NSNA Huỳnh Châu: Giữ chút lòng lành cho quê hương

SONG ANH 08/07/2018 11:38

Hơn 40 năm. Tiệm ảnh Huỳnh Châu của người Vĩnh Điện, Gò Nổi, Điện Dương, Điện Ngọc… vẫn hiện diện giữa chốn đan xen của phố của làng. Và ông chủ Huỳnh Bá Tiện y như vậy, giữ chắc tay mình với mê say nhiếp ảnh.

NSNA Huỳnh Châu.
NSNA Huỳnh Châu.

1. Như đã định danh hẳn cho mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Bá Tiện nói, bây giờ nhiều người còn không hẳn biết tên thật của ông. Họ cứ gọi bằng tên của tiệm ảnh - được đặt từ tên của con gái đầu lòng - Huỳnh Châu, và ông bảo mình hạnh phúc vì điều đó. Ít ra thì, giữa bao nhiêu đổi dời của cảnh của người, bao nhiêu cơn gió xoáy thông thốc cả nghĩa đen lẫn bóng, đọng lại với trí nhớ của số đông, đã là một điều vui. Kể cả sau này khi bước vào cuộc chơi ảnh nghệ thuật, ông vẫn lấy tên Huỳnh Châu - như một tri ân với câu chuyện định mệnh đời mình. Bước qua tuổi gần 70, người ta dễ nhìn mọi điều xung quanh mình bằng con mắt kỹ tính hơn. Nhưng cũng dễ chịu hơn để xuề xòa với những được, mất, hơn, thua. Huỳnh Châu nói, nhiếp ảnh với ông không phải là nghề nữa, mà là định mệnh. Cả gia đình ông “sống được” nhờ nó. Những bạn bè thân thuộc, cũng từ mối duyên với nghề ảnh mà khởi đi. Nhưng riêng với ảnh nghệ thuật, trong lòng mình, Huỳnh Châu nói, bao giờ ông cũng nghĩ mình đang ở giữa một cuộc chơi. Không tranh sáng tranh tối để nhất mực mình phải ở đỉnh cao. Vậy thì hẳn cũng không cần danh vị để tôn vinh mình. Lặng lẽ, mẫn tiệp, Huỳnh Châu lựa chọn cho góc máy mình những hình ảnh đời thực, những khoảnh khắc tự thấy lòng yên tịnh, để bắt ngay thời khắc “thiêng”, với cảm xúc mình.

Những chuyến xe đời khốn khó từ thuở lập nghiệp vẫn mải miết chạy trong lòng người họ Huỳnh. Để chưa bao giờ ông từ khước những bé mọn vẫn ngày ngày diễn ra ở cái thị trấn rồi đến thị xã của xứ Quảng. Một người đàn bà lưng oằn với gánh nông sản từ phía Cẩm Đồng (Vĩnh Điện) xuống đầu bến chợ, không dưng lại dậy lên trong lòng người sống ở phố những xúc cảm khó gọi tên. Để cả một thuở thiếu thời của người thanh niên nơi thôn dã trỗi dậy mạnh mẽ, đến nỗi nhiều lần sau, Huỳnh Châu nói, ông phải “phục” cho được những người phụ nữ như bà lão này. Trên cây cầu tre dài bắc lên đoạn bến Cẩm Đồng, bóng những người phụ nữ đổ dài dưới nắng chiều, đã không biết bao lần lọt vào ống kính ông. Và cả những nụ cười trên cánh đồng xa, Huỳnh Châu chia sẻ, cái tươi rói của gương mặt một người đàn ông trên đồng, nó khác với cái cười trong những hội lễ vẫn đang diễn ra mỗi ngày một nhiều.

Chừng mực. Đĩnh đạc. Cả từ vóc người đến khuôn hình. Huỳnh Châu hình như chưa từng làm phiền lòng người khác vì cách cư xử của ông. Cả trong đời sống, đời làm nghề gần 50 năm của mình hay thậm chí trong những cuộc chơi với nghệ thuật trong nhiều năm trở lại đây. Với cả những người dân của Vĩnh Điện cũ, Huỳnh Châu gần như là một cái tên bảo chứng cho sự an tâm. Những sự kiện trọng đại, chỉ cần có tay máy Huỳnh Châu, thì có thể tin những khoảnh khắc đẹp sẽ không bao giờ bị bỏ lỡ. Huỳnh Châu nói, đã làm nghề thì phải tận tâm, hết mình. Những năm mới giải phóng, khi là một thanh niên tuổi đôi mươi, Huỳnh Châu đã ý thức về sự trân trọng của những người muốn lưu giữ lại hình ảnh của mình. “Cả cái nghề này, nếu không cẩn trọng, thì bể ngay. Hồi xưa không phải như chừ, bấm một lần ra cả chục ảnh. Tiệm ảnh Huỳnh Châu mở năm 1976, thì đến khoảng những năm 1980 là có tiếng rồi, anh em thợ làm cũng đông. Nhưng riêng khâu tráng rọi phim thì mình phải tự tay làm. Vì cái ảnh có đẹp sắc nét hay không là ở khâu này” - Huỳnh Châu nhớ lại.  

2. Một người bạn khi biết tôi đi tìm một chân dung Huỳnh Châu, đã nhắc khéo rằng ông ấy không có nhiều tác phẩm đình đám được giải này giải nọ các cấp. Nhưng hẳn người bạn kia không tỏ rằng, huyền thoại hay vô danh, đôi khi chỉ cách nhau một bờ vực rất mong manh. Kiểu người như Huỳnh Châu, tôi cứ hình dung ông như một gốc cây tỏa bóng ven đường, đủ bóng mát cho những người độ đường giữa trưa hè. Bóng mát ấy với nhiều người là điều rất bình thường, nhưng với một người cần lao giữa trưa hè gắt gỏng, gặp một bóng cây, đôi khi lại là điều lưu dấu, ám ảnh suốt một đời họ. “Dẫu anh sống chỉ một đời lặng lẽ/ Quen với cái lặng thinh không tô vẽ cho mình/ Thì lại chính cái lặng thinh nhường ấy/ Biến anh thành đáng nhớ với xung quanh”. Hình dung của tôi về Huỳnh Châu, và hình như cũng của khá nhiều bạn bè về ông, gói ghém trong cái suy tư giản dị vậy!

Một số tác phẩm của nghệ sĩ Huỳnh Châu.
Một số tác phẩm của nghệ sĩ Huỳnh Châu.

Nhưng với đất và người Điện Bàn, những cái tên như Huỳnh Châu lại có sức nặng. Bởi nó như một chỉ dấu còn lại của cả một quá trình dài làm chứng nhân vùng đất này. Rất nhiều cái tên cũ đã bị bôi xóa. Những người già còn sót lại cũng đã tản mác. Sự thay tên đổi họ, sự đặt để những cung đường hay các khu vực phát triển công nghiệp, dịch vụ, muốn bền chắc, phải dựa trên nền tảng của vùng cũ. Xóa trắng đi, là một cái tội. Và may thay, Điện Bàn dù khoác lên mình một tấm áo lượt là của đô thị, thì cái vốn văn hóa mấy trăm năm xem chừng vẫn giữ cho mình ở một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của một vùng đất mở. Và những tấm ảnh từ thuở cũ của Huỳnh Châu, được trân trọng như một gợi nhắc để đối sánh với câu chuyện hiện tại. Như một chứng nhân của thời gian. Hiện tại, Huỳnh Châu vẫn còn giữ những bức ảnh trắng đen của vùng cát Điện Nam, Điện Ngọc. Hay vẫn còn đó trong kho lưu trữ tư liệu của ông là những ngôi làng của đất Điện Đương, của vùng Điện Thắng. Những chân dung vùng đất người còn người mất, trong kho ảnh của Huỳnh Châu, vẫn giữ đó như một “di sản” của đất La Qua. Niềm tin về vùng đô thị có ký ức như Điện Bàn, sẽ còn đi những bước dài hơn nữa. Điều này, là chắc chắn!

Riêng với Huỳnh Châu, quê hương là một ý niệm thiêng liêng, để ông nói, dù có cả cuộc đời mang máy ảnh khắp các đường làng ngõ phố, vẫn không chắc rằng mình đã tường tận quê nhà. Những năm 1997 – 2005, Huỳnh Châu là một cái tên quen của báo Quảng Nam, Đà Nẵng. Nhiều tác phẩm ảnh về quê hương của ông được sử dụng. Và mỗi bức ảnh, cứ vậy dày dặn trong kho tàng của người suốt một đời mê ảnh. Chưa kể rằng, ở cái tuổi gần thất thập, người ta không dễ gì mở lòng mình ra để học. Nhưng với Huỳnh Châu, ông ý thức được xuất phát điểm của mình với cuộc chơi nghệ thuật. “Tuổi trẻ bây giờ, các bạn giỏi về công nghệ, xử lý hình ảnh cũng như nhanh nhạy với chuyện thời cuộc. Vậy nên ở các góc ảnh của họ, tôi luôn thấy mới mẻ. Đó là điều những người già như mình cần phải học trong các chuyến đi” - Huỳnh Châu nói. Ảnh thời sự nghệ thuật là điều bây giờ ông già nhiếp ảnh này đang đeo đuổi từng ngày.

Rồi cũng đến lúc cần có cho những người chơi ảnh ở các địa phương một sân chơi có lớp lang, đầu tư. Như cái cách mà Huỳnh Châu mày mò để thành lập Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Điện Bàn. Chưa cần nói nhiều đến những hoạt động được tổ chức như thế nào, chỉ cần có người đứng ra tập hợp những người mê ảnh, thích chụp ảnh của địa phương tụ hội với nhau, dần dần vùng đất sẽ gom nhặt được nhiều hơn những chuyện kể lý thú của quê hương, qua ảnh.

Và chính họ, chứ không ai khác, sẽ giữ lại được một chút lòng lành cho quê hương mình…

SONG ANH

SONG ANH