Nghe "câu thơ nghiêng chén"…

PHÙNG TẤN ĐÔNG 08/01/2017 07:07

Có cơ duyên đọc bản thảo tập thơ và thơ phổ nhạc của Nguyễn Duy Khoái, tôi cứ thầm hỏi, chẳng biết anh khởi sự sáng tác nhạc trước thơ hay thơ trước nhạc, như trường hợp “Đêm hội phố Hoài”.

Tập thơ “Câu thơ nghiêng chén”- Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2016.
Tập thơ “Câu thơ nghiêng chén”- Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2016.

Một câu hỏi tưởng vẩn vơ nhưng cũng hết sức kỳ thú, như chuyện Nobel văn chương 2016 trao cho nhạc sĩ Bob Dyland vì “giá trị của ca từ”. Ngẫm, các ca khúc bình thường hay ca khúc nghệ thuật nào rồi cũng dính dáng đến chuyện “hát thơ”, khi mà lời thơ hóa ca từ rồi đồng hành, tan nhập, đan quyện hài hòa cùng âm điệu một bài ca. Và khi “thơ” đã thành “ca” thì thơ đã có một số phần khác thuộc vào cảm nhận của mỗi người nghe ca khúc, cũng như thơ tùy thuộc vào người đọc/nghe thơ một cách “suông thơ” vậy.

Thơ Nguyễn Duy Khoái trước hết là lối thơ dường chỉ có hứng thú tỏ bày khi trong lòng người thơ “khinh khoái” hay “tri kỷ” với bằng hữu trong những dịp tao phùng. Mà những dịp đó thường là tụ hội nơi quán xá hay một góc riêng tư kiểu “Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén” (Hành phương Nam – Nguyễn Bính). Lối thơ đó - tạm gọi là sáng tác “bên lề”, trong ý nghĩa “giải thiêng” - nghĩa là khi thơ từ chối những giọng lời trang trọng, những ý thức nghiêm cẩn, những tình điệu nhịp nhàng theo mô thức đám đông, những gánh vác thiêng liêng của thơ như cách nghĩ thông thường. Thơ anh có nói chuyện chi to tát đâu ngoài những mẩu tâm tình nhớ với thương bè bạn, hay bộc bạch cảm quan về chính thân phận mình, hoặc thế sự. Mà lúc đó tác giả chọn một chỗ ngồi đơn chiếc trong chính căn nhà của mình hay một góc quán quen, anh ngồi im như tượng, vô tri, câm nín, chỉ nỗi hoài nhớ “xô giạt” trong đầu, trong ngực: “… Đêm nằm đói cồn cào cái ngủ/trời bỗng mưa, gió giật ù ù/không ngủ được chong đèn bó gối/ngồi nghe mưa nhớ bạn xa mù…” (Đêm mưa nhớ bạn). Bằng hữu mà anh nhớ thương là những bóng dáng đã khuất, những khách “tài hoa phận bạc” - người nào cũng tận tụy yêu đời, người nào cũng lưu dấu cho đời những câu thơ, những áng văn, những tác phẩm mỹ thuật, những bài hát đẹp và hay. Trong thơ của anh, tình cảm yêu thương luôn gắn với sự tương liên đồng điệu về tài năng của bạn mà người đời gọi là tình cảm liên tài: “… một ghế trống mà quán thành quán vắng/ta cụng vào đâu để nghe tiếng bạn cười” (Khóc bạn chiều cuối năm).

Phía khác, với chất trào tiếu “hậu hiện đại” - nếu được nhìn nhận như vậy - là mảng thơ chân dung của anh về, bằng hữu cùng làm văn nghệ. Chắc hẳn mảng thơ này mang tính liên văn bản với thơ trào tiếu dân gian hoặc với lối thơ Bút tre hay Xuân Sách - kiểu thơ “đi tìm sự thật biết cười” (Umberto Eco) để cuộc chơi bớt nghiêm nghị, bớt vờ vĩnh. Ở mảng thơ này, nếu bạn đọc cứ chấp nê “điều tiếng” thì cũng sẽ nhận ra sự suồng sã, huỵch toẹt (nếu có); cũng là bộc lộ một cách “yêu đời” trái khoáy; cũng là kiểu “thân gần”, “bỗ bã” của tác giả, bởi một thời dường chúng ta đều là nạn nhân của sự trịnh trọng và suy diễn nọ kia mà không thực chất, mình không thực là mình…

Phần tự thoại về thân phận, về cố hương, về những nhân dáng yêu dấu của những ngày tháng cũ để lại những câu thơ đẹp và buồn như là yêu để phôi pha, để “…ta nghe lạnh cả từng chân tóc/ tiếc cho người như đã trùng khơi” (Gặp lại người xưa). Những bài thơ, thơ phổ nhạc về Huế - nỗi hoài nhớ miên viễn trong anh là những bài ám ảnh hồn người. Nhiều bằng hữu - trong đó có người viết những dòng này - lúc nào cũng thích nghe/nhìn tác giả bài thơ “Uống rượu quán cóc” trình diễn bài này. Bài thơ hào sảng xen lẫn ngậm ngùi, vừa khinh bạc vừa đắng đót cho những đời “thơ thẩn hát hò”. “Uống rượu quán cóc” phơi bày những lề thói nhân thế, khi mà thói thực dụng, tranh ăn, tranh tiếng, tranh có quyền, có tiền và nạn giả dối đã và đang vây bọc đời sống, làm tha hóa những tình cảm tràn đầy nhân tính của những người làm văn nghệ hôm qua, hôm nay.

Đọc thơ/nhẩm nhạc cho đến trọn tập mới biết anh có lý khi lấy lời thơ và cũng là ca từ của bài hát “Đêm hội phố Hoài” để đặt tên cho cả tập thơ và thơ phổ nhạc, là: “Câu thơ nghiêng chén”. Như vậy, thơ với nhạc, nhạc và thơ của tập “Câu thơ nghiêng chén” đã làm nhòe mờ đường biên thể loại

Một tâm hồn lúc nào cũng dào dạt yêu đời, như bất chấp thời gian có quá nhiều “tang hải” đổi dời - đó là Nguyễn Duy Khoái. Hiền lành, thư sinh, hảo hớn, trượng nghĩa, thực lòng và chu đáo, tử tế với người thân, bằng hữu như hằng sống tử tế với nghệ thuật - đó cũng lại là Nguyễn Duy Khoái. Và hãy mở lòng với “câu thơ nghiêng chén” – khi - “trái tim vẫn còn hồng”…

PHÙNG TẤN ĐÔNG

PHÙNG TẤN ĐÔNG