Hoa mai trong vườn thơ Nguyễn Thuật
Ở chặng đường cuối của văn học trung đại Việt Nam, có một danh sĩ viết nhiều về mai với những vần thơ đầy cảm xúc và ám ảnh. Đó là Hà Đình Nguyễn Thuật.
1. Nguyễn Thuật (1842-1911), tự Hiếu Sinh, hiệu Hà Đình là một danh sĩ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Ông quê ở làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình), xuất thân trong một gia đình Nho học có truyền thống khoa bảng. Là một quan lớn của triều Nguyễn, từng giữ chức Thượng thư đủ sáu bộ, làm quan trải tám đời vua (từ Tự Đức đến Duy Tân), Nguyễn Thuật được vua Thành Thái ca ngợi là “người khí tượng cao khiết, học thức uyên bác, từng đem ơn ích cao thượng cho kẻ khốn cùng. Ông là một người xứng đáng làm mẫu mực cho vạn thế”.
Hà Đình còn là một danh nhân văn hóa, một nhà thơ có những đóng góp nhất định vào văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19. Thơ ông thể hiện rõ “những nét tiêu biểu nhất về con người, nhân cách, tài năng văn chương Nguyễn Thuật: một danh thần nhiệt huyết, tận trung báo quốc; một sứ thần vừa tài trí bản lĩnh, vừa lịch lãm thân thiện; một thi nhân với tâm hồn phóng khoáng, tài hoa” (Đỗ Thị Thu Thủy, “Mỗi hoài ngâm thảo của Hà Đình Nguyễn Thuật trong dòng thơ sứ trình thời Nguyễn nửa sau thế kỷ 19”).
2. Trong vườn thơ Hà Đình, hoa mai là một hình tượng độc đáo. Cành mai là sứ giả báo tin xuân: Lậu xuân phá lạp nhất chi mai (xuân đến thay đổi cảnh sắc tháng Chạp (bằng) một cành mai). Với tứ thơ lạ, đây được xem là một trong những câu thơ chữ Hán xuất thần về hoa mai.
Trong thơ ông, có hoa mai là hình ảnh của ngày Tết Nguyên đán:
Bán không bộc trúc phất tình lưu
Yên ái gian thiên thục khí phù
Xuân sắc tảo hoa quy lý huyện
Viễn hoài lai thượng thủy biên lâu
(Giữa trời pháo tre nổ khiến tình (xuân) lai láng/ Khói phủ giữa trời, hơi ấm dâng đầy/ Sắc xuân (theo) hoa nở sớm về làng huyện/ Bước lên lầu bên sông nhớ xa vời - Tân Tỵ Nguyên đán nhật).
Tác giả không gọi đích danh nhưng hình ảnh “hoa sớm gọi sắc xuân” cho ta biết đó là hoa mai. Trong bài thơ này, đóa “hoa sớm” mang sắc xuân về giữa làng xóm trong không khí ngày xuân tươi vui, thanh bình là một hình ảnh đẹp, ấm áp.
Trong hai lần đi sứ phương Bắc (các năm 1880 - 1882 và 1882 - 1883), Hà Đình viết nhiều thơ. Trong thơ sứ trình của ông, hình ảnh hoa mai thường xuyên xuất hiện. Chẳng hạn, trong bài thơ nói về cảnh gặp tuyết rơi khi đi thuyền đến Yên Kinh, nhà thơ lại nhắc đến hoa mai:
Nhất lộ khán mai hoa
Mỗi hiềm bất kiến tuyết
Hàn phong tạc dạ nghiêm
Diêu vân vi ngưng kết
(Thuyền trung ngộ tuyết)
(Mỗi bước thấy hoa mai/ Chỉ hiềm không thấy tuyết/ Đêm qua gió lạnh kín đáo/ Ngưng kết làm đám mây đẹp).
Chưa gặp tuyết, mới chỉ gặp hoa mai mà thi nhân đã tức cảnh viết nên những vần thơ dạt dào như thế đủ thấy tâm hồn nhà thơ phóng khoáng và yêu quý hoa mai đến dường nào. Cũng như Nguyễn Du xem “mai là bạn cũ”, mai đồng hành với thi nhân trong mỗi hành trình công vụ, gắn bó với nhiều cung bậc tâm trạng. Ví như, tròn một năm hành trình đi sứ ròng rã, trên đường về trong thời khắc xuân sang, nhà thơ lại bắt gặp những đóa mai thân thuộc:
Giang mai tình tuyết tảo xuân thiên
Yên cảnh y nhiên tiết sứ hoàn
(Thứ vận thù Linh Xuyên huyện lịnh)
(Tuyết tan, mai bên sông báo trời xuân sớm/ Cảnh khói sương như cũ là lúc người đi sứ trở về).
3. Hoa mai trong thơ Hà Đình không chỉ có sắc xuân mà còn có tình xuân, có cả những tâm sự, nỗi niềm mà nhà thơ gửi gắm. Trên hành trình đi sứ dằng dặc, không ít lần tác giả nhớ về đất nước Việt, nhớ về quê hương, gia đình. Trong những lúc ấy, một sắc mai khi xuân về trên đất khách cũng gợi lên bao nỗi nhớ thương: Xuân sắc tảo hoa quy lý huyện/ Viễn hoài lai thượng thủy biên lâu.
Nguyễn Thuật sống và viết trong giai đoạn lịch sử có những biến động. Đất nước dần bị thực dân Pháp xâm lược, triều đình lục đục, xã hội bất ổn. Những tâm sự yêu nước được nhà thơ ký thác vào hoa mai. Trong tác phẩm viết để tiễn Phan Tùng Phong về Nam kỳ hưu trí, tác giả gửi vào hình ảnh gò mai những tâm sự buồn đau về vận mệnh dân tộc đang nguy khốn:
Mai cương hà xứ trú ngâm yên
Hương mộng du du, thủy nguyệt hàn
(Gò mai giờ đây náu chốn nào/ Giấc mộng quê nhà man mác, trăng nước lạnh).
Ở thời Nguyễn Thuật, giữa thành Gia Định có một gò mai trắng. Văn sĩ bấy giờ thường dùng hình ảnh gò mai này để chỉ cho Gia Định nói riêng và Nam kỳ lục tỉnh nói chung đã bị thực dân Pháp đô hộ. Hà Đình dùng hình ảnh này không chỉ để nhắn gửi với bạn đồng liêu mà còn để tự giãi bày nỗi lòng của một vị quan lớn, một công dân hết lòng vì nước trước hoàn cảnh đất nước lâm nguy. Do vậy, “đọc” câu thơ mai trắng trên có thể thấy tâm sự Hà Đình trong hoàn cảnh đó thê thiết đến nhường nào” (Phú Bình, “Vần thơ mai trắng”).
Đau buồn nhưng không tuyệt vọng, Hà Đình vẫn luôn tin tưởng, mong ước về một tương lai tươi sáng của đất nước sạch bóng quân thù, non sông gấm vóc lại rạng rỡ đẹp tươi. Cảm hứng từ cây mai nhỏ trong chậu trước nhà, nhà thơ lại mượn hình ảnh gò mai để nói thay cho tấc lòng:
Hữu nhật mai cương quy tích thụ
Hội khan tài mỹ tận đông nam
(Sẽ có ngày gò mai góp về đầy đủ cỏ cây/ Cùng nhau nhìn ngắm những điều tốt đẹp trải khắp vùng đông nam).
Nguyễn Thuật có nhiều cây thơ hay về mai, nhất là những “vần thơ mai trắng” đầy ám ảnh. Ngày xuân, dạo quanh vườn thơ của thi nhân, đọc lại những vần thơ về hoa mai, ta hiểu hơn về con người, nhân cách và tâm hồn của ông, một trong những danh sĩ nổi tiếng của đất Quảng Nam.
PHẠM TUẤN VŨ