Đường xa mây trắng

ĐÌNH QUÂN 11/08/2018 01:18

Đọc lại thi kệ Bố Đại hòa thượng: “Nhất bát thiên gia phạn/ Cô thân vạn lý du…” (Một bát cơm ngàn nhà/ Thân chơi ngàn dặm xa…) rồi bừng thức câu “Vấn lộ bạch vân đầu” (Hỏi đường mây trắng qua)… Như hòa thanh tương ứng trong bài Gửi nhà Bố Đại nhà thơ Hoàng Quy cảm tác: “Rong ruổi đường xa một tấm thân/ Về đâu lạc dấu, vết chân trần/ Mắt xanh thử hỏi đường mây trắng/ Giọt nắng tỳ kheo nhớ cố nhân”. Ôi thật lẻ loi và cô đơn! Sự đời, cái ăn rất lớn nhưng thứ yếu, nếu ai đó biết hấp thu nguồn năng lượng “tiên thiên chân khí”? Trong Nội kinh tri yếu viết: “Năng nhơn thường thanh tịnh, thiên địa tất giai quy. Chân nhất chi khí giai lại tùng ngã hĩ” (Người mà lòng thanh tịnh thì khí âm dương đều được quy về. Khí chân nhất cũng do đó mà trở lại với mình). Mật pháp của thiền định là cốt gây cái tâm trống rỗng, vô niệm, vô cầu để hồi phục chân khí - nguồn gốc của sinh mệnh. Cốt lõi của tịnh thiền là lắng trong, và đi trong Lời không Hoàng Quy chiêm nghiệm: “Cuộc chơi hẹn tới vô cùng/ Ngoài vòng tục lụy, ngoài vùng vô biên/ Vô ngôn ngoài cõi vô tiền/ Hữu trung vô lậu, hữu duyên vô tình”…

Một chiều ngồi chơi với Hoàng Quy ở bến xe đò Tam Kỳ để anh chờ chuyến cuối cùng về Đại Bình (Nông Sơn). Bóng anh lặng lẽ, dáng khẽ khàng lòng tôi chợt se thắt với câu “Bến đỗ, bờ xa vạn lý hề” xiết bao! Bến đỗ về đâu? Chẳng thấy câu trả lời – chỉ nghe những tiếng sóng vỗ chập chùng ngoài bờ xa bãi vắng.

Lần giở bức thư ngày 14.2.2012, Hoàng Quốc Bảo phổ nhạc Gửi nhà Bố Đại, có viết cho anh như sau: “Gốc gác anh Hoàng Quy đó phải là một tăng sĩ, thất lạc đã lâu, như kẻ cùng tử trong Pháp Hoa kinh, cuối đời có về Bảo Sở của mình?”. Về chứ, về chỗ quý báu chân thật, dẫu biết đường còn xa lắm - tôi thường nghe anh Hoàng Quy trần tình như thế: “Đường lên thiên cốc đùn mây bạc/ Linh ẩn vàng phơi thuở hóa duyên/ Nghìn thu cát bụi chiều luân lạc/ Khoác áo phù vân gõ cửa thiền” (Gửi nhà Bố Đại).

Nhà thơ Hoàng Quy có tập thơ đầu tay Cưỡi ngựa xuống trần do NXB Đà Nẵng ấn hành vào tháng 8.2004. Gần mười lăm năm sau anh tập hợp khoảng hơn 50 bài thơ để ra mắt bạn đọc, với nhan đề Ơn em thơ gửi xuống đời. Anh Hoàng Quy thuộc lớp người đi trước. Anh thường sử dụng thể thơ truyền thống. Tuy nhiên, vẫn có nhiều câu thơ anh thể hiện chất trẻ trung, tươi mới, như: “cợt cười chi /cuộc hỗn mang/ te tua từ thuở/ hồng hoang xuống trần/ đêm nằm lót lá phù vân/ cũng như cái buổi/ ái ân/ ấy mà/ thơ buồn về ở với ta/ dạo chơi/ khắp cõi ta bà/ sướng chưa” (Cỡi gió). Và còn nữa: “thơ ta gửi/ bên triền hoa bắp rộ/ chiều Cẩm Nam mắt liếc nắng sau vườn/ em hát khúc tình ca/ mải mê một đời khoan hụi/ cuối dòng Thu biền biệt thuở ban đầu…” (Rêu vẫn xanh rêu).

Cảm thức thơ Hoàng Quy, theo tôi cần chút tĩnh lặng, lột trần ý thơ cần chút chậm rãi mơ màng và nghĩ về cuộc đời là phù vân giả tạm, là tuồng mộng huyễn mà con tạo luôn bày ra đấy. Hãy  nghe Bờ xuân bất tuyệt cũng trong giây phút huyền đồng Hoàng Quy đã chia sẻ với nhà thơ Tường Linh: “Về không? ở lại, dòng xuôi ngược/ Gậy trúc vườn sau nhớ lão huynh” và để ta hiểu thêm dẫu có dốc cạn bao nhiêu chung hồ rượu cũng chưa chắc giải tỏa hết niềm riêng: “Sầu gieo đáy cốc chiều se lạnh/ Xuân muộn mày hoa đóa lỡ thì”. Sầu gieo, se lạnh, xuân muộn, lỡ thì tưởng đã hết, và tin rằng, sẽ mãn khai ở một chỗ khác như: “Rượu uống chưa say người say khướt/ Sớm mai thiên hạ mãn xuân đình”. Vẫn đậm đặc cái chưa xong Hoàng Quy dẫn dụ: “Vó ngựa trăm năm mòn bóng nguyệt/ Sườn non dốc dựng tuyết sương pha/ Bờ xuân bất tuyệt còn chưa khuyết/ Khói sóng đầu sông tuổi chớm già”. Những từ mòn, pha, khuyết, già tưởng mọi cái đã xong rồi nhưng không, vẫn mở ra sức sống, như mới của quẻ Vị tế trong Kinh Dịch. Cái chưa xong ảo diệu, biến hóa không cùng, mới cuốn hút, và gợi nhắc ta luôn đi tìm. Đang trên đường về nhà mới vừa thấy vườn cây, bóng dáng mẹ già bỗng chốc đã chìm khuất trong ngàn sương trắng.

ĐÌNH QUÂN

ĐÌNH QUÂN