Sơn Hồ: Tiếng thơ dân gian đất Tam Kỳ

PHÚ BÌNH 05/08/2018 06:17

Tam Kỳ có nhiều nhà thơ dân gian. Thơ của họ được nhiều người biết đến và đã đăng nhiều trên tập san Trường Giang, cũng là tên một hội thơ tại đây. Trong đó nổi bật là nhà thơ Sơn Hồ. Ông cũng được nhiều người ở xa biết đến qua cuộc thi mời họa đối câu “Bánh ít nhiều đường bánh ít ngọt” mà ông gửi đến tạp chí Kiến thức ngày nay cách đây gần 20 năm.

Nhà thơ Sơn Hồ.
Nhà thơ Sơn Hồ.

Ông tên là Dương Quốc Thạnh, sinh năm 1925 tại làng Quá Giáng huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông đi bộ đội, sau đó lập gia đình. Vợ ông quê ở xã Tam Phước huyện Phú Ninh. Ông chọn quê vợ làm nơi định cư. Do chiến tranh ác liệt, ông dọn xuống Tam Kỳ, ở nhà số 135 đường Phan Châu Trinh. Năm 2006 ông chuyển chỗ ở và qua đời đầu năm 2007 vì tai biến mạch máu não. Cơn bệnh này đã hành hạ ông nhiều năm trước đó làm mắt mờ, tay yếu. Những bài thơ giới thiệu dưới đây một số do chính ông ghi lại, phần khác do ông đọc cho con cháu và thân hữu chép khi không nhìn và viết được nữa.

Thơ Sơn Hồ, đa số sáng tác trong thời bao cấp, ghi lại những nét nhìn dân gian của một con người gắn bó máu thịt với đất Tam Kỳ bằng một phong cách linh hoạt, đa dạng. Trước hết đó là sự ghi nhận về những nét tiêu biểu của vùng đất này. Ai ở Tam Kỳ đều biết cây đa đường Huỳnh Thúc Kháng. Sơn Hồ viết về cây cổ thụ này với nhiều cảm xúc.

Vịnh cây đa đường Huỳnh Thúc Kháng
Nhìn cây cổ thụ đứng bên đường
Sừng sững bao đời với gió sương
Nghỉ cánh qua đêm chim vạn dặm
Dừng chân tránh nắng khách muôn phương
Người trồng há nghĩ không mai một?
Kẻ hưởng đâu ngờ có chủ trương!
Thấy vậy lòng ta luôn những ước
Ước chi cây đứng trước sân trường!

Sơn Hồ không chỉ tả cảnh với những hoài niệm dạt dào, thơ ông đi sâu mô tả hình ảnh của con người và sinh hoạt lao động hàng ngày của họ với một giọng hóm hỉnh, như bài về giếng cổ Bốn Trụ nổi tiếng ở phường Hòa Hương hay bài về ông hớt tóc dạo hoặc anh thợ thiến heo sắp trở về làm ruộng… Hóm hỉnh là đặc điểm chủ yếu của phong cách thơ Sơn Hồ. Ta hãy nghe ông giễu anh chồng không chịu nghe lời vợ thực hiện “kế hoạch hóa gia đình”:

Mơ chức giám đốc
Sinh đẻ từ lâu kế hoạch rồi!
Buồn cười sáng kiến của chồng tôi
Đặt vòng? Cứ bảo “Từ từ mụ!”
Thắt ống? Hẹn dần “Chậm chậm thôi!”
Lớn xác như voi đâu thiếu cỏ
Nhỏ con như kiến mấy dư mồi
Rủ nhau góp vốn làm ăn lớn
Thành lập công ty sản xuất nôi.

Mấy cặp sinh đẻ không có kế hoạch, đọc xong bài thơ này chắc cũng tự thấy phải dừng lại mau nếu không muốn được nhà thơ phong làm “giám đốc công ty sản xuất nôi cho trẻ sơ sinh”.

Thơ Sơn Hồ đi vào những vấn đề có can hệ đến đời sống con người hiện đại. Ông có những bài thơ rất hay về SIDA - căn bệnh thế kỷ. Về đề tài này, ông có một bài thơ “nói lái” được truyền tụng rất nhiều:

Sida
Sida sớm biết tránh xa đi
Khi ngã bệnh rồi hết khả nghi
Để lộ đau buồn, buồn đổ lệ
Di truyền không phải, phải diên trì
Lửng lơ nằm mãi e lưng lở
Khi đó cho vàng cũng khó đi
Túng kế bày thêm trò tế cúng
Đi mời đồng bóng đứt đời mi!

Đọc kỹ bài thơ này, người đọc phát hiện câu nào ông cũng nói lái, mà “lái” rất tài tình. Lối làm thơ này đòi hỏi phải có một khả năng sử dụng ngôn ngữ dân gian thành thục. Xin nêu một bài khác làm ví dụ:

Mình thân khó mần thinh
Già lo sự thể mới dò la
Đã mấy mươi xuân đẹp đấy mà!
Nội trợ vợ than thành nợ trội
Ma đề chồng giữ thói mê đà..
Lấy đâu để sống còn lâu đấy!
Ta rõ nhưng lòng khó tỏ ra
Cứ sợ ngày càng thêm cớ sự
Nhà hư biết tính kế như hà? (biết làm sao?)

Ở Tam Kỳ, Sơn Hồ nổi tiếng là “nhà thơ nói lái” - đặc biệt là “nói lái mặn”. Về mặt này, thơ nói lái của ông chỉ để “đọc mà nghe” chứ “ghi lại” e không tiện!

Khả năng làm chủ ngôn ngữ còn được Sơn Hồ khai thác triệt để theo một cách khác. Ví dụ bài thơ sau:

Nhớ hoài
Xóm giềng cô bác chốn hương lân
Người nhủ ta rày học chữ nhân
Lấy ít cho tròn câu bất thủ
Chia đều được ngợi chữ đồng phân
Giàu sang giữ kẽ đừng tham phú
Nghèo khó chung vui chớ phụ bần
Đời đã cho hay là thế thế
Bụi trần không lấm khách phong trần

Mỗi câu trong bài chứa từ đầu là chữ Nôm và từ cuối là chữ Nho dịch nghĩa từ chữ Nôm ở trước. Chơi chữ kiểu này, nếu không chắc tay, có thể làm hỏng cả ý thơ. Nhưng, với Sơn Hồ, nhiều bài ông làm theo kiểu này mà vẫn giữ được sự nhuần nhị. Ông còn làm nhiều bài thơ mà trong đó câu nào cũng có một chữ được Việt hóa từ tiếng nước ngoài. Nhưng, Sơn Hồ không lạm dụng thơ chơi chữ, trước sau ông vẫn cố gửi gắm vào thơ mình những cảm xúc chân thành của một người đau đáu muốn làm điều có ích cho mọi người, như hạt muối muốn dâng vị mặn cho đời trong bài Vịnh hạt muối.

Trong gần cả trăm bài thơ để lại cho gia đình và thân hữu, có một bài thơ rất độc đáo! Độc đáo từ tứ thơ đến cách diễn tả. Rất thật và rất sống động! Cảnh ngộ của nhân vật trong bài thơ làm ta muốn rơi nước mắt:

Thằng câm ăn ớt
Khổ nỗi thằng câm cắn ớt cay
Mình làm, mình biết, một mình hay
Cam bề nóng mũi khôn le lưỡi
Khổ nỗi phồng môi khó nhíu mày
Tha thít như người chuyên khóc mướn
Hít hà tựa kẻ cố thương vay
Kêu trời lớn tiếng kêu không thấu
Chỉ có thiên công thấu dạ này!

Nhưng đó chỉ là những giọt nước mắt hiếm hoi! Thơ Sơn Hồ đầy ắp niềm vui, niềm lạc quan. Bài thơ “Tám mươi tuổi tự vịnh” viết năm 2004 sau đây là một bằng chứng:

Ai rằng thất thập cổ lai hi
Tuổi tớ vừa tròn tám chục y
Thọ tỷ Nam Sơn rồi cũng rứa!
Phước như Đông Hải chẳng mong gì!
Cơm ăn bữa bữa con mang đến
Thể dục chiều chiều vợ dẫn đi
Trời đã ban cho vui vẻ nhận
Ai ơi thấy vậy chớ so bì!

Qua giới thiệu sơ lược một số bài trên, có thể thấy Sơn Hồ xứng đáng được ghi nhận như là một nhà thơ dân gian tài tình của đất Tam Kỳ. Những nhà thơ như thế hiện nay không còn nhiều! Vì thế, việc sưu tập và giới thiệu tác phẩm của họ để góp phần làm giàu thêm vốn văn hóa địa phương thiết nghĩ là điều nên làm!

PHÚ BÌNH

PHÚ BÌNH