"Ngắn ngắn tình si"
Lối vào cõi thơ của thi sĩ Hoàng Lộc thật dễ lạc bước vườn tình mà cũng thật khó để người đọc khỏi sa chân vào chữ tình. Bạn đọc yêu thích thơ tình Hoàng Lộc từ trước năm 1975 và hiện nay, thơ ông vẫn có chỗ đứng trang trọng trong lòng người mộ điệu.
Tập thơ Ngắn ngắn tình si. |
Bạn chớ tìm cách định nghĩa thơ tình Hoàng Lộc làm gì, kẻo sa vào những giăng mắc tai ương khắp nẻo trong suốt tập “Ngắn ngắn tình si”! (*) Sao không là “ngăn ngắn” mà lại “ngắn ngắn”. Có phải vì ngại vấp phải chữ tình mà si dại mãn kiếp nên trông mong ngắn ngắn để phổ độ cõi lòng “hát thất tình ca, nghe buồn thúi ruột/ mới hay đời rủ lạnh một tà huy…”? Hay vì rằng chữ tình có thể đo đếm được từ thuở bình minh cho đến hoàng hôn đời người mà vẫn rất ngắn? (Hồ dễ trả lời!). Bởi ai đã từng với tay hái đóa tình mới hay đó là thứ tai ương được hóa duyên từ hai phía khổ đau và hạnh phúc. Ngẫm cho cùng, tha nhân muôn thuở vẫn không thoát khỏi vòng tròn đồng tâm của chữ tình, lan tỏa rộng hơn là tấm lòng, là tình người với nhau. Trong hai câu đề từ tập thơ, thi nhân đã chân thành bày tỏ:
“Thật ra anh chỉ yêu một thứ
Là cái không nguôi của tấm lòng”.
(Phương trời, trang sách cũ)
Sự thức ngộ kia, phải trải qua cả chiều dài “không nguôi” của kiếp người hữu hạn mới thấm đặng. Cũng vậy, ta cần một tấm lòng rộng mở để có thể tự trách lẫn xót xa tự trào:
“Thiệt buồn nếu mất ngày xưa
Dày công em – thuở ta chưa đổi lòng
Bài thơ nỡ vội rời trang
Câu thơ cũng chấm qua hàng tỉnh queo”.
Nước đổi dòng. Người thay dạ. Câu thơ xuống hàng. Có gì chung ở đây? Điểm gặp nhau của cả ba là ở quy luật cuộc đời. Dòng hải lưu ẩn tàng nghịch lưu, nên người có thể đổi lòng. Vì thế thi nhân chẳng lạ khi câu thơ “tỉnh queo” qua hàng. Luật tự nhiên thành quy luật đổi thay lòng người. Câu thơ tỉnh khô mà người viết, người đọc thì rớm lệ.
Không thể phủ nhận cái khéo của Hoàng Lộc là đưa vào thơ lời ăn tiếng nói dân dã một cách hợp lý và trữ tình. Dường như thi nhân đã bỏ công thu dọn những rườm rà hoa mỹ đẩy về phía những thi ảnh ẩn dụ, những điển cố hàn lâm trong một số bài thơ phảng phất hương vị đẹp xưa u hoài. Những đám mây, dòng sông, cây cầu, cố xứ, hoa lá vườn hoang, góc phố cũ… hiện lên rõ mồn một mà lại xa vắng ngun ngút. Nét duyên thầm e ấp tưởng khó khám phá chợt hiển lộ qua những từ ngữ đời thường, đậm chất Quảng Nam: thiệt cực mớ đời, thiệt mệt, tiếc đứt tóc, tỉnh queo/héo queo, bỏ nhau cái một, nông nỗi đơn sai, khóc ròng, rụng lia chia, điếng lòng, buồn thúi ruột …
“Yêu em thiệt cực mớ đời
Vòng tay nhớ thuở eo người vừa thon”
(Bài nhớ)
Nếu để tình cảm dẫn đường, khá nhiều người đọc sẽ thích kiểu tỏ bày bình dị, cách sáng tạo thi ảnh và ngôn ngữ dân gian trong thơ Hoàng Lộc. Thơ ông không kỳ công gọt từ đẽo chữ, vướng víu vào các thủ pháp tu từ hay sa lầy trong những định nghĩa về thơ hiện đại, hậu hiện đại. Ý thơ, tình thơ đôi khi khoác lên bộ lễ phục trang nhã, đài các nhưng tuyệt không làm dáng cầu kỳ, cũng không thô vụng sân si. Hàn lâm nhưng vẫn gần gụi. Cổ điển mà bình dị. Mấy câu thơ không ưa được chiêm bái ngưỡng vọng mà thích người đọc lại gần chạm tay vào những khắc khoải dịu êm, niệm tình vớt chút lòng đau rơi vỡ giữa trang thơ:
“Dẫu khóc suốt đời em, tìm chi ra Hán Đế
Anh mòn mỏi mấy trời, cũng đã mất Chiêu Quân
Có ra khỏi ải Nhạn Môn làm con chim đứng hót
Cung cấm vua Hồ thêm những đêm vơi”.
Dẫu ai cứng dạ vững ý, không thấy nát lòng đứt ruột khi đọc mấy dòng khắc khoải trên, thì hãy tìm đọc niềm thê thiết quan hoài của thi nhân Hoàng Lộc trong “Bữa say ghé chùa Ông Hội An” - một bài thơ say túy lúy mà vẫn giữ cốt cách và tự trọng. Một đời thơ, thiết nghĩ chỉ cần bạn đọc nằm lòng mỗi bài như thế, thi nhân cũng đủ an vui.
_______________
(*) Ngắn ngắn tình si” - tập thơ Hoàng Lộc, NXB Hội Nhà văn, 2016.
NGUYỄN THOẠI VY