Văn chương là nợ không thành nợ...

XUÂN THỌ 29/07/2018 10:27

Tôi đùa, Mai Hữu Phước là người sống… “hai mặt”: một mặt lãng đãng, với thơ; và một mặt rất nghiêm cẩn, với nghề nghiệp của mình là bác sĩ.

Nhà thơ Mai Hữu Phước. Ảnh: XUÂN THỌ
Nhà thơ Mai Hữu Phước. Ảnh: XUÂN THỌ

  Rồi trên đường chạy từ Đà Nẵng về lại Hội An, dưới mưa, vẩn vơ với câu hỏi: Vậy thì, ông là bác sĩ kiêm nhà thơ, hay nhà thơ kiêm bác sĩ?

1. Câu hỏi ấy, tôi tự lưu ý với mình rằng, sẽ hỏi ông khi gặp lại ở lần tiếp theo. Nhưng chắc hẳn sẽ không phải là bất ngờ, như cách tôi với ông bất ngờ gặp lại nhau sau mười năm tròn, như cách cơn mưa chiều Đà Nẵng bất ngờ trút nước, như cách ông bất ngờ đến với “Nợ văn chương” của mình. Năm 1968, gia đình ông dắt díu nhau rời Đại An (Đại Lộc) đến dừng chân ở Thanh Khê (Đà Nẵng), vì ám ảnh đợt lũ lịch sử năm Thìn (1964). “Đâu hồi năm học cấp hai, sang nhà thằng bạn chơi, thấy mấy câu thơ tả cây xoài, đọc thấy hay hay. Mới nhớ ra nhà mình có cây ổi, bờ tre. Mà cây ổi nhà mình lại… nổi tiếng hơn cây xoài nhà bạn, bởi ổi nhà mình cây to nhất, có nhiều trái và người trong xóm hay đến hái ăn. Nên nghĩ, hay là mình làm thơ về cây ổi nhà mình?” - nhà thơ Mai Hữu Phước dí dỏm. Rồi ông ngồi cặm cụi, xếp vần thơ cho cây ổi nhà mình mà không hay biết rằng, đó như những bước chập chững đưa mình đến với cõi thơ xa ngái.

Miệt mài đến năm học cấp 3, ông quyết định gửi thơ đi dự thi và đạt giải thưởng cuộc thi thơ của báo Thiếu niên tiền phong vào năm 1978. Giải thưởng được nhà thơ Ngô Viết Dinh mang từ Hà Nội vào Đà Nẵng để trao cho cậu thanh niên Mai Hữu Phước. “Hồi đó nhà thơ Ngô Viết Dinh vào, nhờ Thành đoàn Đà Nẵng thông báo mình lên để nhận thưởng. Đêm, nằm nói chuyện với ông, mới mường tượng được ít nhiều cái gian nan, cái nhọc nhằn của kẻ làm thơ. Nên nhớ mãi câu nhà thơ Ngô Viết Dinh ghi trong lưu bút của mình: “Có nắng gắt, có mưa sa thì muối cuộc đời mới cô thành thơ…”.

Nhà thơ Mai Hữu Phước sinh năm 1963 tại xã Đại An, huyện Đại Lộc. Đoạt giải thưởng thơ của Báo Thiếu niên tiền phong năm 1978, Báo Công an TP.Hồ Chí Minh năm 2008, Tập san Áo Trắng năm 2006; nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 2017). Đã xuất bản các tập thơ như “Xin cảm ơn em” năm 2003, “Một thuở học trò” năm 2004, “Thì thầm phố nhỏ” năm 2006; thơ song ngữ Việt - Anh “Phiên khúc sang mùa” năm 2012. Tập ký sự đường xa “Lang thang xứ người” năm 2014. CD thơ phổ nhạc “Huế và Em” năm 2008. Tạp bút “Viết trong ngày mưa” năm 2017. Sách về y học: “Sức khỏe tuổi teen” năm 2011; “Y học thường thức thời @” năm 2012; “Sức khỏe - những vấn đề thường gặp” năm 2017.

Đúng là “muối cuộc đời mới cô thành thơ” được, và đôi khi, là thêm vào bởi những sự việc đến bất ngờ. Là chuyện năm cấp 3, ông vốn học ban chuyên toán, bị “bắt” đi thi… chuyên văn. Các thầy đưa ra lý do: “Em thì học giỏi toán thật, nhưng không giỏi nhất trường này. Còn thi văn, thì… triển vọng hơn”. Thế là cậu học sinh chuyên toán đi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh! Có lẽ, cậu học sinh này, đã được thầy cô chú ý bởi những bài viết, những bài thơ trên trang báo tường của trường. Hay bắt gặp nhiều nhất, là những bài thơ làm “mềm hóa” các công thức toán học, phân nhóm hóa học…

2. Vì vướng… lý lịch, nên ông trễ 3 năm so với bạn cùng lứa khi vào đại học. Lại thêm cái lạ, là hồi học sinh, ông học chuyên toán, nhưng thi học sinh giỏi văn; sau muốn làm báo chí, thế mà lại đi vào trường y, học bác sĩ! Có thể những điều ấy, là một phần trong các nguyên do sau này, “xui khiến” nhà thơ Mai Hữu Phước viết bài “Nợ văn chương” mà rất nhiều người thích: “Là chút lòng tôi với cuộc đời/ Với người quen - lạ, ghét - thương tôi/ Với trăng, với gió và em nữa/ Với cả canh tàn rượu đắng môi/ Như chút tình riêng không thể nói/ Với người nay đã quá xa xôi/ Công danh thành - bại, vinh cùng nhục/ Hạnh phúc, buồn - vui ngỏ mấy lời/ Nợ đã vốn nhiều thêm chút nợ/ Tựa hồ sông biển hóng mưa rơi!/ Văn chương là nợ không thành nợ/ Vay trả tùy ta với cuộc đời”.

Tôi hỏi: “Làm thơ và làm bác sĩ, ông thấy thế nào?”. Nhà thơ Mai Hữu Phước không trả lời thẳng, chỉ rằng “mình rất ít làm thơ về nghề bác sĩ”. Ông bảo thơ mình chủ yếu là thơ tình, tiếp đến là cảnh sắc non sông, thế thôi. Nhưng câu hỏi, cũng nhắc nhớ ông đến quãng đời sinh viên. Lúc đi thực tập ở bệnh viện vào ban đêm, gặp cảnh đứa bé bị bỏ rơi, đói lả rồi chết, ông làm bài “Đứa bé bỏ rơi” rồi đặt bài thơ cạnh đấy. Hôm sau các y - bác sĩ dò hỏi, khen bài thơ hay, xúc động. “Tiếc là thời gian trôi qua nhiều quá, tôi không biết bài thơ ấy trôi dạt về đâu” - nhà thơ Mai Hữu Phước bày tỏ.

Nhắc thời sinh viên, ông nhớ thêm một chuyện nữa, cũng liên quan đến thơ. Lần ấy, vào buổi tối, khi đi học ngoại ngữ về, ngang qua chỗ trụ sở Tạp chí Sông Hương, thấy có buổi ra mắt một tập thơ, ông ghé vào xem. Hai người nơi nhà thơ Mai Hữu Phước ngồi gần nhất, sau này ông mới biết đó là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tại buổi giới thiệu tập thơ này, có phần giao lưu ứng thơ với chủ nhân của tập thơ đang giới thiệu. Chàng sinh viên Mai Hữu Phước mạnh dạn ứng 4 câu, cả hội trường khen hay và hứa giúp đỡ để phát triển con đường văn chương sau này. Nhưng cậu sinh viên xứ Quảng mới nhớ ra, là mình ra đây đi học kiếm cái nghề, để sau này mưu sinh, thoát nghèo thoát khổ chứ không phải để “dan díu” với thơ ca. “Nghĩa là khi nhớ ra điều này, ông không làm thơ nữa” - tôi hỏi. “Không, mình vẫn làm thơ mỗi khi có cảm xúc, chỉ là không tìm gặp các nhà thơ để được giúp đỡ thôi. Làm xong, ghi sổ cất hoặc đưa bạn bè đọc và vẫn không quên nhiệm vụ chính của mình là đi học để kiếm cái nghề” - nhà thơ Mai Hữu Phước chia sẻ.

3. Té ra, Mai Hưu Phước là người rất tỉnh táo, dù rất… mê thơ. Thơ ông vừa đủ nhẹ nhàng, vừa đủ da diết như chính con người ông. Ấy là cách đây nhiều năm, khi Tập san Áo Trắng ra bộ mới, tình cờ ông đọc được nên gửi cộng tác. Bài hay, được đăng. Sau đó nhà văn Đoàn Thạch Biền, “chủ xị” của Tập san Áo Trắng liên hệ, rủ rê nhà thơ Mai Hữu Phước cầm trịch phong trào văn nghệ trẻ ở Đà Nẵng. “Mình mới giật mình, là kiểu này, hồi cấp 3 mình đã làm rồi, có điều không bài bản, không quy mô như chỗ anh Biền thôi” - nhà thơ Mai Hữu Phước kể. Nên khi được nhà văn Đoàn Thạch Biền rủ, ông gật đầu cái rụp. Phần vì vui, phần vì nghĩ quãng đường thanh niên hăm hở của mình đã đi qua, nên ông muốn lèo lái “Thi văn nhóm Áo Trắng Đà Nẵng” theo con đường hăm hở của tuổi trẻ nhất. Và có thể nói, Áo Trắng Đà Nẵng, cùng với nhóm Áo Trắng Quy Nhơn, là hai “thi nhóm” nổi bật nhất ở miền Trung suốt hàng chục năm dài về phong trào văn chương trẻ.

Người ta nhìn vào, bảo ông làm bác sĩ, mà còn kiêm thêm mấy cái thi nhóm thi nhiếc ấy nữa, thì thời gian đâu? Ông chỉ cười, buông hai câu cuối trong bài “Nợ văn chương”: “Văn chương là nợ không thành nợ/ Vay trả tùy ta với cuộc đời”. Và cuộc đời của ông, nhìn một cách minh định, thì ông vay nợ văn chương rất nhẹ nhàng, mà trả nợ văn chương cũng vô cùng ý nhị, như cơn mưa vừa đủ rả rích bên song cửa nơi tôi và ông ngồi trò chuyện; như cách từng ngôn từ, từng nhịp điệu thi phẩm của ông len lỏi vào trong nhạc. Tính đến nay, nhà thơ Mai Hữu Phước có hơn 50 bài thơ được phổ nhạc, trải dài từ tình yêu đôi lứa đến quê hương đất nước. Có những bài trở thành bài hát nổi tiếng như Trở lại Huế xưa, Như mười đóa hoa thơm, Mời anh về thăm phố biển… Hơn 50 bài thơ được phổ nhạc ấy, tất nhiên là được thổi hồn bởi nhiều nhạc sĩ, nhưng để chọn lấy cái thích riêng mình, ông thích những bài do nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ hơn, vì vị nhạc sĩ này như “thấu cảm” những vần thơ của ông.

Nhưng nghiệp văn chương của nhà thơ Mai Hữu Phước không chỉ có thơ, mà còn có cả những hành trình “Lang thang xứ người” với giọng văn trong dung mạo thể loại ký sự đường xa nhưng rất nhịp nhàng, rất thơ. Ông viết cuốn này sau chuyến đi Festival Thơ Quốc tế lần III Kolkata tại Ấn Độ 2009, đi Mỹ năm 2010 và giới thiệu cho bạn đọc vào năm 2014. Điều thú vị, là từ cuộc viễn du ấy, điều ông mở mang, điều bổ ích ông tích lũy, là cả về thơ cả lẫn kiến thức y học. Nhắc mới hay, nhà thơ Mai Hữu Phước cũng có vài đầu sách về y học thường thức, giúp giải đáp thắc mắc những vấn đề về y học bằng cách viết rất duyên, rất hỏm hỉnh và đôi khi… rất thơ. Và đến đây, thì ông cười sảng khoái, đúng là “Văn chương là nợ không thành nợ…”.

XUÂN THỌ

XUÂN THỌ