Ăm ắp tình quê xứ
Khác hẳn với cái tựa có vẻ không giống... thơ cho lắm, có thể nói “Địa đạo Phú An” (NXB Đà Nẵng, tháng 2.2018) của Huỳnh Minh Tâm là một tập thơ rất... thơ.
Tập thơ “Địa đạo Phú An. |
Nhiều bài thơ được đặt tựa bằng những cái tên giàu chất thơ và gợi, ví như: Tráng ca cho một dòng sông, Thị trấn ngày sóng vỗ, Mơ giấc quê nhà, Khúc ca dâng mẹ, Giấc mơ trên đỉnh núi, Gió vẫn thổi trên cây me hiên nhà, Mưa hoa... Phần lớn trong số 30 bài thơ ở tập thơ này có những câu, những khổ, những đoạn hoặc cả bài... giàu thi ảnh, khơi mở ra nhiều liên tưởng đẹp. Và quan trọng là, không thiếu những câu thơ hay: “Ngày anh tôi đi K tuổi hai mươi chớp rạch/ Ngày em tôi lên xe hoa trăng đầy” (Tráng ca cho một dòng sông); “em có chồng lấp mây về mấy bờ mấy thửa/ rồi thả nắng rông nước xâm xấp tháng bảy mưa ngâu/ cười tủm tỉm rổi đổ nhưng trận mưa dầm dề/ rồi bão” (Những chân ruộng quê hương); “Mỗi người được sinh ra trên chiếc nôi của họ có niềm vui thú riêng và cái chết riêng/ Nơi tâm hồn họ cất giấu những kỷ niệm và nhiều âu lo” (Bài thơ cuộc sống)...
Dù được viết hoàn toàn theo thể thơ tự do, phi truyền thống, có giọng điệu tương đối mới mẻ và hiện đại, nhưng “Địa đạo Phú An” của Huỳnh Minh Tâm là một sự tiếp nối thuần giọng của chính anh lâu nay. Khác chăng là ở tập thơ này, hình ảnh quê nhà rất đậm đặc - nhất là quê nhà Đại Lộc “nơi anh đã chôn nhúm nhau cùng máu huyết” (Quê nhà suy niệm). Đó là những lời tự sự, tâm tình, suy ngẫm về quê hương với tất cả tình yêu thương, tự hào và cả những day dứt, trăn trở. Những thi ảnh, hình tượng thơ được anh sử dụng đều rất quen thuộc (con sông, cánh đồng, rừng núi, con đò, cha, mẹ, anh chị em...) nhưng có sức lay động và khá mới mẻ, có cảm xúc và tạo được niềm đồng cảm nơi người đọc. Anh hạnh phúc khi “Mơ giấc quê nhà” với “Thu Bồn réo gọi tôi cà tím dâu non/ trầm tích câu thơ phù sa Giao Thủy”. Anh yêu tha thiết những tên đất tên quê với/bởi “Những Đại Hồng, Đại Phong, Đại Thắng đã cho cha mẹ tôi sinh nở giấc mơ đánh giặc và hòa bình” (Khúc ca quê hương). Anh và thơ trôi đi cùng thời gian nắng mưa chiến tranh còn mất để đắp bồi những giấc mơ giản dị, hiền lành: “Những mùa lũ cuốn phăng cuộc đời ông bà tôi chiếc thuyền rách chiếc mo rách một bờ tre/ Từ sông Cái sông Con qua khe Lim khe Bò khe Đá mà tấp phù sa dưa hồng đỏ má/ Thuở giặc Pháp Ville Ville một xóm cầu còn thức đèn hạt đỗ mơ ngày được hát dưới mái hiên ngôi nhà tranh” (Vu Gia quê hương tôi).
Dồn ép những tên sông, tên làng, tên đất, tên người vào những chỉnh thể thơ luôn trong trạng thái bung mở câu chữ, Huỳnh Minh Tâm phần nào thành công khi lột tả, đặc tả được hình ảnh quê nhà nhưng không sa vào liệt kê thô vụng. Và đấy cũng không là gì khác ngoài tình cảm chân thành, ăm ắp, nặng sâu của anh với quê, với đất, với người... Chỉ cần như vậy, thơ đã là thơ, thơ lại cất tiếng, như mỗi ngày anh vẫn lặng thầm ngắm nhìn cuộc sống xôn xao quanh mình và “Nắn nót ngôn từ trên trang giấy hồng” (Quê hương, những trang sách và người lính)...
BẢO ANH