Một thời vang bóng thi ca miền Trung
Vén mây là tập sách thứ 3 của Võ Chân Cửu về 20 năm văn học miền Nam. Vén mây gồm 15 bài tản văn, ngoài ra còn có phần ngoại tập gồm hai bài viết về Hàn Mặc Tử, Bích Khê và những ghi nhận của một số tác giả. Nhiều gương mặt thi sĩ xứ Quảng vang bóng một thời góp mặt trong tập sách này.
Các nhà thơ một thời vang bóng miền Trung: Đynh Hoàng Sa, Hà Nguyên Thạch, Nguyễn Nho Sa Mạc, Luân Hoán. |
Ngay ở những chương đầu tiên của tập sách, chúng ta thấy dường như tác giả Võ Chân Cửu dành nhiều nỗ lực giới thiệu bối cảnh tổng quan của thi ca miền Nam trước 1975 với những tên tuổi như Nguyễn Đức Sơn, Thanh Tâm Tuyền, Nhất Tuấn, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ, Nhã Ca…. Trong đó, tác giả chú trọng nhấn mạnh đến những tác giả, tác phẩm đã tạo nên hiện tượng đặc biệt một thời như Trần Đới (đại đức Thích Thông Bác), Nguyễn Tất Nhiên (với nhiều bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc), Linh Phương... Tuy vậy, theo nhận định của một số nhà phê bình, thì không có nghĩa là Võ Chân Cửu đã làm công việc của một nhà nghiên cứu văn học sử về một giai đoạn văn học miền Nam trước 1975, cũng không phải là công việc của một nhà văn “vẽ” lại chân dung những nhà thơ, nhà văn đã sống và sáng tác trong giai đoạn ấy. Mà đây là các đoản khúc viết về những nhà thơ, nhà văn với tư cách là người trong cuộc, là kẻ dấn thân; viết bằng cảm xúc rất thật về những điều rất thật; và viết theo một thể loại văn chương mà có lẽ ở Việt Nam chưa có tiền lệ - tản mạn pha ghi chép.
Có lẽ chính vì vậy mà chúng ta không bất ngờ, khi xuất hiện nhiều gương mặt thi sĩ một thời vang bóng miền Trung như: Nguyễn Nho Nhượn, Nguyễn Nho Sa Mạc, Đynh Trầm Ca, Đynh Hoàng Sa, Hoàng Lộc, Vũ Hữu Định, Phan Duy Nhân, Phạm Ngọc Lư, Thái Ngọc San, Viêm Tịnh, Trần Dzạ Lữ… Đáng nói, trong đó nhiều người đã mất hoặc gần như đã bị lãng quên. Ở chương “Con đường ngã ba”, tác giả tóm lược tiểu sử và giới thiệu những bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Nho Sa Mạc như: Vàng lạnh 2, Sinh nhật và Nguyễn Nho Nhượn qua chùm thơ: Tiếng nói giữa hư vô, Khi trở về Vĩnh Điện. Theo Võ Chân Cửu: “Dải đất miền Trung với Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Nha Trang, lúc này là những đô thị có tầm chiến lược phát triển cả về quân sự và chính trị, nên các tạp chí Sài Gòn muốn mở tầm ảnh hưởng thì phải dung nạp, hay vun quén các tài năng sáng tác tại chỗ là điều đương nhiên. Nguyễn Nho Sa Mạc qua đời sớm, thì may mắn thay lại có một tài năng vượt trội hơn là Nguyễn Nho Nhượn đã xuất hiện”.
Tập sách Vén mây (NXB Hội Nhà văn liên kết với Công ty Sách Phương Nam xuất bản, phát hành 2017). |
Trong hai chương “Đâu những chân cầu?” và “Nước chảy chân cầu”, tác giả có tản mạn đôi điều về bài thơ “Ngồi lại bên cầu” nổi tiếng của Hoài Khanh, nhưng chừng như lại cố ý nói nhiều về hai tác giả xứ Quảng: Hà Nguyên Thạch và Hoàng Lộc. Phần về Hà Nguyên Thạch có đoạn viết: “Năm 1967, nhà xuất bản Ngưỡng Cửa (do Luân Hoán đứng đầu) cho phát hành tập thơ “Chân cầu sóng vỗ” của Hà Nguyên Thạch, một nhà thơ được độc giả Sài Gòn ái mộ”, và giới thiệu hai bài thơ “Chân cầu sóng vỗ” và “Phù ảo”, đồng thời, nhấn mạnh: “đến hôm nay Hà Nguyên Thạch vẫn giữ nguyên vẹn cảm xúc để nghe lại tiếng sóng vỗ dưới chân cầu”. Phần về Hoàng Lộc, tập sách trích dẫn hai bài thơ “Viết ở chân cầu” và “Bỏ làm thơ đi uống rượu”. Theo nhận định của tác giả: “Hoàng Lộc là một trong những nhà thơ nổi bật của đất Quảng Đà. Cảng thị Hội An, nơi anh sinh ra không xa mấy với làng thơ – thị trấn Vĩnh Điện. Anh có thơ đăng trên các tạp chí văn học nổi tiếng từ giữa thập niên 1960, cùng thời với các nhà thơ tên tuổi vùng đất này như Luân Hoán, Đynh Hoàng Sa, Đynh Trầm Ca, Nguyễn Nho Nhượn… Nhưng thơ anh dễ nhớ hơn vì có rất nhiều bài hay về… uống rượu”.
Thú vị và tâm đắc với người viết hơn cả, có lẽ là chương “Lục bình trôi xa” viết về Đynh Trầm Ca và Đynh Hoàng Sa. Đynh Trầm Ca thời bấy giờ ngoài việc nổi tiếng là một nhà thơ còn được biết đến là người viết ca khúc có tên tuổi (điển hình là bài hát “Ru con tình cũ” ra đời năm 1967). Giới thiệu về nhà thơ - nhạc sĩ này, ngoài các lời ca “Ru con tình cũ” và bài thơ “Rượu cuối năm bên bờ kinh phương Nam”, tác giả còn nhân sự trùng hợp chữ “y” trong bút danh Đynh Trầm Ca để nhắc đến một nhà thơ thân hữu khác là Đynh Hoàng Sa. Tập thơ đầu tay của Đynh Hoàng Sa có tựa đề “Vùng trú ẩn hoang đường”, được Ngưỡng Cửa xuất bản tại Đà Nẵng vào năm 1966, lúc này được giới văn nghệ đánh giá là “giọng thơ rất lạ, mang màu sắc triết lý mà vẫn rất gần với cuộc đời”. Đến thập niên 1970, Đynh Hoàng Sa chuyển vào dạy học tại trường Mạc Đĩnh Chi (Gia Định). Giữa thập niên 1980 anh qua đời trong yên lặng.
Đặc biệt, nhắc đến Phan Duy Nhân (nhà thơ sinh năm 1941, qua đời vào ngày 8.7.2017), tác giả đã giới thiệu các tác phẩm “Thư cho mẹ và chị” và “Tự tình với Huế” đan xen trong các chương khác nhau (Nước chảy chân cầu và Những miền hội tụ) mà không có nhiều lời bình. Trong khi đó, nhắc đến Phạm Ngọc Lư (sinh năm 1946, vừa mất vào tháng 5.2017), tác giả đưa vào chương “Những năm tháng cực đoan”, bên cạnh các trích đoạn “Biên cương hành” và “Cố lý hành” với nhận định: “Trong lĩnh vực sáng tác, đến nay những cây bút xuất hiện ở giai đoạn này vẫn nhắc về một nhà thơ khá cực đoan là Phạm Ngọc Lư”.
Theo GS.Huỳnh Như Phương: “Đặt tên cho cuốn sách thứ ba - mà tác giả nói là cuốn cuối cùng trong bộ sách về văn chương miền Nam – là Vén mây, ý hẳn Võ Chân Cửu muốn gợi ra hình ảnh “vén mây… nẩy trăng”. Nói theo Milan Kundera, sáng tác văn chương là một cách vén màn, những bức màn của ảo tượng và ma thuật, cho người đời nhìn thấy thực tướng của thế giới từng bị che phủ, như mặt trăng khuất sau làn mây. Dù sao, hành động “vén mây” đó cũng chỉ mở ra một cái nhìn trắc diện về đời sống văn chương, vốn cần đến nỗ lực của nhiều người để có thể xóa đi phần nào tấm màn đan dệt bởi thiên kiến có thể ngộ nhận trong sự giải thích và phán xét” .
TRẦN TRUNG SÁNG