Một cách dẫn giải địa danh
Qua các tác phẩm về văn nghệ dân gian của Ngô Văn Ban, tôi rất khâm phục về quá trình hoạt động khoa học của ông. Lần này, cầm trên tay tác phẩm “Quảng Nam những địa danh ghi dấu qua ca dao xứ Quảng” (Nxb Đà Nẵng, 2017), tôi lại ấn tượng về một cách tiếp cận, dẫn đọc, chú giải địa danh mới lạ của tác giả.
Một góc quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Địa danh Quảng Nam vốn được ghi chép một cách “khô cứng” trong các bộ chính sử, địa dư chí, từ điển địa danh... Các công trình nghiên cứu địa danh Quảng Nam theo góc độ thuần ngôn ngữ học thì càng khô cứng hơn nữa. Để “mềm hóa”, dễ nhớ địa danh, một số tác giả trước đây đã sử dụng các thể thức văn vần như biền ngẫu (một phần của Ô châu cận lục: Cổ Tháp, Cổ Bi, phong cảnh còn xưa cổ; Trà Đình, Trà Bát thú vị mới manh/ Núi Mông Lĩnh thắt tựa lưng ong; sông La Khê chia như đuôi én); phú (Quảng Nam tỉnh phú: Cu Đê tây bắc, Hữu Bang tây nam/ Đại Yểm đông nam, Đà Nẵng đông bắc (…)/ Sông Hòa Vang cò thường lặn lội, sắc trắng phơi màu/ Sông Hà Lam sen mọc tốt tươi, mùi hương thơm nức); ca (Bài ca địa chí tỉnh Quảng Nam: Duy Xuyên huyện ở trong kề/ Quế Sơn vô nữa thì về phủ Thăng/ Hà Đông Quảng Nghĩa sát Giằng/ Còn huyện Đại Lộc mới tăng trên cùng); vè (Vè các lái: Ngó lên núi Ải rất cao/ Ta sẽ lần vào Bãi Chuối, Hang Dơi/ Anh em củi nước thảnh thơi/ Hòn Hành nằm đó là nơi cửa Hàn)… Đó là những cách dẫn giải địa danh Quảng Nam từ xưa đến nay. Ngoài ra, trong những tục ngữ, ca dao, truyện kể có nhắc đến địa danh thì đó chỉ là một bộ phận có liên quan cấu thành của tác phẩm chứ không phải lấy địa danh làm đối tượng chính.
Ngô Văn Ban thông qua ngữ liệu dân gian là ca dao đất Quảng để tìm hiểu và trình bày về những địa danh của Quảng Nam. Tác giả sử dụng phương thức dẫn giải địa danh theo một cách thức không mới nhưng lạ. Không mới ở chỗ tác giả vẫn sử dụng phương pháp chú giải địa danh kiểu truyền thống. Còn lạ ở chỗ tác giả không sử dụng chân trang hay mở ngoặc đơn để chú giải địa danh theo kiểu truyền thống mà chú giải địa danh ngay trong phần chính văn. Phần chú giải địa danh cũng là một phần của nội dung chính văn. Mặc dù một số công trình có thực hiện kiểu này nhưng không xuyên suốt và trọn vẹn trong công trình ấy. Cách xử lý này làm cho người đọc không bị rối mắt mà theo dõi được liên tục. Đồng thời, vì sử dụng vào phần chính văn nên tác giả tùy ý chú giải dài hay ngắn, sẽ đạt được hiệu quả cao trong việc trình bày kiến thức. Điều đặc biệt có hơi hướng lạ là phần chú giải của tác giả thể hiện nhiều kiểu thức, mà không chỉ đơn thuần là ghi vị trí hành chính như các công trình khác thường làm.
Bìa cuốn “Quảng Nam những địa danh ghi dấu qua ca dao xứ Quảng” của Ngô Văn Ban. |
Khi thì tác giả chú thích vị trí hiện tại, như dẫn giải mục “Kim Bồng” và “Trà Nhiêu” trong câu ca dao “Dẹp lép như đầu cá chai/ Ăn tham với vợ là trai Kim Bồng/ Nhọn hoắc như đầu cá nhồng/ Tranh ăn với chồng là gái Trà Nhiêu”, tác giả chú: “Thôn Kim Bồng thuộc xã Cẩm Kim, TP.Hội An. Còn Trà Nhiêu thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên”. Khi thì mang tính hàn lâm, sử tịch như dẫn giải mục từ “làng Thanh Châu” trong câu ca dao “Thanh Châu buôn bán nghề ghe/ Thanh Hà có ngói, mía che An Hòa”, tác giả ghi: “Thuộc xã Cẩm Thanh, TP.Hội An (…). Trong Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn chép (…). Đại Nam nhất thống chí - Quảng Nam chép (…). Với mục từ “sông Vĩnh Điện”, tác giải dẫn giải: “Việc đào sông Vĩnh Điện cũng đã được ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí - Quảng Nam (…)”.
Có khi tác giả đi sâu phân tích từ nguyên như mục từ “sông Ô Da” trong câu “Quê anh Đại Lộc, Ô Da/ Nước reo dòng suối chảy qua Thu Bồn” được dẫn giải: “Sông Ô Da, còn gọi là sông Vu Gia, theo các nhà nghiên cứu tên gọi Vu Gia từ tiếng Chăm là “Vu Jaya”. “Vu Jaya” là tên của vị vua Chăm trị vì năm 1441 có tên là Ma-ha-Vujaya”; dẫn giải mục từ “Hà My” trong câu ca dao “Ai về Hà Quảng, Hà My/ Cá tươi nước mắm thiếu gì bạn ơi!”: “Được hiểu là doi đất bên sông (“hà”: sông; “my”: doi, nổng đất). Vào năm 1820, vua Minh Mạng đổi tên xứ Hà Tôm thành xã có tên gọi là Hà My”. Khi thì dẫn giải mang tính giai thoại, truyện kể dân gian như mục từ “làng yến sào Thanh Châu”, “miếu Thất Vị”: “Truyện kể rằng, cánh đồng Cố Lâm bị hạn hán mất mùa, dân tình đói kém rất khổ sở (…), Diêm Vương sai 7 người con gái lên trần gian giúp dân lành (…). Dân làng biết ơn nên lập miếu thờ cúng 7 nàng tiên trên, gọi là miếu Thất Vị”. Khi thì có thêm nhận xét, phê bình, như dẫn giải mục từ “Cẩm Phô” trong câu ca dao “Rủ nhau đi cấy Cẩm Phô/ Mua tre Bến Điện đan bồ đựng con/ Chừng nào mạ hết ruộng còn/ Bớ ông chủ ruộng chia con cho tôi về”, tác giả nhận xét: “Câu ca dao trên mang tính chất châm biếm, đả kích những chủ ruộng xấu tính, làm hại nhiều đời con gái, đến nỗi phải mua tre Bến Điện để đan bồ đựng con”.
Tác giả đã cấu trúc cuốn sách theo nội dung khảo sát địa danh riêng biệt của 2 thành phố, 1 thị xã và 15 huyện thuộc tỉnh Quảng Nam, nên một số câu ca dao sẽ bị lặp lại. Ví dụ câu ca dao “Chồng em là lái buôn tiêu/ Đi lên đi xuống Trà Nhiêu, Kim Bồng/ Chồng em là lái buôn bông/ Đi lên đi xuống Kim Bồng, Trà Nhiêu” vừa xuất hiện ở phần TP.Hội An (vì có địa danh Kim Bồng) lại vừa hiện diện ở phần huyện Duy Xuyên (vì có địa danh Trà Nhiêu). Phương thức này tuy có chút “tốn giấy” nhưng cũng thuận lợi cho quá trình đọc. Theo đó, người đọc có thể đọc một lèo một mạch hết cuốn sách nếu có thời gian, hoặc có thể đọc ngắt quãng từng phần mà vẫn không ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận tổng thể kiến thức, bởi mỗi một câu ca dao mang chứa địa danh là một đơn nguyên nội dung.
Nhờ phương thức dẫn giải địa danh Quảng Nam như nêu trên mà tác phẩm “Quảng Nam những địa danh ghi dấu qua ca dao xứ Quảng” của Ngô Văn Ban đã chuyển tải nội dung rất đa dạng và linh hoạt. Đọc cuốn sách, người đọc sẽ thấy được những giá trị lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật của những địa danh Quảng Nam. Nhờ đó, người đọc có thể không chỉ hiểu sâu hơn mà còn nhớ lâu hơn về địa danh Quảng Nam, một ký ức tên đất tên làng trong tâm khảm mỗi người.
HƯƠNG THU