Nhà văn tuổi Tuất ở xứ Quảng

PHẠM PHÚ PHONG 04/02/2018 11:34

Nhìn lại văn chương thế kỷ 20 ở nước ta, các tác gia tuổi Tuất quá ít, tác giả người xứ Quảng tuổi Tuất lại càng ít hơn, bỗng nhiên tôi liên tưởng đến hình tượng cuốn tiểu thuyết của Iu.Bondarev Bên bờ sông hoang vắng. Không hoang vắng sao được, khi trong số 49 tác giả tuổi Tuất thành danh trong cả nước, Quảng Nam chỉ hiếm hoi được có hai người rưỡi: Hoàng Yến, Nguyễn Chí Trung và cây bút tài danh Thạch Lam, tuy quê hương gốc gác ở Cẩm Phô, Hội An, nhưng sinh ra ở quê ngoại Cẩm Giàng, Hải Dương và trưởng thành chủ yếu ở Hà Nội.

Nhà văn Thạch Lam.
Nhà văn Thạch Lam.

“Một nửa xứ Quảng” tuổi Canh Tuất (1910) là một trường hợp đặc biệt: Thạch Lam Nguyễn Tường Lân sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, thì 5 người đều có sáng tạo văn chương, cùng chung lưng lập ra một văn đoàn được coi như tổ chức “hội nhà văn” đầu tiên của nước ta, trong đó ông cùng với hai anh là Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long là những trụ cột của Tự Lực văn đoàn. Sau khi thi đỗ tú tài (1931), Thạch Lam dấn thân vào con đường hoạt động báo chí và sáng tạo văn chương. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình (1910 - 1942), ngoài báo chí, ông đã kịp để lại một gia sản văn chương khá đồ sộ gồm nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, bình luận văn chương, mà ở thể loại nào, cũng đều là những chỉnh thể nghệ thuật xuất sắc, khiến đồng nghiệp và người đọc nhiều thế hệ phải ngưỡng mộ ngước nhìn: các tập truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942), truyện dài Ngày mới (1939), các tập truyện cho thiếu nhi Quyển sách (1940), Hạt ngọc (1940), tùy bút Hà Nội ba mươi sáu phố phường (in một năm sau ngày ông mất, 1943) và công trình bình luận văn chương cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị học thuật là Theo dòng (1941). Có thể khẳng định, văn chương Thạch Lam là sự đan xen, tích hợp giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực. ông cảm nhận sâu sắc đời sống hiện thực đến mức tận cùng để làm nên nội dung mỹ cảm, nhưng lại thể hiện bằng cảm quan mơ màng, lãng mạn để làm nên thi pháp nghệ thuật.

Nhà văn Hoàng Yến.
Nhà văn Hoàng Yến.

Hoàng Yến, tên thật là Lê Hoàng Yến, tuổi Nhâm Tuất (1922), quê ở An Thái, Hòa Vang, Đà Nẵng, tham gia kháng chiến chống Pháp khi đang là học sinh chuyên khoa, công tác ở phòng văn nghệ quân khu và hoạt động văn nghệ ở Liên khu Bốn. Ông viết không nhiều, chỉ có ba cuốn tiểu thuyết Câu thơ yên ngựa (1963), Chân mây khép mở (1991), Kẻ trộm nước trời (1996) và một số kịch bản sân khấu, trong đó có nhiều kịch bản đã được dàn dựng, đã đem lại cho tác giả 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và nhiều phần thưởng khác từ công chúng thưởng thức. Hoàng Yến viết về những hiện thực đã đi qua còn lắng lại, kết tủa trong tâm hồn ông ủ men thành nghệ thuật, trong đó có cả tiểu thuyết lịch sử (Câu thơ yên ngựa, Chân mây khép mở), “những thứ lọt vào trang viết của ông là những bài học cho người đời, để tự mỗi người chiêm nghiệm tìm cho mình một lối sống lương thiện, khoan hòa, nhân hậu hơn” (Trần Mạnh Thường, Các tác gia văn chương Việt Nam, t.1, Nxb Văn hóa thông tin 2008, tr. 662).

Nhà văn Nguyễn Chí Trung.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung.

Nhà văn mang quân hàm cấp tướng Nguyễn Chí Trung, tên thật là Thái Nguyên Chung, tuổi Giáp Tuất (1934 - 2015), sinh ra ở làng Miếu Bông, Hòa Vang, Đà Nẵng. Năm 1942, khi còn tuổi thiếu niên ông đã xung phong vào bộ đội, làm liên lạc cho các cấp từ trung đội đến tiểu đoàn, làm báo Xung phong, rồi báo Vệ quốc quân Liên khu Năm. Thời chống Mỹ, ông vào chiến trường làm thư ký tòa soạn báo Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ, Trưởng đoàn Văn công quân khu Năm, theo sát từng chiến dịch và luôn có mặt ở các đơn vị tiền phương. Sau khi đất nước thống nhất, ông từng giữ chức Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội, rồi trợ lý cho Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ông là tác giả của các tập bút ký và truyện ngắn đáng chú ý như Đà Nẵng (1950), Bức thư làng Mực (1969), Hương cau (1975), Khi dòng sông ra đến cửa (1981), đặc biệt là vào những năm tháng cuối đời, ông có tiểu thuyết Chuyện nàng Út (2010), được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (2011). Có thể nói, Nguyễn Chí Trung là người cả cuộc đời gắn liền với binh nghiệp, hết chiến trường khu Năm, khu Sáu đến Nam Bộ, biên giới Tây Nam và cả làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia. Ông viết không nhiều, nhưng có công trong việc đào tạo một đội ngũ nhà văn kháng chiến, kiểu nhà văn – chiến sĩ. Vượt qua những năm chống Pháp, ông chỉ là người em nhỏ trong quân đội và cả trong văn chương, bỗng vụt lớn lên trở thành một trong những người anh lớn trong thế hệ các nhà văn khu Năm thời chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam.

Các thế hệ sau ở xứ Quảng, những người tuổi Tuất quàng vào nghiệp văn chương trống/hoang vắng đi rất nhiều: suốt gần nửa thế kỷ, từ Bính Tuất (1946), Mậu Tuất (1958), Canh Tuất (1970), đến Nhâm Tuất (1982), hầu như không có ai thành danh (theo nghĩa đã từng xếp vào đội ngũ các tự điển tác giả). Phải đợi đến cuối thế kỷ, tuổi Giáp Tuất (1994), mới hiếm hoi xuất hiện cây bút trẻ Phạm Nguyễn Ca Dao với những trang viết đầu tay in trên các báo và tạp chí, được Ban Công tác nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam mời dự Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ 8 tổ chức tại Thái Nguyên, vào tháng 10.2011.

Có những con đường không còn ai đi nữa. Có những tuổi, những tên không còn ai nhớ nữa. Nhưng dòng sông quê muôn đời vẫn miệt mài chảy mãi, mơn man vỗ nhịp đôi bờ. Sông có đời sông. Sông không già đi, chỉ có người phải già phải chết, theo quy luật của sinh tồn, nhưng người trẻ chưa thấy đâu. Nhìn sự hoang vu vắng lặng đôi bờ, đôi khi nhớ câu thơ Trần Tử Ngang và đồng cảm với tâm trạng của ông trong Đăng U châu đài ca: “Tiền bất kiến cổ nhân/ Hậu bất tri lai giả/ Niệm thiên địa chi du du…” mà lòng lo lắng đến hoang mang.

PHẠM PHÚ PHONG

PHẠM PHÚ PHONG