Người mê văn hóa vùng cao
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tây Sơn, tỉnh Bình Định, 6 tuổi cùng gia đình lên Gia Lai, gắn bó với vùng đất Tây Nguyên trong thời gian khá dài (43 năm), nhưng anh lại bén duyên với xứ Quảng. Có thể nói anh là người “một chốn đôi quê”. Vùng đất và con người Tây Nguyên đã thấm đẫm trong tâm hồn anh nên về sau, khi định cư trên vùng đất mới, những đứa con tinh thần của anh vẫn còn mang đậm hơi thở đại ngàn.
Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm. |
Gắn bó với Tây Nguyên
Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm sinh ngày 20.8.1955, tại xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định trong một gia đình nông dân. Vốn có năng khiếu mỹ thuật từ nhỏ, anh không quanh quẩn bên lũy tre làng, tháng 4.1975 đã vào công tác ở Ban Tuyên huấn tỉnh Gia Lai. Đến tháng 6.1975, Ty Thông tin văn hóa được thành lập, anh được điều về phụ trách công tác thông tin cổ động. Năm 1978, anh thi vào hệ trung cấp 3 năm của Trường Cao đẳng nghệ thuật Huế. Sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục thi lên đại học và theo học chuyên ngành điêu khắc. Năm 1986, tốt nghiệp loại ưu, anh là một trong hai người được nhà trường chọn sang Liên Xô du học. Khi đang học ngoại ngữ ở TP.Hồ Chí Minh để chuẩn bị du học thì anh nhận tin cha ở quê nhà hấp hối, anh phải trở về gia đình chịu tang và bảo lưu kết quả học tập, nhưng cơ hội du học về sau đã khép lại với anh.
Tác phẩm “Xiếc”. |
Anh trở về nhận công tác tại Phòng Thông tin cổ động của Sở VH-TT tỉnh Gia Lai - Kon Tum, rồi sau được bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách khi Nhà Văn hóa tỉnh được thành lập. Năm 1991, tỉnh Gia Lai - Kon Tum chia tách, anh được điều về công tác tại tỉnh Kon Tum phụ trách Trung tâm Văn hóa tỉnh. Tháng 1.1992, anh giữ chức Phó Giám đốc Sở VH-TT-TT tỉnh Kon Tum, phụ trách mảng văn hóa nghệ thuật. Ngoài công tác quản lý, anh còn kiêm Giám đốc Xí nghiệp in và phụ trách công tác chiếu bóng. Anh kể, từ năm 1993-1994 ngoài công việc quản lý, anh tranh thủ thời gian rỗi để sáng tác và tham gia triển lãm khu vực. Với vai trò là nhà quản lý, vừa là người nghệ sĩ điêu khắc, anh rất lưu tâm đến Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Kon Tum. Là đầu tàu, anh thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động cho anh em trong chi hội sáng tác, tham gia triển lãm khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên. Sân chơi này đã thu hút và kích thích các nghệ sĩ, trong đó có anh, tham gia trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Bén duyên đất Quảng
Tháng 2.2002, từ Kon Tum anh chuyển về làm việc tại Trung tâm Bảo tồn Di sản di tích tỉnh Quảng Nam với vai trò lại Phó Giám đốc phụ trách. Dù ở đâu, làm gì, anh vẫn dành nguyên vẹn một tình yêu cho nghệ thuật điêu khắc. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội VHNT tỉnh, lại là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam (thời điểm đó ở Quảng Nam chỉ có anh và họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ), nên trách nhiệm của anh đối với chi hội càng lớn. Được sự ủng hộ của anh em mỹ thuật đất Quảng, anh dồn tâm huyết để tập hợp lực lượng, phát triển phong trào ở cơ sở. Sau 15 năm, đến nay Quảng Nam đã có một lực lượng mỹ thuật đủ mạnh để cọ xát với các tỉnh trong cả nước trong những lần tham gia triển lãm khu vực và toàn quốc.
Điều đáng mừng, theo nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm, là đa số anh em trong chi hội có tuổi đời còn rất trẻ, họ luôn tìm tòi hướng đến cái mới, chính sự sáng tạo không mệt mỏi đó đã cho ra đời những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật. Mỹ thuật Quảng Nam có môi trường sáng tạo, có “đất” để anh em sáng tác. Riêng ở Hội An, các họa sĩ có điều kiện giao lưu, trao đổi nghệ thuật, nhiều anh em sống được với nghề. Còn ở Tam Kỳ và các địa phương khác, anh em hội viên tuy sống bằng nghề khác nhưng vẫn giữ được ngọn lửa đam mê sáng tác. Gần đây, nhiều anh em tuy chưa phải là hội viên nhưng đã có những tác phẩm tốt, riêng chuyên ngành điêu khắc có xu hướng phát triển. Trong những năm vừa qua, Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam tham gia triển lãm khu vực và toàn quốc được ban tổ chức đánh giá cao. Nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Văn Huy đã lọt vào top 5 giải thưởng toàn quốc do Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng với tác phẩm “Hiệu ứng cúi”, họa sĩ Lê Văn Chinh đoạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn 2011-2015 với tác phẩm “Ngày đầu xuân”… “Cái được của mỹ thuật Quảng Nam trong những năm vừa qua là sự quan tâm của tỉnh, của các địa phương về xây dựng các công trình tượng đài, mảng phù điêu... Đây là điều kiện thuận lợi khích lệ tinh thần làm việc bởi anh em có đất để dụng võ. Ngoài ra, ngành văn hóa cũng có sự quan tâm nhất định, đến hẹn lại lên hai năm tổ chức triển lãm một lần để kích thích hội viên đầu tư vào sáng tác” - anh Hàm nhận định.
Đam mê điêu khắc
Tháng 8.2015, anh thôi đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL để nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác ở Hội VHNT tỉnh, vừa là Phó Chủ tịch hội vừa kiêm nhiệm Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật. Anh dành toàn bộ thời gian để quan tâm đến phong trào của hội và niềm đam mê sáng tạo của chính mình. Qua các lần liên hoan, triển lãm nghệ thuật khu vực, anh đều có tác phẩm đoạt giải cao. Anh trải lòng: “Đề tài chủ đạo trong tác phẩm điêu khắc của mình vẫn là tượng nhà mồ Tây Nguyên. Khi còn ở Gia Lai - Kon Tum, các tác phẩm cũng lấy ý tưởng đó, và mãi sau này mạch nguồn ấy vẫn xuyên suốt và luôn hiện diện trong từng tác phẩm. Đó là sức ngấm trong sự tương đồng văn hóa của những vùng đất mà mình được sống, được trải nghiệm”.
Tác phẩm “Niềm vui”. |
Các tác phẩm đoạt giải của anh đều là sự sáng tạo từ nền tảng của nghệ thuật truyền thống Tây Nguyên. Tác phẩm “Âm vang” (đoạt giải B - không có giải A - tại triển lãm khu vực năm 2008) là bức tượng gỗ được đẽo gọt từ một thân cây có đường kính khoảng 30cm, hình tượng người cầm chùy gõ vào cái chiêng. Tác phẩm này lấy ý tưởng từ tượng nhà mồ ở Tây Nguyên, nhưng cái mới là nhiều hình người chồng lên nhau tay cầm chùy gõ vào cái chiêng được giơ lên. Đây là không gian văn hóa được nhiều thế hệ người dân Tây Nguyên giữ gìn, bảo lưu, được UNESCO công nhận kiệt tác truyền khẩu, di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Hay các tác phẩm điêu khắc gỗ “Cha - con”, “Xiếc” (đã được Bảo tàng TP.Đà Nẵng mua để trưng bày)... đều thể hiện tư duy sáng tạo của Nguyễn Văn Hàm, thể hiện sự suy nghiệm trong một mối giao hòa văn hóa giữa các vùng miền.
Hằn sâu trong từng tác phẩm của anh là suy nghĩ, cách nhìn, cách thể hiện ngôn ngữ của nghệ thuật điêu khắc. Đề tài về các dân tộc thiểu số trong các bức tượng của anh rất đậm đà, thể hiện một lối đi riêng. Tính khái quát cao cùng sự cách điệu nghệ thuật trong từng bức tượng của anh làm cho người xem có nhiều chiều suy tưởng. Tượng không chỉ là mô phỏng mà là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Tác phẩm “Niềm vui” của anh (đang đặt tại vườn tượng Quảng trường 24/3) được lấy ý tưởng từ hình ảnh người phụ nữ Cơ Tu ở các huyện miền núi phía tây Quảng Nam. Họ là những người làm chủ gia đình, làm lụng vất vả, nhọc nhằn trên nương rẫy ở những bản làng xa xôi. Người phụ nữ khom lưng, mang gùi, mặt cúi xuống, tay nâng niu đứa trẻ, bên cạnh hai mẹ con là hình ảnh chú chó hai chân trước nhảy lên phía hai mẹ con. Tác phẩm được lấy ý tưởng từ hình ảnh khá thân thiện giữa người và vật nuôi trung thành trong các gia đình ở nông thôn. Đây là niềm động viên, an ủi, xoa dịu những nhọc nhằn sau một ngày lao động của phụ nữ vùng núi xa xôi. Nét đẹp trong tác phẩm của anh chính là sự khám phá những biên độ trên con đường đi riêng của mình để hình thành những tác phẩm mang tính nhân văn thấm đượm ước mơ của con người.
THANH VÂN