Nhà thơ - nhạc sĩ Đynh Trầm Ca: Lục bình dừng trôi vẫn trổ bông...
Từ ngày nhạc sĩ Đynh Trầm Ca “dừng bước giang hồ”, từ miền Nam quay về lại Vĩnh Điện đầu những năm 2000 và khai trương quán cà phê Thạch Trúc Viên trong sân vườn nhà mẹ anh, tôi nhận ra đây chính là tụ điểm thi ca và âm nhạc của thị trấn Vĩnh Điện mang bản sắc văn hóa của những năm 1960…
Nhà thơ - nhạc sĩ Đynh Trầm Ca.Ảnh: T.Đ.T |
1. Vĩnh Điện một thời với ngôi trường trung học Nguyễn Duy Hiệu đã có những tên tuổi như Hoàng Thị Bích Ni, Hoàng Lộc, Nguyễn Nho Nhượn, Nguyễn Nho Sa Mạc, kể cả sự góp mặt của các thầy giáo dạy trường Nguyễn Duy Hiệu như nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, nhà thơ Phan Duy Nhân… đã là một thị trấn của văn chương…
Sau hòa bình, và nhất là khi cà phê Thạch Trúc Viên ra đời, thì những tên tuổi văn nghệ đất Quảng một thời như Đynh Trầm Ca, Nguyễn Nho Châu, Lê Văn Trung, Đoàn Huy Giao, Xuân Thao - Lê Văn Thí, Nguyễn Văn Gia, Uyên Hà, Trần Từ Duy (họa sĩ), Hồ Luân, Hạ Đình Thao… lại quay về và coi đây là nơi gặp mặt để ôn lại những kỷ niệm cũ hoặc giới thiệu tác phẩm mới. Nhiều người yêu văn chương từ những năm trong chiến tranh đều biết, hầu như tuần nào các tác giả văn chương dọc đường 100 từ Ái Nghĩa xuống Vĩnh Điện rồi Hội An cũng có tác phẩm in trên các báo và tạp chí xuất bản ở Sài Gòn. Giờ họ đã lớn tuổi và lại có thêm Phùng Tấn Đông, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Nhã Tiên, Hồ Trung Tú, Nguyễn Ngọc Hạnh… tiếp bước.
Tôi cũng nhiều lần đưa bạn bè ở xa về thăm tác giả Ru con tình cũ và hiệu cà phê Thạch Trúc Viên của anh. Các ca sĩ Lệ Thu, Ánh Tuyết và nhiều bạn bè văn chương từ TP.Hồ Chí Minh như Đoàn Thạch Biền, Lê Minh Quốc, Vũ Trọng Quang… cũng đến đây khi có dịp về diễn hoặc có công việc ở Đà Nẵng, Hội An…
Từ trước Tết Mậu Tuất, 2018, Thạch Trúc Viên lại được nâng cấp với các “dự án”: Một phòng đọc sách chuyên đề văn hóa - văn nghệ Quảng Nam, trong đó có trưng bày chân dung các danh nhân văn hóa, lịch sử Quảng Nam và chương trình giao lưu tác giả. Con trai nhạc sĩ Đynh Trầm Ca là Mạc Quảng Thịnh có nghề chính là chuyên viên truyền thông cũng đưa vợ con về cùng anh khơi dậy không khí của văn nghệ từ tụ điểm này. Mới đây, một số tác giả và mạnh thường quân đã bắt đầu gửi sách về tặng, trong đó có bộ sách quý “Tuấn chàng trai nước Việt” của nhà văn Nguyễn Vỹ, tuyển tập Trăm năm thơ Đất Quảng, các bộ tạp chí như Thời báo kinh tế Sài Gòn, Tuần san Thanh Niên và sách thiếu nhi của nhà xuất bản Kim Đồng. Các tác giả Đoàn Huy Giao, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc, Đoàn Thạch Biền cũng hứa sẽ mang sách về đóng góp trong mùa hè này. Mạc Quảng Thịnh cho biết, nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê (Mùi đu đủ xanh - Xích lô) đang lên chương trình về giao lưu với người hâm mộ điện ảnh ở quê nhà…
Hy vọng “tụ điểm” Thạch Trúc Viên sẽ tiếp tục góp phần khơi lại và quảng bá văn hóa - văn nghệ Điện Bàn khi vùng đất này đã nâng lên thành thị xã…
2. Nhà thơ - nhạc sĩ Đynh Trầm Ca là đứa con của Điện Bàn. Anh tên khai sinh Mạc Phụ, sinh năm 1943, sáng tác thơ nhạc từ rất sớm. Ngoài tập thơ tuổi học trò Mắt đêm in roneo năm 1969 được đánh giá cao, thơ anh vẫn tiếp tục được giới thiệu trên các báo tạp chí từ sau 1975 đến nay. Với hơn 100 ca khúc đã ra mắt từ trước ngày thống nhất đất nước, người yêu âm nhạc dành tình cảm sâu đậm với những ca khúc như Ru con tình cũ, Sông quê, Bay đi những cơn mưa phùn, Phượng buồn, Mưa La Qua mưa Vĩnh Điện… từng được các ca sĩ nổi danh như Khánh Ly, Lệ Thu, Hồng Nhung, Phương Hồng Quế, Phi Nhung… trình bày trên các sân khấu trong và ngoài nước hoặc trên các đĩa CD mấy chục năm qua.
Hôm tôi ghé thăm anh sau tết theo yêu cầu của hai người bạn vừa về thăm quê từ Mỹ muốn được gặp anh, trong lúc chuyện vãn, một bài hát của anh bỗng phát đoạn này từ chiếc loa trên tường:
… “Hãy bay đi những bụi mưa. Trên đường về chuyện xưa. Hãy bay đi, bay đi những giọt vương trên hồn người hằn nhớ. Một dĩ vãng hắt hiu buồn. Về lãng đãng giữa cơn mưa phùn. Một dĩ vãng có mưa là lệ ta khóc nhau… Hãy bay đi những bụi mưa trên hồn người lẻ loi…
Hãy bay đi kỷ niêm xưa trong đời tình mòn mỏi
Người dẫu khuất cuối chân mây rồi
Tình dẫu chết lúc xuân xanh đời
Dòng nước mắt vẫn không ngừng lại trong trái tim
Bay đi những cơn mưa phùn
Bay đi những cơn đau buồn ...”
Chúng tôi trầm ngâm lắng nghe. Anh cũng yên lặng. Tôi biết những cuộc tình đã đến trong đời anh để từ đó thăng hoa thành những bài thơ, những ca khúc. Từ người con gái Điện Bàn đầu tiên sau này thấp thoáng trong Sông quê, đến mối tình đến bất ngờ rồi đi cũng bất ngờ ở Thăng Bình, để mãi vang vọng vào Ru con tình cũ… cùng những kỷ niệm đẹp của mối tình “chung thân” ở vùng sông nước miền tây cho đến bây giờ… Bay đi những cơn mưa phùn, ban đầu là tên một truyện ngắn của Phạm Công Thiện đã lặm vào anh và một khi nó là nhạc thì anh nói, chẳng có gì liên quan cả. Với Đynh Trầm Ca lại là:
“Hãy bay đi kỷ niệm xưa trong đời tình mòn mỏi
Người dẫu khuất cuối chân mây rồi
Tình dẫu chết lúc xuân xanh đời
Dòng nước mắt vẫn không ngừng lại trong trái tim”…
3. Đến mùa hè 2018 này Đynh Trầm Ca bước vào tuổi 76, sức khỏe và thị lực của anh sa sút hẳn do di chứng bệnh tật làm giảm sức làm việc của anh. Các nơi đặt bài, anh phải khó khăn lắm mới có thể ngồi chép lại vì mắt yếu. Trở về khu vườn xưa của ông bà cha mẹ để lại, ban đầu anh chỉ mong tiếp bước tiền nhân lo phần hương khói và tôn tạo lại Thạch Trúc Viên làm nơi giao lưu văn nghệ. Nhưng rồi “lửa lòng” lại đốt cháy anh…
Ngồi ở Thạch Trúc Viên đầu xuân, một hôm anh nói với tôi: “Mọi việc giờ đã có thằng con lo, mình chỉ mong ngày nào cũng có bạn bè để chuyện trò. Còn lại làm sao cái tụ điểm này có thể quy tụ được các bạn trẻ đến nghe nhạc, đọc sách, tìm hiểu về văn hóa, văn chương và danh nhân quê hương Đất Quảng. Sau bao năm mưu sinh xa xứ và cả một thời tuổi trẻ có muốn hay không cũng sẽ bay đi như những cơn mưa phùn trong đời mỗi người. Thôi thì còn chút sức khỏe nào minh cũng sẽ cố…”. Nói vậy, những tôi biết anh chính là linh hồn của chốn này. Nhà thơ Hoàng Lộc vừa từ Mỹ trở về sau tết cũng quay lại Thạch Trúc Viên với những buổi cà phê bằng hữu xúc động và cùng đọc cho nhau nghe những bài thơ mới. Mỗi lúc như vậy, những bạn cũ văn chương của họ lại có mặt…
Trong một bài thơ in trên báo những năm 1990, tôi có nhớ anh tả cảnh ba người bạn giang hồ lưu lạc đến tận đồng bằng sông Cửu Long, một lần ngồi uống rượu mà nhớ quê, anh đã ví như… ba ông táo, thật buồn. Bởi vậy chẳng có gì lạ khi gia đình anh lại quay về chốn cũ như một lẽ tất nhiên.
Còn ca khúc Sông quê, theo anh dù viết bằng một giai điệu đậm chất dân ca Nam Bộ, nhưng những kỷ niệm về quê hương, về con sông, ngôi làng chính là những kỷ niệm của tuổi thanh xuân và mối tình đầu đời bên dòng sông Vĩnh Điện. Đynh Trầm Ca hứa hôm nào sẽ kể riêng cho tôi, cũng lâm ly lắm…
“Nhánh mù u, con bướm vàng không đậu
Câu ca từ thuở thơ dại ru sang
Sông quê, trường làng con đò trên cát lở
Cũng vì em xa mà thành điệu nhớ não lòng”…
Hình ảnh “anh nông dân” Mạc Phụ làm không đủ công điểm thời bao cấp và những tứ thơ, ca từ trong tác phẩm của nhà thơ - nhạc sĩ Đynh Trầm Ca là cả một khoảng cách không gian và thời gian. Trong khoảng cách đó, là một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế những sâu đậm với quê hương!
Còn nhớ những ngày sống ở miền Tây, Đynh Trầm Ca có bài thơ nổi tiếng Phương Nam khúc ca trôi dạt của khóm lục bình, anh từng viết:
“Ta,
lục bình vừa trôi vừa trổ bông”…
Một tứ thơ và cũng là một phát hiện làm sững sờ người đọc. Nay ngồi ở Thạch Trúc Viên tôi nói với anh: “Lục bình dừng trôi nhưng vẫn cứ trổ bông đó ông hỉ?”.
Đynh Trầm Ca cười nói: “Tháng tới bà xã tui và con gái cũng sẽ về luôn Vĩnh Điện với cháu nội rồi, đừng lo!”.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG