Về tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt

LÊ TRÂM 24/06/2018 13:46

Lê Hoằng Mưu (1879 – 1941) đã “đặt” Hà Hương phong nguyệt từ năm 1912, lý do, theo ông viết trong “tiểu tự” (lời tựa) đầu sách, là: “Đồng bang hằng đọc truyện Tàu diễn nghĩa, thông hiểu tích xưa, chẳng phải là chẳng ích chẳng vui. Nhưng mà coi bấy nhiêu đó hoài, lẽ khi cũng mỏi mắt đọc can qua, nhàm tai nghe binh cách chớ? Xét vậy nên tôi đặt bộ Hà Hương phong nguyệt này ra, thật là truyện đặt theo việc tình người đời, để cho đồng bang cơn rảnh mua vui, lúc buồn xem tiêu khiển”. Xét về dung lượng, hiện thực phản ánh và bút pháp, Hà Hương phong nguyệt được xem là tiểu thuyết Quốc ngữ đầu tiên của Nam Bộ.

Cuốn sách Hà Hương phong nguyệt.
Cuốn sách Hà Hương phong nguyệt.

Truyện dài kỳ đăng báo và in sách

Cuốn sách có số phận khá long đong. Khởi đăng kiểu feuilleton (truyện in báo dài kỳ) trên Nông cổ mín đàm từ số 19, ngày 20.7.1912 với nhan đề Truyện nàng Hà Hương, kéo dài đến số 53, ngày 19.6.1915. Thế nhưng từ năm 1914, truyện bắt đầu được in thành sách với nhan đề Hà Hương phong nguyệt, trong đó phần in lần đầu trên báo 1912 có ít nhiều khác biệt do tác giả gia công sửa chữa, thay đổi. Nghĩa là sau khi in thành sách 1914, tác giả lại tiếp tục viết thêm trên báo một số kỳ nữa, đến tận năm 1915!

Bản Hà Hương phong nguyệt in sách có 6 tập, in rải rác từ tháng 10.1914 đến tháng 6.1916. Nhưng đây lại là bản in thiếu hoàn chỉnh. Theo TS. Võ Văn Nhơn, người sưu tầm và chỉnh lý sách thì trong tập thứ 6 chỉ in đoạn đầu chương “Con Bảy Nhỏ với Thoàn than tức, Anh Cô mừng nỗi ức đặng minh”, tức đoạn in trên Nông cổ mín đàm số 49 ra ngày 1.6.1915. Cuối sách ghi: “Muốn rõ Con Bảy Nhỏ với Toàn than tức, Anh Cô mừng nỗi ức đặng minh, hãy xem qua cuốn thứ bảy sẽ rõ” như kết thúc thường thấy của các tiểu thuyết chương hồi thời ấy. Nhưng tập 7 chưa thấy in. Bản in báo cũng chưa chấm dứt mà các số báo Nông cổ mín đàm giải đoạn này cũng chưa tìm thấy.

Đó cũng là lý do khiến cho việc nghiên cứu Hà Hương phong nguyệt trong rất nhiều năm vẫn chưa được công bố. Phải qua một thời gian dài sưu tầm, nghiên cứu, chú thích từ các tài liệu trong nước và Thư viện Quốc gia Pháp, đến tận quý II. 2018 tiểu thuyết Hà Hương phong nguyệt mới được Saigonbooks phối hợp với NXB Văn hóa - Văn nghệ tái bản, nghĩa là sau những 105 năm! Sách có kết cấu cũng khá lạ, gồm ba phần: Phần I dùng bản in trên Nông cổ mín đàm năm 1912, phần 3 là bản in trên Nông cổ mín đàm năm 1915, phần 2 là từ sách in lần đầu tiên. Nghĩa là những người làm sách muốn in theo bản được công bố lần đầu, chưa sửa chữa của Lê Hoằng Mưu. Lý do khá thú vị được nêu ra trong Lời nói đầu: “Bản này có lối hành văn hiện đại hơn so với bản in sách (có lẽ do chiều theo thị hiếu của độc giả lúc đó nên khi tập hợp phần đã in feuilleton trên báo lại để in thành sách, Lê Hoằng Mưu đã chuốt gọt lại khá nhiều theo lối văn vần nhưng nhiều nhạc điệu hơn). Đó cũng là mối quan hệ khá thú vị nêu lên sự khác biệt đối với các tác phẩm văn học được in trên báo với tác phẩm in ra thành sách.

Tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam Bộ

Hà Hương phong nguyệt là cuốn sách khá đặc biệt. Nếu “lướt qua” văn phong theo kiểu biền ngẫu, hơi giống kiểu “hát thơ” thì sách đã “tải” nhiều vấn đề thú vị như nhận định của TS. Võ Văn Nhơn về hiện thực được phản ánh: “Có thể coi như một hình ảnh rút gọn của xã hội Nam Bộ trước Thế chiến thứ nhất. Trong tác phẩm có các gia đình giàu lẫn những gia cảnh nghèo, có cảnh Sài Gòn đô hội phồn hoa bên cạnh cảnh nghèo hèn thôn dã, có cảnh tòa xử án, trạng sư biện hộ…”.  Về nhân vật thì “đông đảo, đa dạng, từ thường dân cho đến quan chức. Có nàng Hà Hương xinh đẹp, buông thả bên cạnh một Nguyệt Ba đẹp người, đẹp nết. Có Nghĩa Hữu đam mê sắc dục, ích kỷ bên cạnh một Ái Nghĩa chung tình. Có cả người nước ngoài như khách trú người Hoa, anh Bảy Chà Và người gốc Ấn, những trạng sư người Pháp…”. Truyện khởi từ Bến Tre, theo chân nàng Nguyệt Ba “trôi” xuống Vũng Tàu ra Bình Thuận rồi vòng về quê xứ. Lại theo chân Hà Hương xuống Trà Vinh, về Sài Gòn rồi lưu lạc khắp chốn. Một không gian truyện khá rộng so với thời ấy.

So với các tác phẩm cùng thời coi trọng luân lý, đạo đức truyền thống, tình yêu nước để chiến đấu với giặc ngoại xâm, Hà Hương phong nguyệt bị lên án do chỉ quan tâm những tình cảm cá nhân ngang trái, buông thả. Vì vậy đã xảy ra một trận bút chiến nảy lửa về cuốn sách. Nhiều nhà văn, nhà báo đã phê phán kịch liệt và gay gắt cả tác phẩm lẫn tác giả đến độ chính quyền thuộc địa đã phải ra lệnh tịch thu và tiêu hủy cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam Bộ này.

Mãi đến tận năm 2018 này, tiểu thuyết mới được tái bản! Trong lời nói đầu sách có nhận định: “Tiểu thuyết này quá mới mẻ trong thời điểm ảnh hưởng của văn minh phương Tây chưa thật sự lấn át được những quan niệm khắt khe của Nho giáo về tình yêu nam nữ. Tình yêu cá nhân mang tính nhục thể và dục vọng thầm kín của con người vẫn là những điều khá xa lạ đối với những quan niệm truyền thống đương thời mặc dù ngòi bút của nhà văn đã khá uyển chuyển”. Tóm lại, cùng với nội dung khá éo le, số phận long đong của Hà Hương phong nguyệt cũng để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử văn học và báo chí Việt Nam.

LÊ TRÂM

LÊ TRÂM