Hành trình cuộc sống trong "Chuyến tàu vé ngắn"
“Hành trình trốn chạy và tìm kiếm những yêu thương cũng chính là hành trình cuộc sống. Đôi khi yêu thương ở cạnh ta đấy, giản đơn, bình thường mà ta đâu có hay. Chỉ đến khi mất đi mới nuối tiếc”. Đó là thông điệp Hoàng Công Danh muốn gửi gắm qua 26 truyện ngắn trong tập “Chuyến tàu vé ngắn” (NXB Trẻ ấn hành năm 2016).
Bìa tập sách “Chuyến tàu vé ngắn”. |
Dù viết về hạnh phúc hay bất hạnh, thậm chí cực kỳ đau khổ, thì giọng văn của Hoàng Công Danh vẫn cứ nhẹ như không. Nhẹ, mà khiến người đọc vui với niềm vui của nhân vật; khắc khoải, ám ảnh, và có thể là rớt nước mắt với nỗi đau của nhân vật. Như truyện “Bơi qua sông” - một câu chuyện kết thúc không có hậu khi người cha vì nghi ngờ đứa con không phải là giọt máu của mình, đã từng nhiều lần nhận nước đứa con còn rất nhỏ, vậy nhưng khi lớn lên, đứa con vẫn không để bụng. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như truyện kết thúc có hậu như thế. Nhưng không, người cha lại bị chết khi cố bơi qua sông chỉ để chứng tỏ “ai bơi được qua sông cũng là kẻ dễ thứ tha”. Vậy mới biết, “Đời, bi kịch nào rồi cũng qua được. Sông rộng bao nhiêu cũng vượt qua được. Nhưng những mối bận tâm trong lòng xem ra khó nguôi ngoai”. Tha thứ và được tha thứ, nói thì dễ nhưng đôi khi không đơn giản và những người biết tha thứ mới là những người sống thanh thản.
Với truyện “Chuyến tàu vé ngắn”, nhân cách của nhân vật trong truyện chỉ thực sự bộc lộ trong khoảng vài chục chữ cuối truyện. Quá bất ngờ! Và cũng với “Chuyến tàu vé ngắn” - truyện ngắn được đặt tên cho cả tập, Hoàng Công Danh quan niệm: “Như một chuyến tàu dẫn ta đến miền xa thẳm, dù vé chỉ rất ngắn và đi được đường dài. Nhưng, có con đường nào dài hơn con đường đi vào chính tâm hồn mình”. Ừ, thì hành trình nào rồi cũng đến hồi kết. Nhưng ngay cả khi gấp sách mà truyện của Hoàng Công Danh vẫn còn dư vang, ám ảnh người đọc, thì xem như đó là thành công của tác giả vậy.
CHÂU NỮ