Nhật Chiêu - Người truyền lửa văn chương
Tại ngày hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, người yêu văn chương xứ Quảng có dịp hội ngộ nhà văn Nhật Chiêu. Các buổi nói chuyện về thơ Haiku, truyện Genji, Truyện Kiều - những tuyệt tác của hai nước Việt, Nhật cứ trải dài miên man. Phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trò chuyện cùng ông - người truyền lửa văn chương đến thế hệ trẻ.
Nhật Chiêu bên tủ sách mang tên ông tại Hội An.Ảnh: BÍCH LIÊN |
Ông đã tạo ra nhiều truyện cực ngắn, truyện tuyệt ngắn, thậm chí có những truyện chỉ có... một câu duy nhất. Gần đây là tập “Tôi là một kẻ khác” được ông xếp vào loại “Thơ giao lời kể và thơ tượng quẻ”, phải chăng đây là nỗ lực “làm mới mình” và sự khác biệt của Nhật Chiêu?
Tôi nghĩ là viết thì phải tìm ra những cái gì mới, tất nhiên không thể mới hoàn toàn, bắt đầu từ những điều đã có trong văn học, truyền thống. Gần đây, giống như là những cảm nhận mới, cái nhìn mới, chứ chất liệu, đề tài thì đã có đâu đó rồi, có điều được chuyển tải bằng ngôn ngữ, phương thức hiện đại hơn. Thời buổi này người ta không có nhiều thời gian để đọc. Truyện “Sử thi nàng Sita” của tôi chỉ có từ duy nhất: “Đất”. Do cái tựa nên người ta liên tưởng đến nàng Sita của Ấn Độ, sinh ra từ đất và trở về với lòng đất. Truyện chỉ có một từ “đất” gợi tình yêu với trái đất, với hệ sinh thái và mang ý nghĩa báo động, đòi hỏi con người lưu tâm và có ứng xử hợp lý hơn với thiên nhiên - mẹ của muôn loài. Đây chỉ là cách nói mới, cách nghĩ khác, nhìn khác, là cách nói cực kỳ ngắn gọn về tình yêu đó.
Nhiều người cho rằng truyện của ông quá kén độc giả?
Nhật Chiêu (SN 1951 tại Sài Gòn, quê quán ở Vĩnh Long), là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, dịch giả. Hiện là giảng viên khoa văn học và ngôn ngữ tại Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.Hồ Chí Minh và một số trường khác. Có hàng trăm bài viết, biên khảo, dịch thuật; đã xuất bản hàng chục đầu sách có giá trị về văn hóa, văn chương của thế giới, Việt Nam và Nhật Bản. Nhiều tác phẩm văn chương của ông tạo được tiếng vang. |
Trong tiếp nhận văn chương có khái niệm tầm đón đợi. Người đọc có hiểu biết văn hóa, có kiến văn, có tầm đón đợi, có hiểu biết sâu thì mới tiếp nhận tác phẩm sâu. Sử thi Ramayana Ấn Độ nổi tiếng, bất cứ người học văn nào, bạn đọc nào cũng hiểu được, không đòi hỏi gì nhiều ở người đọc. Hay một truyện khác của tôi có một câu thế này: “Có một người cuối cùng được phóng vào vũ trụ, anh nhìn lại thì thấy trái đất nổ toang”. Ta cần hiểu, tương lai nếu không thay đổi cách ứng xử, nếu thiếu tình yêu thì con người sẽ mất trái đất.
Nghiên cứu nhiều, đọc nhiều. Trong sáng tác của mình, liệu ông có chịu ảnh hưởng từ một xu hướng hay tư tưởng của tác gia mình yêu thích?
Không phải là một tác giả cụ thể mà đọc càng nhiều thì có một sự dung hợp. Âu hay Á, phương Tây hay phương Đông, cổ điển hay hiện đại, tôi đều có thể học tập cái gì đó, tiếp thụ mang tính toàn thể, chứ không có tác gia duy nhất. Có thể thấy rõ trong sáng tác, ở đâu đó trong tác phẩm của một nhà văn dù lớn cỡ nào cũng thấp thoáng chi tiết nào đó quen, có thể không chỉ ở Âu hay Á, mà ngay ở Việt Nam. Tôi không ngại bởi tôi tiếp thu rất nhiều tác giả, khi tôi buông Lý Bạch ra tôi đọc Basho, Nguyễn Du; hay buông các tác gia châu Á ra, tôi đọc tác phẩm phương Tây. Tôi đọc xen kẽ, liên tục các nhà văn nhà thơ khác nhau, đọc nhiều xu hướng khác nhau, bằng một số ngôn ngữ khác nhau. Do đó không sợ riêng ai đó có ảnh hưởng duy nhất đối với mình, cũng không ngại mình chịu ảnh hưởng của cái bóng của ai cả.
Có người thiên về trường phái vị nghệ thuật, có người vị nhân sinh. Riêng ông, ông quan niệm về sáng tác ra sao, thưa ông?
Phân biệt là không đúng, đó chẳng qua là một cách nói thôi chứ thực tế thì hai cái không tách rời. Dù anh viết vị nghệ thuật thì đòi hỏi phải có người đọc, anh viết vị nhân sinh nhưng cũng phải viết cho hay, có tính nghệ thuật. Nhà văn phải viết vì con người, vì tình yêu, phải viết với tất cả tâm hồn mình. Khi đạt tới trình độ trác tuyệt, tính nghệ thuật và nhân sinh hòa lẫn vào với nhau. Một tác phẩm thành công bao giờ cũng chứa đựng trong mình xu hướng về con người lẫn cái đẹp. Cái đẹp về con người, đời sống, nghệ thuật…
Sáng tác, quan trọng nhất là ở bản thân của người nghệ sĩ thôi. Mình cảm nhận được hơi thở của thế giới, thiên nhiên, con người ra sao; làm cách nào để có thể đưa lại cho đời những gì mình nhận được từ trời đất; làm sao truyền đạt, đưa nó trở lại, thâu hóa được, hay nói đúng hơn là đem trả lại đời. Như một con ong làm mật, nó lấy phấn hoa nhưng rốt cuộc nó lại làm ra mật cho đời. Không phải là một cái gì ghê gớm hay tầm thường, mà là có nhận và có cho, giống như tình yêu vậy.
Liệu có sự đối lập giữa một con người mô phạm với biên khảo, dịch thuật và giảng dạy và một nghệ sĩ tự do, phá cách trong một con người Nhật Chiêu, hay đó là sự phân thân lớn?
Một người không thể sống một cuộc đời mà nhiều cuộc đời. Sự phân thân là tự nhiên của một con người. Có thể hiểu đơn giản, một người phụ nữ có thể vừa là mẹ, vừa là vợ, vừa là cô giáo. Khi tôi giảng dạy, có mô phạm, nhưng khi sáng tác thì có tâm thế tự do, phá cách, rong chơi. Có hai con người khác nhau trong tôi, một người đi chơi và làm thơ, một người đang cố gắng làm cho người học nắm được những điều mình nói. Tôi dạy văn chương, nên tuy một mà hai, tuy hai mà một, như hình với bóng. Không có gì nghịch lý ở đây cả, mà lại rất lưỡng hợp. Trường hợp của tôi còn chưa là gì cả. Có những nhà văn trên thế giới không những chỉ sáng tác mà còn làm những nghề khác, lại đối lập hoàn toàn với sáng tác. Có những nhà văn vừa là bác sĩ, vừa là nhà khoa học, nhà kinh doanh, luật gia. Có những người sắm rất nhiều vai và vai nào họ cũng hoàn thành xuất sắc.
Là người mê kể chuyện văn chương, những giờ giảng văn của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên, hẳn với ông đó là thành công to lớn?
Tôi không nghĩ thành công mà tôi nghĩ mình may mắn được nhiều thế hệ sinh viên tin cậy. Tôi mừng là nhiều bạn ra trường rồi vẫn còn quây quần, gần gũi với mình, dù thế hệ quá cách xa nhau nhưng lại không có khoảng cách sâu. Nếu gọi là thành công thì tôi xin phép để trong dấu ngoặc kép hai chữ “thành công” đó.
Trong khuôn khổ ngày hội giao lưu Việt - Nhật tại Quảng Nam vừa qua, ông đã kể cho học trò, độc giả của mình những gì?
Tôi đã có 3 buổi nói chuyện văn chương ở 3 không gian khác nhau, một buổi nói chuyện về thơ Haiku Nhật Bản - thể thơ nổi tiếng của thế giới tại Hội An. Một buổi nói chuyện về Truyện Kiều của Nguyễn Du và Truyện Genji của Nhật Bản tại không gian café Trung Nguyên ở Đà Nẵng. Một buổi nói chuyện về Truyện Kiều tại Trường ĐH Đà Nẵng. Kể chuyện là sở trường của tôi rồi, còn lửa tình yêu văn chương thấm vào máu rồi.
Nhiều người gọi ông là người truyền lửa tình yêu văn chương đến thế hệ trẻ. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm truyền lửa của mình?
Các bạn trẻ chú ý nghe những câu chuyện về văn chương, văn hóa rất say sưa, điều đó làm tôi vui. Nếu không chú ý thì các bạn sẽ không đi nghe đông tới vậy. Tôi nhận thấy, đất nước mình vẫn là nơi tình yêu đối với văn chương, thơ ca là tột bậc, bởi thường xuyên có những buổi nói chuyện nói về thơ ca, văn chương giữa đám đông, mà không phải nước nào cũng có những buổi nói chuyện dễ dàng vậy đâu.
Còn chuyện truyền lửa, theo tôi, hai yếu tố quan trọng khiến cho giờ văn có lửa là người dạy và sách giáo khoa, sách tham khảo được soạn, chuẩn bị kỹ lưỡng, phù hợp với xu hướng của các bạn trẻ, có tính cập nhật cao. Điều đó sẽ gây cảm hứng không những cho thầy cô mà cho người học. Để có được điều đó phải liên tục cho phép người ta được biên soạn sách giáo khoa một cách rộng, cởi mở hơn, không phải một bộ duy nhất mà nên có nhiều bộ. Thực tế thì không được bao nhiêu cả. Sách giáo khoa và sách tham khảo ở ta vẫn còn đơn điệu, ảnh hưởng đến người dạy lẫn người học. Người dạy phải có lửa tình yêu thực sự đối với tiếng Việt, với văn chương, thậm chí đối với người học thì giờ văn mới thực sự hứng thú. Còn nếu chỉ bám vào sách giáo khoa, không chịu học hỏi, nâng cao trình độ thì sẽ gây buồn chán, người học sẽ không thấy mới mẻ, nhàm chán, thụ động, không tìm được điều mình khao khát.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
BÍCH LIÊN (thực hiện)