Tín hiệu vui của sách

BẢO ANH 14/01/2018 10:49

Lâu nay, người cầm bút ở Quảng Nam (rộng ra, là phần lớn người cầm bút ở hầu hết địa phương trong cả nước) đã quá quen với việc tự bỏ tiền làm sách trong một “quy trình” nhọc nhằn và... đáng thương: tự thiết kế, tự xin giấy phép ở một nhà xuất bản (NXB) nào đó, tự bỏ tiền túi ra in và sau đó, tự phát hành.

 Một số tập sách của các tác giả Quảng Nam được các đơn vị xuất bản mua bản quyền để in và phát hành.
Một số tập sách của các tác giả Quảng Nam được các đơn vị xuất bản mua bản quyền để in và phát hành.

Gọi là “phát hành” cho sang chứ thực ra, sau khi in xong, các tác giả phải tự mình mang đi biếu, tặng bạn bè, người quen. Việc đưa sách ra thị trường, đến tay người đọc thông qua hệ thống các nhà sách hầu như không thể thực hiện được vì các đơn vị phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm không mặn mà gì với những cuốn sách tự in này. Nói về dạng sách này, giới cầm bút gọi đùa mà đầy chua chát bằng cái tên “sách bốn triệu” - không phải chỉ cần 4 triệu là in được mà là... biếu trọn. Hẳn nhiên, khi làm “sách bốn triệu”, người cầm bút không nhận được bất cứ khoản thu nào để tái đầu tư, để “bù đắp” cho khoản tiền họ đã bỏ ra và đặc biệt là cho sự đầu tư chất xám đầy nhọc nhằn trước đó.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là sách của giới cầm bút Quảng Nam không hoặc chưa bao giờ có cơ hội “sánh vai” trên... kệ sách cùng với sách của người cầm bút nơi khác. Cách đây hơn 10 năm, nhà văn Tiêu Đình từng được NXB Trẻ in và phát hành tập truyện thiếu nhi “Đội bóng nhí xóm Mới”. Bẵng đi một thời gian dài, năm 2014, nhạc sĩ Phan Văn Minh được NXB Đà Nẵng “bao thầu” tập phiếm đàm “Người Quảng lo xa”; Ngô Thị Thục Trang được NXB Văn hóa - Văn nghệ mua bản quyền xuất bản tập truyện ngắn “Chết vì kiến cắn”. Năm ngoái, đến lượt nhà văn Lê Trâm được NXB Trẻ mua bản quyền xuất bản và phát hành tập truyện ngắn “Phía gió biển không còn ai” và mới đây là nhà văn Nguyễn Tam Mỹ được NXB Đà Nẵng nhận in và phát hành tiểu thuyết “Dưới tán rừng thốt nốt”. Và, để được “bao tiêu” trọn gói, tác giả của 4 tập sách này đều phải có những “điều chỉnh” nhất định theo yêu cầu của NXB và phải trải qua những cuộc “đàm phán” không đơn giản. Ấy là chưa kể, trước đó bản thảo đã được gửi đi “ứng tuyển” ở một số nơi và suýt trở thành “sách bốn triệu” khi mà chỗ nào cũng có cùng một đáp án: Chỉ cấp giấy phép xuất bản, việc in ấn, phát hành thì tác giả... tự lo.

Theo nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học Quảng Nam, đúng là Quảng Nam có quá ít sách ra quầy theo con đường bao tiêu của các NXB hay các đơn vị kinh doanh xuất bản phẩm. Và ông nhận định: “Có lẽ vấn đề là mỗi người có dám mạnh dạn gửi bản thảo của mình “ứng tuyển” trước các đơn vị kinh doanh xuất bản phẩm và các NXB hay không. Tất nhiên, điều quan trọng là bản thảo phải có chất lượng và người viết phải nắm được tiêu chí xuất bản của từng đơn vị xuất bản trước khi quyết định gửi bản thảo đến cho họ”. Xuất phát từ nhận định này, gần đây Chi hội Văn học Quảng Nam đã tích cực kết nối với các NXB và khuyến khích hội viên của mình đưa bản thảo “ứng thí” trước các đơn vị xuất bản. Và chỉ trong một thời gian ngắn, đã có những tín hiệu vui, đầy bất ngờ. Chỉ tính riêng ở một đầu mối xuất bản là NXB Kim Đồng, sau hơn nửa năm kết nối đã có 2 đầu sách của các tác giả Quảng Nam được in và phát hành, gồm “Bên ngoài rào gai” của Nguyễn Tam Mỹ, “Mơ về phía chân trời” của Lê Trâm; 2 đầu sách khác đang chờ in là tập truyện ngắn “Trận thư hùng” của Mạc Ly và tập truyện dài “Mõm đen ngày trở về” của Nguyễn Bá Hòa. Ở hai NXB uy tín khác là Trẻ và Đà Nẵng, hiện có 3 trường hợp khác đang trong giai đoạn “đàm phán” để in và phát hành.

Có thể nói, việc đưa sách ra quầy, đến với người đọc qua con đường bao tiêu của các NXB hoặc các đơn vị kinh doanh văn hóa phẩm của giới cầm bút Quảng Nam đã có tín hiệu vui. Tuy nhiên, những gì đã có hãy còn quá ít so với con số 70 hội viên chính thức của Chi hội Văn học; hãy còn quá nhỏ nhoi so với thị trường sách rộng lớn và đầy sôi động hiện nay. Và như thế, việc thoát khỏi lối mòn làm sách theo kiểu “bốn triệu” dường như vẫn là một giấc mơ dài...

BẢO ANH

BẢO ANH