Khát vọng mùa
“Khát vọng mùa” là tập thơ thứ hai của nhà thơ, nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa, vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành trong quý 4/2016. Tập thơ gồm 33 bài, là tiếng lòng của người thơ về tình yêu đôi lứa, về mái ấm gia đình, về quê hương xứ sở... Được biểu đạt bằng hình thức thơ hiện đại nhưng “Khát vọng mùa” vẫn đầy ắp ân tình quê kiểng, với bao kỷ niệm của một thời tuổi nhỏ. Làng, với Hoàng Đăng Khoa “là rừng dương những trưa cào lá về nấu lợn, là miếu thờ Thành hoàng ngày không dám nhìn trong, là giếng đồng nứt nẻ dẳng dai mùa nóng, là tiếng chuông nhà thờ thong thả ngân rung”… Và làng chính là “bóng quê” thời bao cấp, “đêm xâm xấp mẹ đã giục lên giường, đèn sắp cạn bụng nghe chừng sắp đói, con khó ngủ nghiêng mình nghe nước xối, lợn góc nhà chốc chốc éc vô tâm…”. Quảng Bình - quê hương tác giả, nơi nắng cháy da, mưa rục đất, làm nông như đánh bạc với trời, nhiều khi thua cuộc trắng tay, đành phải “ăn bánh sắn thay cơm” và “thất bát mùa bố rít điếu dài hơn”.
Nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả dẫu khó khăn vất vả nhưng người dân quê vẫn gắn bó với quê và vững tin vào tương lai tốt đẹp khi tai ương qua đi: “Bố ngả nong trải sách ra phơi, từng cuốn nặng đẫm giấc mơ cày cuốc, lụt ra đi đọng phù sa vườn tược, đường chân trời nắng mới lại bừng lên…”. Niềm tin ấy là khát vọng mùa của bao người dân quê làm nên quê kiểng yên hòa và tạo nguồn cảm hứng để người thơ viết những vần thơ neo vào lòng người đọc…
LÂM BÌNH THÁI