Chuyện quàng xiên của chàng trai xứ Quảng
“Sài Gòn cà phê 47 và đủ chuyện quàng xiên” (*) là tập tạp bút của Hiền Hòa (tên thật là Hà Văn Bảy, các bút danh khác là Văn Bảy, Như Hòa, Lý Đợi...), sinh năm 1978, quê Khúc Lũy, xã Điện Minh, huyện Điện Bàn. Hiền Hòa đến Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1997, hoạt động trong lĩnh vực văn chương, nghiên cứu nghệ thuật, xuất bản, báo chí và phê bình. Từ đó đến nay, anh đã xuất bản 4 tập thơ riêng, gần 10 tập in chung và 2 tập sách khác.
Bìa sách “Sài Gòn cà phê 47 và đủ chuyện quàng xiên”. |
Là người Quảng Nam, nên dễ nhận thấy chất “cãi cọ” xuất hiện rải rác ở các bài viết trong tập sách; và cả những lý sự, phản biện, dự báo. Hẳn nhiên, ấy không phải là cãi chày cãi cối mà là sự tranh biện tinh tế và rất có văn hóa. Tựa sách là “Sài Gòn cà phê 47 và đủ chuyện quàng xiên” nhưng nhiều bài trong tập này anh viết về Quảng Nam, dành cho quê nhà Quảng Nam và những địa hạt khác dưới dạng nghiên cứu. Làng Đại Bình (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn), được Hiền Hòa ví von (mà không sợ ngoa ngôn) là “nơi bình yên của thế gian”. Bình yên là bởi “chiến tranh chưa từng “bén gót”. Nhìn cảnh vật cùng với gia phong, nề nếp, lối sống hiền hòa của người dân nơi này, “mới thấm thía cái lẽ tồn sinh của kiếp người, mới biết đâu là thiên đường, đâu là nơi bình yên nhất thế gian”. Cái gọi là cố xứ, là kỷ niệm, với Hiền Hòa, không phải lúc nào cũng là cái cụ thể, thuộc về thời gian, không gian, nơi chốn và nằm bên ngoài, mà có cái vô hình, nằm bên trong. Tỷ như, Hội An trong Hiền Hòa “là một phần nằm bên trong” bởi anh “có vài kỷ niệm rất riêng tư”: một tấm ảnh ở Hội An cùng góc độ nhưng đã ba lần chụp và mỗi lần cách nhau khá lâu. Đơn giản vậy mà dai dẳng, mà thành kỷ niệm khó quên. Hay, qua món mít non kho cá chuồn, một món ăn dân dã, một đặc sản ra đời từ sự tình cờ trong những chuyến giao thương dài ngày bằng đường sông - sông Thu Bồn như câu ca nghĩa tình “Ai về nhắn với bậu nguồn/ Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên” - Hiền Hòa minh chứng cho luận thuyết: “Ăn là một kiệt tác”, “ăn là ứng biến theo hoàn cảnh”.
Trong “Sài Gòn cà phê 47 và đủ chuyện quàng xiên”, người đọc còn gặp những chuyện “quàng xiên”, có thể nhỏ như tên gọi của một quán nhỏ hay về một món ăn nào đó (Cà phê 47, Cục gạch bên đời, Cảnh giới của bánh xèo); hoặc nghiêm trọng như “Biến đổi “gen” văn hóa” (hiện tượng biến đổi “gen” văn hóa đã diễn ra từ lâu, nhưng với thế giới ngày nay thì sẽ mau chóng và tàn bạo hơn); “Báo chí thời “thiên la địa võng” (ngày nay, dù không phải website, blog hay mạng internet nào cũng là báo chí, mà chỉ một phần gánh vác sứ mệnh của báo chí)...
_____________
(*) Nhà Xuất bản Văn học ấn hành quý III.2016.
BẢO LÂM