Chảy cho trọn đời sông...

DUY HIỂN 27/01/2018 10:52

Trò chuyện một hồi rồi Nguyễn Hải Triều bỗng chùng xuống, đôi mắt nhìn xa xăm ra sông Vu Gia đục ngầu phù sa đang cuộn chảy vì mấy hôm nay mưa đầu nguồn. Rồi anh nói như chỉ để cho mình nghe: “Chảy cho trọn đời sông, sống cho tròn phận người”. Và tôi hiểu mình nên dừng lời, hãy để cho anh độc thoại cùng dòng sông từng tưới tắm tuổi thơ anh, đắp cho anh hình hài và bồi phù sa cho những trang viết của anh.

Tuổi trẻ gian lao

Quê anh ở làng Đại An xã Đại Lãnh. Dòng sông Vu Gia chảy qua làng ươm phù sa tạo nên đồng bãi xanh mượt, tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền buôn bán tấp nập, và là thiên đường cho những trò chơi trẻ nhỏ. Và chính nhờ những lớp phù sa óng mượt ấy nên những mưa nắng đời người, những lở bồi của số phận vẫn không làm cho tâm hồn anh bạc màu, không bị sa mạc hóa. Chân bước lẫm chẫm anh đã theo mẹ ra bến sông. Anh vẫn nhớ lần đầu tiên được cha tập bơi với lời động viên mà nghiệm ra không chỉ cho việc sông nước: “Cứ lao xuống nước quẫy đạp, tự nhiên sẽ biết bơi”. Cha mất khi Nguyễn Hải Triều còn ở tuổi thiếu niên, anh phải bươn bả cùng mẹ làm lụng để chèo chống gia đình với 6 đứa em. Hết mùa đồng áng anh lên rừng hái củi. Nhưng dễ kiếm sống hơn vẫn là giăng câu thả lưới. Người ta bảo anh có tay sát cá, bủa lưới giăng câu, thả ống trúm ở đâu cũng bắt đầy cá tôm. Những trải nghiệm tuổi thơ ấy là vốn quý cho việc viết lách sau này.

Sinh ra trong thời chiến tranh nên anh bảo đạn bom chẳng lạ gì, và anh trực tiếp nếm mùi thuốc súng trong cuộc chiến biên giới Tây Nam. Năm 1981 đang công tác ở Phòng Văn hóa huyện Đại Lộc thì anh được lệnh nhập ngũ. Chiến trường Campuchia lúc này đang hồi khốc liệt. Hải Triều được biên chế vào đại đội 19 trực thuộc trung đoàn Ba Gia lừng danh của Sư đoàn 2. Đại đội có nhiệm vụ bảo vệ trạm phẫu, khiêng thương, tải đạn. Và anh nếm mùi lửa đạn và cảnh bi tráng của chiến tranh qua các chiến dịch mùa khô Ngã ba biên năm 1983 và 1985. Sự trui rèn của chiến tranh, máu xương đồng đội luôn nhắc nhở anh giữ vững phẩm chất của người lính, có lẽ vậy mà những người quen biết, những người cùng sống, làm việc với Hải Triều luôn quý trọng anh bởi tiết tháo cương trực, trung thực, không bao giờ nịnh bợ nhưng cũng luôn chan chứa yêu thương, quý trọng tình người.

Những con chữ thấm đẫm phù sa

Vốn sống thời trận mạc cùng những trải nghiệm quê kiểng đã giúp Nguyễn Hải Triều chưng cất thành những tập thơ Rơm rạ mùa, Lời ru lá cỏ. Trong những trang thơ ấy, máu lửa chiến trường, những cơn sốt rét rừng, tình đồng đội keo sơn luôn vang vọng: “Điều chưa kể với em. Tôi mắc nợ cánh rừng hai mươi tuổi. Mây vá trời xanh chiến hào mịt bụi. Cơn sốt vàng da xối xả mưa rừng”. Và cũng thật tinh tế và đầy đồng cảm khi anh viết về người bạn thương binh ngày về lại làng xưa: “…Bạn tôi về. Ra đồng đường cày cũng nghiêng. Thương mẹ suốt đời nắng mưa tất bật. Con cá rô quẫy, nhớ thuở chân đất…”. Nguyễn Hải Triều cũng rất duyên với lục bát. Trong Rơm rạ mùa có nhiều bài lục bát viết về quê xứ Đại Lộc với những câu khá mượt mà: “Tôi còn rơm rạ mùa quê/ thương sông con nước bộn bề phù sa/ ngẩn ngơ làn nắng tháng ba/ tiếng chim bìm bịp vừa xa vừa gần”, hay như: “về đây núi đứng sông ngồi/ đăm đăm phía cũ một tôi đắm đò.

Một số tác phẩm của Nguyễn Hải Triều.
Một số tác phẩm của Nguyễn Hải Triều.

Trong làng văn nghệ xứ Quảng, giọng thơ anh không đến nỗi trầm nhưng có lẽ những ghi chép điền dã của anh về vùng văn hóa Đại Lộc, theo tôi nghĩ mới có giá trị lâu dài. “Nhà cửa chừ ở Ái Nghĩa nhưng năm bữa nửa tháng không về Đại Lãnh là nhớ không chịu được” - Hải Triều bảo vậy. Nhưng  tôi biết anh về không phải chỉ để vơi nỗi nhớ mà còn để lần theo từng dấu tích bến sông, bãi chợ, gặp gỡ các cụ cao niên để ghi chép tài liệu. Những chuyến điền dã khắp các xã vùng tây đã giúp anh góp nhặt được nhiều trầm tích quê hương. Anh đã lý giải xác đáng sự hình thành và tái tạo nên cảnh tượng sầm uất của những chợ quê đôi bờ sông Vu Gia, Thu Bồn như chợ Phú Thuận, Bến Dầu, Phú Đa, Gia Cốc, Phường Đông, Hà Nha, Bãi Trầu, Hội Khách… Qua những trang văn của anh, như hiển hiện những chiếc ghe bầu chở hàng hóa từ Hội An, Vĩnh Điện, Cửa Hàn giương buồm lộng gió lướt trên sóng nước Thu Bồn; như thấy những thùng dầu rái sóng sánh, mật ong vàng hươm, ú tụ chè, tiêu; những gỗ quý như kiền kiền, lim, xoay, gõ, trai kết bè đợi theo khách thương hồ về xuôi…

Và anh đã cho ra đời cuốn Tiếng gàu rơi và dòng sông mùa cũ. Đọc những tản văn thấm mượt phù sa sông Vu Gia ấy mới thấy anh dành bao tâm huyết để làm sống dậy một thời sông nước xa xưa: “…Thường thì chừng năm bảy bữa, nửa tháng, những cư dân miền núi gùi những gùi trầu lá, cùng với các sản vật núi rừng khác đi bộ cả ngày đường đến đây bán cho thương lái người Kinh, và đổi lấy muối, mắm, gạo…, các thức tiêu dùng thường ngày. Các thương lái sau khi trao đổi hàng hóa với người Thượng, đem những thuyền buôn đầy ắp lâm sản từ Bãi Trầu - Hội Khách về ghé bến Hà Nha - Lam Phụng, nơi thị tứ đông vui, hội hè nhộn nhịp trên bến dưới thuyền trước khi xuôi mái chèo lui về phố thị, mang theo bao chuyện trên nguồn dưới biển”. Với “Ký ức những bờ xe nước”, anh ghi lại cái cách thức mà người nông dân đôi bờ Vu Gia, Thu Bồn xưa lấy nước lên tưới ruộng. Cái bờ xe nước chứa trong nó kỹ thuật chế tác, cái lối sống cộng đồng làng xóm, cái cách con người ứng xử với thiên nhiên và với thế giới siêu nhiên. “Bến sông, trên bờ những ngày ấy náo nhiệt đến lạ. Nơi này tiếng va đập của vồ đóng trụ thình thịch, nơi kia tiếng cưa cắt xẻ gỗ âm âm, tiếng chặt tre, chẻ nứa  chanh chách; tiếng hô “hai… ba” làm hiệu lệnh để trai làng kéo tời nâng trục cái, gác giàn… xao động cả một góc sông quê”… Có lẽ những ai sống qua năm tháng ấy sẽ rất cảm ơn anh khi bắt gặp lại cảnh tượng thân thương của thời quá vãng: “Những bờ xe nước trông xa vừa như những cỗ máy khổng lồ nhẫn nại ngày đêm tưới nước lên đồng; vừa tạo nên nét thơ mộng, êm đềm, tạc vào không gian dáng vóc quê kiểng để làm nơi thương nhớ đi về của mỗi đời người”.

Trầm tích một đời văn

Khi tôi ngồi viết những dòng này thì Nguyễn Hải Triều gọi điện cho biết cuốn “Trầm tích một vùng đất” của anh vừa in xong. Thì ra lâu nay anh đã lặn lội tìm kiếm những nghệ nhân sống đôi bờ sông Vu Gia để ghi chép lại ký ức xa xưa, nhưng câu ca dao, câu hát nhân ngãi chuyên chở những phận người, gói ghém cái lối sống, cách cảm của người xưa. Anh “tủ” cả một kho tư liệu, giờ trình làng những “hạt ngọc” văn nghệ dân gian lấp lánh. Đấy là những giai thoại về ông Hương Dước, mang dáng đáp kiểu bác Ba Phi của Nam Bộ. Có thể nhặt ra từ đây những câu ca dao, tục ngữ đặc hữu của vùng Đại Lộc: “Chiều chiều mang lốt dạo sơn/ Tìm hươu kiếm sữa đền ơn mẫu từ”. “Non cao cũng có đường trèo/ Đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi”. Anh cũng kịp ghi lại câu hò đối đáp sắc sảo gắn với những tên tuổi như ông Bảy Khái, Biện Thành, Năm Trâu, bà Sáu Ỷ, cô Sáu Ba Khe…  cùng những con người vô danh khác nay đã thành thiên cổ.  Qua lời ăn tiếng nói của họ, ta có thể cảm nhận sâu sắc lối sinh hoạt dân gian đầy chất trí tuệ, lối ứng đáp lanh lẹ, sắc sảo và không thiếu chất phồn thực, khêu gợi nhưng không vượt quá lằn ranh mỏng manh giữa nhục cảm và luân lý: “Ai có chồng nói chồng đừng sợ/ Ai có vợ nói vợ đừng ghen. Tới đây hò hát cho quen/ Rạng ngày ai về nhà nấy, không há để ngọn đèn hai tim”. Thế mới biết ông bà ta xưa luôn biết vầy cuộc chơi đầy chất mỹ cảm, đắm đuối nhưng cũng đầy tao nhã và chừng mực.

Tháng 3.2018 sắp đến, Nguyễn Hải Triều sẽ giã từ đồng nghiệp ở Phòng Văn hóa Đại Lộc để “hoàn dân”. Cuộc đời công chức rất dễ “sáng vác ô đi, tối vác về” nhưng anh đã sớm chọn cho mình lối đi để không sa thảm trạng ấy. Trong vô số những trang viết, viết vì nhiệm vụ, viết vì cơm áo… anh cũng có được nhiều trang viết gói ghém đam mê, viết trả nghĩa cho quê hương, trả ơn những hạt phù sa đã cho anh hình hài, đã nuôi anh khôn lớn. Những con chữ thấm đẫm phù sa sông quê của Hải Triều, tôi tin là sẽ còn giá trị lâu dài và cũng giúp anh không thẹn một đời cầm bút. Và anh vẫn còn nhiều dự định lắm. Như dòng sông Vu Gia quê anh, dẫu lở bồi vẫn ươm đắp mùa màng.

DUY HIỂN

DUY HIỂN