Khi Thanh Thảo "thắp đèn lên"

TRẦN ĐĂNG 10/12/2017 07:39

Hồi chiến tranh (trước năm 1975), nhà thơ Thanh Thảo có hai bài thơ được cất trong ba lô của rất nhiều người lính cùng thời với ông nhưng lại không xuất hiện trên mặt báo. Một bài có tên “Thử nói về hạnh phúc”, bài còn lại là “Một người lính nói về thế hệ mình”. Trong “Thử nói về hạnh phúc”, ông viết: “Tôi thắp đèn lên bốn bên là đất/ mỗi lúc bom rung đất rơi đầy mặt/ đất rơi đầy giấc mơ…”. Thanh Thảo đã “thắp đèn” cho đời mình và cũng là để nhìn rõ thế hệ của ông thời trận mạc.

Nhà thơ Thanh Thảo.Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Nhà thơ Thanh Thảo.Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Loanh quanh bút danh

Tôi chơi với Thanh Thảo lúc tôi mới đi lính về (1987), nay chẵn 30 năm nhưng hỏi ông vì sao lại đặt bút danh như con gái vậy, ông luôn “né” câu hỏi ấy, dù ông từng đề cập bút danh này: “Tôi đặt tên tôi là cỏ/ mọc phất phơ mọc vớ vẩn ngoài đồng”. Ông tên thật là Hồ Thành Công, sinh năm 1946 tại huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi. Cha ông là một lão thành cách mạng, cùng thời và cùng làng với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - ông Hồ Thiết, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Pháp. Hồ Thiết sinh năm 1900, đến năm ông 46 tuổi mới đẻ đứa con đầu lòng Hồ Thành Công - có lẽ để kỷ niệm ngày thành công của Cách mạng Tháng Tám nên đặt tên con trai vậy chăng? Đó cũng là đứa con duy nhất của ông bà Hồ Thiết.

Một số trường ca tiêu biểu của Thanh Thảo: Những người đi tới biển, Trẻ con ở Sơn Mỹ, Đêm trên cát, Khối vuông rubich, Bùng nổ của mùa xuân, Trường ca chân đất… Các giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ (1978), Trường ca chân đất (2012); Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật đợt I (2001).

Lẽ ra, chỗ đứng thường tình của những “hạt giống đỏ” mà lại con một như Thanh Thảo ngày ấy phải là ở trường đại học của một nước xã hội chủ nghĩa nào đó, nhưng ông lại chọn “trường đại học Trường Sơn” để… làm thơ. “Mang dao sắc con vào tuyệt lộ/ Má đường xa trông đợi mỏi mòn”. Sau này, khi đã có con, và con ông đã từng làm ông “mỏi mòn”, Thanh Thảo mới bật lên câu thơ “tự kiểm” đầy thương cảm như vậy, chứ hồi đầu năm 1970, ông “hăng” lắm, phải vượt Trường Sơn cho bằng được, bất kể những can ngăn. Vì làm thơ nên ông phải loanh quanh để chọn bút danh chứ làm nhà khoa học hoặc nhà lãnh đạo thì mãi mãi vẫn mang cái tên cha mẹ đặt cho là Hồ Thành Công chứ làm gì có cái tên “con gái” Thanh Thảo như mọi người đã biết.

Ông kể, thời còn là sinh viên của Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông cùng nhóm bạn mình gồm 4 người, trong đó có GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, có tập tành làm thơ. Mỗi người lấy một bút danh, Hồ Thành Công thì lấy bút danh Hoàng Thanh Nam. Năm 1968, lần đầu tiên thơ ông xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ quân đội với bút danh này cùng bài thơ “Em Nga”. Bài thơ ấy, nay ông quên rồi vì nó chưa bao giờ xuất hiện trong bất cứ một tập thơ nào sau này của Thanh Thảo dù “Em Nga” đã cứu đói cho nhóm bạn ông một bữa rượu thịt ra trò với khoản nhuận bút. Dạo đó, với những người làm thơ trẻ, chưa thành danh mà được đăng thơ trên một tạp chí văn học uy tín như Văn nghệ quân đội là “oách” lắm. Lẽ ra, cái tên Hoàng Thanh Nam sẽ theo ông đến hết con đường văn học nhưng rồi đột ngột, ông “ngoặt bóng” đi theo một lối khác: vượt Trường Sơn. Để đến năm 1974, tạp chí Tác phẩm mới do Chế Lan Viên làm Thư ký tòa soạn bất ngờ nhận được tập thơ từ chiến trường gửi ra dưới một cái tên lạ hoắc: Thanh Thảo. Nhận ra một tài năng thơ qua tập thơ này, lần đầu tiên Chế Lan Viên phá lệ để đăng một lúc 14 bài thơ trong một số tạp chí! Bút danh Thanh Thảo “đóng đinh” trên thi đàn từ đó.

Thắp đèn lên

Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã sản sinh ra một thế hệ nhà thơ tài năng nhưng đọc rất nhiều tập thơ của các bậc tiền bối nổi danh ngày ấy, tôi chưa thấy ai viết những câu thơ đáng để “giật mình” thế này, viết ngay từ khi mà ai cũng coi việc ra trận như… ngày hội, trừ Thanh Thảo:

“Chúng tôi không muốn chết vì hư danh
Không thể chết vì tiền bạc
Chúng ta lạ xa với những tin tưởng điên cuồng
Những liều thân vô ích
Đất nước đẹp mênh mang
Đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt
Chỉ riêng cho Người chúng tôi dám chết”

(Thử nói về hạnh phúc - 1972)

Viết được những câu thơ như thế, Thanh Thảo đã tự nhận biết ý nghĩa việc lên đường ra trận của ông và thế hệ ông. Ông đã thắp ngọn đèn cho chính mình để soi rọi vào những ngóc ngách của cuộc chiến bằng tất cả sự mẫn cảm của một nhà thơ cầm súng, hoàn toàn không bị chi phối bởi bất cứ một sự cổ xúy nào từ bộ máy tuyên truyền khổng lồ thời bấy giờ. Đọc cả hai bài thơ từng được lưu giữ trong ba lô của người lính ở cả hai phía thời ấy, tôi mới hiểu vì sao, chúng (hai bài thơ) không được phép có mặt trên bất cứ phương tiện truyền thông nào lúc bấy giờ. Chính xác là, bài “Một người lính nói về thế hệ mình” đã từng in trên tạp chí Văn nghệ giải phóng nhưng nó đã bị cắt bỏ trước khi tạp chí chính thức phát hành. Nhiều người lính đã bí mật chép trong sổ tay của họ bài thơ ấy. Thanh Thảo đã thắp ngọn đèn cho chính ông và thế hệ ông:

Thế hệ chúng tôi bùng ngọn lửa chính mình
soi sáng đường đi tới
… chân dép lốp đạp mòn trăm ngọn núi
mà không hề rợp bóng xuống tương lai
” (1973).

Thanh Thảo… báo

Thanh Thảo kể, hồi ở R (Ban Binh vận - Trung ương cục miền Nam), mỗi ngày ông viết hai bài báo, một cho Đài Phát thanh giải phóng, một cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Viết báo lúc ấy như một nghĩa vụ bắt buộc chứ hoàn toàn không có nhuận bút. Ngoài “định mức” trên cho hai đài, ông lặng lẽ làm thơ. Tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” được ông viết từ khi vượt Trường Sơn rồi xuống chiến trường Nam Bộ vào quãng thời gian ấy. Một nhà báo chuyên nghiệp như vậy nhưng sau năm 1975, Ban Binh vận giải tán, Thanh Thảo phải lang thang cơ nhỡ một thời gian. May nhờ có nhà văn Nguyễn Chí Trung “cứu” ông về Trại sáng tác khu Năm chứ không thì chẳng biết đời ông trôi về đâu.

Thanh Thảo  tặng quà cho trẻ em Sơn Mỹ.
Thanh Thảo tặng quà cho trẻ em Sơn Mỹ.

Mười năm Thanh Thảo sống ở Quy Nhơn (1979 - 1989), làm đến chức… Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghĩa Bình nhưng hiếm khi ông đến cơ quan và có lần bị “cắt lương” trong 6 tháng liền nhưng ông vẫn sống khá ung dung nhờ… viết báo, dù hồi ấy, báo chí không sôi động như bây giờ. Ông viết báo với một thái độ chuyên nghiệp và rất cầu thị. Từ những tờ báo “danh tiếng” đến báo cấp… xã phường, ông đều viết với một tâm thế như nhau và cũng chẳng hề phân biệt “đẳng cấp” của nó. Tôi chưa thấy ai tuổi ngoài bảy mươi rồi mà “cày” khỏe như Thanh Thảo cả. Nhiều nhà báo lấy làm ngạc nhiên là tại sao lúc 9 giờ đêm còn thấy ông ngồi quán bia “tám chuyện” với anh em mà sáng ra đã có một bài bình luận “sắc lẹm” trên một tờ báo nào đó. Ông viết hồi nào mà nhanh vậy? Trả lời luôn là ông viết lúc... sau 9 giờ một chút nếu hôm đó có tòa soạn nào cần bài bình luận gấp gáp của ông. Có những mùa EURO hay World Cup, mỗi đêm ông “sản xuất” đến 3 bài bình luận về 3 trận đấu cho 3 tờ báo khác nhau. Ròng rã cả tháng như thế, không bỏ bữa nào nếu như các tòa báo cần bài của ông.

Có thể nói Thanh Thảo là một tấm gương lao động miệt mài với nghề, từ báo đến thơ. Ở cái tuổi 70 rồi nhưng vẫn sòn sòn mỗi năm viết một trường ca, quả là… siêu nhân chứ chả phải người thường. Tôi biết chi tiết này vì vừa mới nhận một lúc đến 5 quyển sách mới ra lò của ông, trong đó có 3 trường ca: một về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một về người Mông ở Hà Giang và một về Lê Đại Cang, một ông quan có quá nhiều thăng trầm thời nhà Nguyễn. Mười lăm trường ca và 10 tập thơ cho một đời cầm bút như Thanh Thảo, quả là mơ ước của rất nhiều nhà thơ vậy.

 Ngọn đèn mà ông đã thắp lên trong một căn hầm nào đó ở chiến khu thời chiến tranh đã được thay thế bằng bóng đèn điện. Chất liệu về đèn thì có thể đã thay đổi nhưng niềm đam mê với công việc thì chưa bao giờ vơi trong con người này. Hỏi ông, già rồi sao không nghỉ cho khỏe mà “cày” chi dữ vậy? Ông cười: “Làm thơ hay viết báo như thở vậy. Không thở được nghĩa là chết đấy. Tôi vẫn còn thở được mà”.

Tôi biết, ông đang thắp đèn lên để “thở” ra những bài báo tết sắp tới, đặng kiếm ít đồng nhuận bút mà giúp đám trẻ con ở Sơn Mỹ - nghĩa cử mà ông đã làm hằng năm từ hơn 20 năm nay.

TRẦN ĐĂNG

TRẦN ĐĂNG