời nào cũng có.

Cố nhiên, là nhà văn, nhà báo đi tìm cách pha màu để khắc họa chân dung những người mình ngưỡng mộ hoặc cùng thời, theo từng loại hình nghệ thuật, từng thời điểm khác nhau, để in báo nay sưu tập lại, nên các bài viết trong sách của Trần Trung Sáng chưa đều tay, chưa thể hiện một tư duy liền mạch. Đó cũng là tất yếu, đối với một công trình sưu tập những bài báo ngắn thường thấy lâu nay.

PHẠM PHÚ PHONG

PHẠM PHÚ PHONG