Đọc "Non Nước - Ngũ Hành Sơn qua thơ văn"

PHÚ BÌNH 21/10/2017 09:08

Nhà nghiên cứu Nguyễn Công Thuần (quê ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, hiện sống ở TP.Hồ Chí Minh) vừa ra mắt cuốn “Non Nước - Ngũ Hành Sơn qua thơ văn” (NXB Đà Nẵng, quý 3/2017).

Cuốn sách gồm ba phần chính và một phần phụ lục. Phần thứ nhất là “Vài nét tổng quan” nêu những căn cứ tổng quát có nêu trong sách vở xưa nay về tên gọi, cấu tạo địa chất của thắng tích này. Trong phần thứ hai, người biên soạn đã cố gắng thống kê những di tích, cổ vật cùng lễ hội hiện còn ở Ngũ Hành Sơn. Cũng trong phần này, tác giả đã sưu khảo về lịch sử “khai sơn xây dựng chùa chiền”, về việc “trùng tu, xây dựng và tế tự”, về “tấm bia trước chùa Linh Ứng”, về việc phát hiện thêm các hang động và xây dựng thêm chùa chiền trong thế kỷ 20. Các sưu khảo này có phần dựa vào sách vở, có phần dựa vào điều tra trên thực địa. Nhìn chung, có thể xem đây là những phần mô tả tổng quát, có căn cứ khoa học và đầy đủ nhất so với các ấn phẩm về Ngũ Hành Sơn trước đó. Xem chú thích và sách vở mà tác giả tham khảo trong phần này, có thể biết ông đã tra cứu và điền dã rất nhiều mới có thể tổng hợp, biên soạn để giúp người đọc có một cái nhìn bao quát, có căn cứ và tương đối sâu về nhiều mặt liên quan đến di tích - danh thắng này.

Phần chính tương ứng với nhan đề cuốn sách, là 5 chương trình bày về nội dung thơ văn có liên quan đến Non Nước - Ngũ Hành Sơn, từ văn chương dân gian đến thơ văn chữ Nho và chữ Quốc ngữ trải dài từ thế kỷ 17 đến những năm đầu hạ bán thế kỷ 20. Bắt đầu từ bài thơ chữ Nho “Tam Thai thính triều” (Nghe sóng biển từ trên núi Tam Thai) của chúa Nguyễn Phúc Chu đến hai bài “Năm cụm núi quê hương” và “Thăm lại Ngũ Hành Sơn” của nhà thơ nổi tiếng xứ Quảng là Tường Linh. Cả thảy 41 tác giả có thơ văn liên quan ít nhiều đến đề tài Ngũ Hành Sơn bao gồm vua chúa, hòa thượng, tôn thất, danh sĩ, quan lại, khoa bảng yêu nước thời cựu học đến các nhà tu, chí sĩ, nhà thơ lãng mạn thời tân học. Đặc biệt, trong số đó có thơ văn của 3 nữ sĩ là người Quảng Nam (bà Bang Nhãn, bà Huỳnh Thị Bảo Hòa) hoặc làm dâu ở Quảng Nam (bà Cao Ngọc Anh). Một bài thơ về Ngũ Hành Sơn của thi sĩ Hồ Thấu - một nhà thơ cách mạng nổi tiếng ở Quảng Nam - cũng đã được người biên soạn cất công sưu tầm và giới thiệu cặn kẽ.

Điểm đặc sắc nhất của phần giới thiệu thơ văn về Non Nước - Ngũ Hành Sơn này là cách giới thiệu từng tác giả cùng sáng tác của họ. Cách trình bày của soạn giả đậm dấu ấn bài giới thiệu và phân tích tác phẩm văn chương của một thầy giáo dạy văn rành chữ Nho, nhiều kinh nghiệm và kiến thức. Mỗi phần giới thiệu tiểu sử tác giả là một bài khảo luận rất sâu có dẫn chứng tư liệu tham khảo rất phong phú. Có bài thơ được cho là của hai tác giả khác nhau, đã được soạn giả đưa ra những chứng cứ thuyết phục để khẳng định ai là tác giả đích thực. Ví dụ: “Nguyễn Khuyến hay Bùi Văn Dị đề thơ trên núi Ngũ Hành?” (trang 181 - 184). Phần lớn các bài thơ được giới thiệu được viết bằng chữ Nho vì thế việc giới thiệu nguyên bản, chú thích và dịch nghĩa đã được tác giả dày công thực hiện, có thể góp phần kích thích sự ham mê tìm hiểu kho tàng văn học được sáng tác bằng chữ Nho và chữ Nôm ở nước ta vào các thế kỷ trước.

Đọc hết cuốn sách này ai cũng phải công nhận soạn giả đã làm việc một cách khách quan và cẩn trọng, chỉ cố chăm chú làm sao giới thiệu thật đầy đủ, thật chính xác các di sản thơ văn. Cụ thể như việc tìm tòi và giới thiệu thêm những tác phẩm của những tác giả danh tiếng thời trước như chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mạng, Hà Tông Quyền, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Lý, Tôn Thất Minh Trọng, Trần Bích San, Bùi Văn Dị, Nguyễn Thuật, Nguyễn Trọng Hợp… Bởi “Những tác phẩm ngâm vịnh Ngũ Hành Sơn của những tác giả danh tiếng này mãi đến nay vẫn chưa được phổ biến rộng rãi nên rất nhiều người chưa biết đến hoặc biết nhưng không chính xác nên đã sai lầm khi vận dụng vào việc nghiên cứu” (Lời mở).

Cuối sách soạn giả giới thiệu “Những bài thơ của các vị Hòa thượng” về đất Phật - Ngũ Hành Sơn” (từ trang 339) đồng thời dịch và chú giải toàn tập “Du Ngũ Hành Sơn xướng họa tập” trong phần Phụ lục (từ trang 350). Có thể nói, đây là một cuốn sách không những giúp ích cơ bản cho các thầy giáo, sinh viên, học sinh khi tìm hiểu về thơ văn có liên quan đến địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng mà còn hỗ trợ rất nhiều cho các nhà nghiên cứu văn hóa địa phương về nhiều mặt.

PHÚ BÌNH

PHÚ BÌNH