Thương câu hát dân ca

THẢO NGUYÊN 08/07/2017 10:51

Xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) có một Câu lạc bộ (CLB) dân ca hoạt động rất sôi nổi, và “thủ lĩnh” của phong trào này là ông Võ Mười Sáu.

Ông Võ Mười Sáu - người nhiệt huyết với dân ca.
Ông Võ Mười Sáu - người nhiệt huyết với dân ca.

Là một cán bộ xã về hưu, ông Võ Mười Sáu có thời gian “theo đuổi” ý tưởng của mình đã nhen nhóm trước đây. Ông bảo, các thể loại dân ca ở xứ Quảng như những điệu xàng xê sinh động, điệu xuân nữ mềm mại, điệu lý duyên dáng, giọng hò Quảng da diết… ông đều thuộc và hiểu rõ ý nghĩa. Giới thiệu đến mỗi thể loại, ông lại hát vài câu, lúc vui tươi, rộn rã, lúc da diết buồn thương sâu lắng. Với ông, mỗi khi cất lời ca là lòng mình dâng lên niềm tự hào, đắm say khó tả. Ông chia sẻ: “Tôi tự đặt ra nguyên tắc khi sưu tầm, biên soạn dân ca là phải tôn trọng vốn cổ, ghi chép chính xác từng chữ, từng lời, chỉ chỉnh sửa những chỗ thực sự không còn phù hợp…”.

Ý tưởng của ông được nhiều người yêu thích dân ca ủng hộ và CLB dân ca xã Tiên Lãnh được thành lập từ năm 2009, với sự giúp đỡ của Phòng VH-TT huyện Tiên Phước và UBND xã Tiên Lãnh. Ban đầu, CLB gồm 16 thành viên, trong đó có 11 nam và 5 nữ, ông Võ Mười Sáu được bầu làm Chủ nhiệm CLB, đến nay CLB không ngừng lớn mạnh, hoạt động sôi nổi. Người lớn tuổi nhất của CLB đã ngoài 70, người nhỏ tuổi nhất là em Tường Vi mới 14 tuổi. Mọi người tham gia CLB trên tinh thần tự nguyện, góp công sức xây dựng chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân. Lúc mới thành lập không có kinh phí, các thành viên trong CLB tự mua sắm trang phục cho mình, tự mua nhạc cụ. Ngoài hệ thống âm thanh, CLB còn mua sắm dàn nhạc, gồm 1 đàn nhị (đàn cò), 1 hồ cầm (cũng là một loại đàn nhị, nhưng lớn hơn, âm thanh trầm) và 1 ghi ta phím lõm. Là người “cầm trịch”, ông Sáu luôn trăn trở làm như thế nào để “nuôi dưỡng” CLB và phát huy trong phong trào văn hóa – văn nghệ của xã. Hầu hết thành viên là những nông dân tay lấm chân bùn, nên ông Sáu đã động viên họ tranh thủ luyện tập vào ban đêm. Với lòng say mê dân ca, tất cả hội viên đều tham gia nhiệt tình. Cứ thế, vào những dịp lễ, tết hay hội hè, CLB diễn trong xã và sau này đi giao lưu với các xã khác hay tham gia các hội thi, hội diễn…

Ông Sáu đã dày công sưu tầm, biên soạn lại những bài dân ca và tập hợp lại để CLB luyện tập trình diễn… Hơn nữa, bằng khả năng và tâm huyết của mình, ông Sáu còn sáng tác, đặt lời mới với nhiều bài dân ca với chủ đề phong phú, sinh động, nội dung ca ngợi quê hương đất nước,  xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới... Năm 2014, tác phẩm “Biển Đông dậy sóng” do ông sáng tác, CLB dân ca xã Tiên Lãnh biểu diễn đã giành giải Nhất hội thi do Hội Người cao tuổi tỉnh tổ chức. CLB thường xuyên tham gia các hội thi, liên hoan văn nghệ cấp huyện, cấp tỉnh, đem về nhiều giải thưởng. Ông Sáu chia sẻ: “Chúng tôi muốn qua tiếng hát dân ca, gieo vào lòng người dân quê tình yêu văn hóa truyền thống, và chuyển tải những thông điệp về tình yêu quê hương, gia đình, hướng tới một cuộc sống tươi đẹp hơn…”. Trăn trở của ông là làm thế nào để dân ca “sống” được giữa thời buổi nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại lấn át, lớp trẻ không còn mặn mà với dân ca… Theo ông, để gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này trong quần chúng nhân dân, thì ngành văn hóa cũng cần có sự đầu tư hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các CLB, tạo không gian để biểu diễn qua các hội diễn, hội thi…

Ông Đặng Công Dung  - Trưởng phòng VH–TT huyện Tiên Phước cho biết, CLB dân ca xã Tiên Lãnh hoạt động đều đặn từ ngày thành lập đến nay là nhân tố quan trọng để xã Tiên Lãnh trở thành địa phương tiêu biểu của huyện Tiên Phước về phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng. “Sự nhiệt huyết và tài năng của ông Sáu cùng các thành viên trong CLB khiến nhiều người cảm phục. Họ có công lớn với các phong trào của địa phương, nhất là sự “miệt mài” giữ gìn, phát huy làn điệu dân ca”.

THẢO NGUYÊN

THẢO NGUYÊN