"Đoản khúc tang bằng" của một số phận
“Đoản khúc tang bằng” là tên tập thơ vừa xuất bản của nhà báo Khánh Hồng (Báo Tiền phong). Tập thơ dày 225 trang, gồm 161 bài thơ đã từng đăng trên facebook cá nhân của Khánh Hồng, được nhà báo Trần Tuấn - Trưởng ban Đại diện Báo Tiền phong miền Trung tại Đà Nẵng, sưu tầm, in ấn, giới thiệu.
Tập thơ “Đoản khúc tang bằng” - NXB Hội Nhà văn, 2017. |
Có thể nói, “Đoản khúc tang bằng” là những nỗi niềm về cuộc đời, về tình yêu, về những khắc khoải của một người phụ nữ, một người vợ, một người mẹ đang ốm đau dài ngày. Ẩn chứa trong đó còn là sự tự trào rằng, vốn dĩ, Khánh Hồng là tiếng chuông ngân tươi sáng nhưng giờ thì “Tiếng lót là chuông mà kêu chi buồn lắm vậy?”…
Khánh Hồng tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Huế, về Đà Nẵng đầu quân vào Báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng vào tháng 7.1990. Sau một thời gian, chị về nhận công tác tại Báo Tiền phong. Như những nhà báo khác của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, bước chân chị in dấu hầu như mọi nẻo đường của mảnh đất “lắm gió nhiều mưa”. Những phóng sự, những bài ký của chị mang đậm hơi thở cuộc sống… Nhưng rồi, tạo hóa trêu ngươi, trong một chuyến công tác tại Quy Nhơn (Bình Định), chị phát hiện mình mắc bệnh nan y. Qua mấy lần đại phẫu, hao gầy với hóa chất, với những cơn đau, chị vẫn “Thong dong xanh tràng hạt/ Xâu chuỗi thả ngang trời/…/ Thong dong xanh từng hạt/ Xanh sắc mà chứa chan…”.
Lấy tên của một bài thơ để đặt nhan đề cho cả tập thơ, hẳn Trần Tuấn và Khánh Hồng đều muốn lý giải rằng, chọn chữ “tang bằng” - một chữ mới, có thể là trại đi từ chữ “tang bồng”? - như muốn tạo ra sự chông chênh, bất thường. Chông chênh của một người đang đi giữa một bên núi cao, một bên vực sâu. Bất thường là sự trỗi dậy sau 13 năm gần như vô thức, cố gắng không để mình buồn, hay vui… nên chị đã muốn “ngủ một giấc rồi yên/ Buông vui xuống, thả buồn neo đời chảy”. Bởi nếu quá vui, hoặc quá buồn, chị lại lên cơn co giật. Chị muốn được “tan vào sương/ Dềnh trên sóng/ vập vào cát cho tỉnh giấc/ Qua ngày”…
Giới thiệu về “Đoản khúc tang bằng”, nhà báo Trần Tuấn cho biết: “Là những bài thơ hoàn toàn được tác giả viết “vo” trên trang facebook cá nhân trong đôi năm trở lại đây. Gõ một mạch, không chỉnh sửa. Khi vùng ý thức sau nhiều năm mờ mịt chợt hồi tỉnh. “Không còn đủ sức cầm trên tay dù màn hình bé tẻo/ Nhấn vài chữ nói với thời gian”... “Còm nhom thời gian ngồi mổ cò/ Và khóc/ Máu trắng rỏ xuống chữ chỉ mỗi mình nhìn thấy được”. Đây là tập thơ buồn, rất buồn, với những ai không/chưa biết buồn. Đây sẽ là tập thơ đẹp không hề bi lụy, cho những ai đã thấu cạn nỗi buồn, nỗi đời”. Còn theo nhà báo Công Khanh (Báo Công an Đà Nẵng, xâu chuỗi những bài thơ ấy, thấy phía sau là cả một khát khao cháy bỏng với cuộc sống bằng những cảm xúc rất thật, rất đời thường.
Thơ của Khánh Hồng rất thật vì là đau đáu nỗi niềm của một người mẹ, người vợ tự cho mình chưa làm tròn vai, thương chồng phải tất tả thay vợ đảm đang việc nhà: “Làm về tấp chợ gần nhà/ Quờ tay vội cho con qua bữa đói”. Đó còn là tình thương yêu dành cho những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, nhưng thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, nên chị ao ước được hái cho con “những chùm mây bạc”, và tâm nguyện “hướng về con dù đã thành cát bụi”… vì “con là mùa xuân của mẹ”.
Tình yêu trong thơ Khánh Hồng mang cả thoáng hương của dĩ vãng, của một cô gái mới lớn “Tình yêu tuổi mặt trời/ Dễ thương và thật lạ”. Rồi thì tình yêu đầu đời tan vỡ nên “Nắm tay mình, thiếu tay người/ Anh ra đi, để một đời em mang”. Năm tháng trôi qua, cô bé của tuổi mặt trời đã thành người đàn bà trung niên, tình yêu của chị mặn mà, chân thành: “Đã qua cái thời đẹp đẽ như tranh/ Xoắn xuýt gõ như từng cơn sóng vỗ/ Em chỉ cần ở bên anh/ lặng lẽ”. Khánh Hồng dành nhiều trang thơ để kể về tình bạn từ thời để chỏm mà đi suốt cuộc đời vẫn không thể nào quên “một Hải Phòng luôn cháy trong tôi”. Khánh Hồng kể về thuở sinh viên sư phạn Huế với “Một sân trường rộn tiếng cười/… Sách bút ngả nghiêng, hóng hớt giảng đường/ Mộng mơ nói chuyện yêu đương/… Ngày mưa rả rích tưởng thầm… bữa ngon”. Để ngày hội trường sau 27 năm xa cách, khi mà nhiều bạn đã lên chức ông, chức bà, Khánh Hồng dẫu “Không có áo dài tím để bay cùng gió”, nhưng vẫn có “chiếc khăn này tựa thể một bài thơ/ Giữa dòng Hương Giang/ thả buông/ Cho tình chảy mãi”…
Thơ Khánh Hồng buồn, thật buồn nhưng không bi lụy. Chị chông chênh giữa hai bờ cuộc sống, mà vẫn trầm tĩnh để nhìn thấy “Một bình minh khẽ mở nhành buồn”. Bởi chị đã “lắng tất cả vào trong tay áo/ Quệt vệt ngày chậm chầm, dây dưa/ Để lau khô/ những giọt mặn đôi khi bướng bỉnh”.
Khi tập thơ này đến tay bạn đọc, Khánh Hồng đã vào Tây Nguyên để dưỡng bệnh. Gấp tập thơ của chị lại, mường tượng được gương mặt chị đang cười, nháy mắt nghịch ngợm nói rằng “Vẫn là mình đấy thôi/ Kết hoa sen mỗi ngày bình thản thời gian đùa ngoài/ khung cửa/ Thi thoảng nhấn vào bàn phím cũ/ Đôi câu vu vơ gọi với người…”.
NGUYỄN THANH THỦY