Họa sĩ Lê Vũ: Người say mê thư họa Việt
Họa sĩ Lê Vũ dáng người không cao, da ngăm đen. Tôi với anh là bạn văn nghệ, mặc dù trái ngành nghề, nhưng thỉnh thoảng hay hú gọi nhau. Mỗi lần có tí bia rượu vào, sướng lên, anh thường gõ tay xuống bàn và hát : “Anh về nơi xứ Quảng/ Thăm người em phố Hội/ Sông Thu Bồn con nước lững lờ trôi…”. Mỗi lần như thế, tôi và nhiều bạn bè khác cũng cầm đũa, cũng gõ vào bàn, bè theo, hòa nhịp vào “Tình em xứ Quảng”của anh.
Lận đận dòng đời
Một buổi sáng, tôi ngẫu hứng đến phòng tranh của anh tại số nhà 43 - Tôn Thất Tùng - Nha Trang - Khánh Hòa. Đó là một căn phòng nhỏ, chiều ngang chừng 2m, chiều dài 6m, chật chội. Trong phòng, treo kín những bức thư họa chân dung của những danh nhân nổi tiếng thế giới như Lê Nin, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… Có cả những bức chân dung của các văn nghệ sĩ: Tản Đà, Nguyễn Bính, Tú Xương, Nam Cao… Thấy tôi đến, anh lại gọi mồi quán bên cạnh nhà, đem rượu trong nhà ra nhậu, ca hát và hàn huyên.
LÊ VŨ Tên thật : Lê Quang Vũ Sinh : 9.9.1949. Quê quán: Quảng Nam. Thường trú: 43 Tôn Thất Tùng, TP.Nha Trang. Nghề nghiệp: Diễn viên, Họa sĩ. Giải thưởng : - Huy chương vàng tiết mục Tấu trống; Huy chương bạc tiết mục Kịch câm “Biên giới” tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Khánh Hòa 1981. - Huy chương vàng tiết mục Tấu trống; Huy chương vàng cá nhân xuất sắc tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Quân khu 5, Đà Nẵng 1981. - Huy chương vàng Thiết kế sân khấu - Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, tại Hà Nội năm 1986. Chủ nhiệm CLB Thư pháp - Thư họa Khánh Hòa. Hội viên Hội VHNT Khánh Hòa . Kỷ lục gia Việt Nam năm 2010 về “Người vẽ thư họa danh nhân thế giới nhiều nhất”. |
Họa sĩ Lê Vũ, tên thật là Lê Quang Vũ, sinh ở Quảng Nam, trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật tuồng (bố anh là NSƯT Lê Quang Hảo - con nuôi NSND Nguyễn Nho Túy), nhưng Lê Vũ không theo nghiệp của gia đình. Từ nhỏ, Lê Vũ đã theo học vẽ truyền thần với một thợ vẽ giỏi nhất Hội An. Khi nghề vẽ đã thành thạo, Lê Vũ lại rong ruổi theo gánh hát gia đình để vẽ áp phích, phối cảnh các vở tuồng. Cuộc sống rày đây mai đó, đến khoảng hai mươi tuổi, Lê Vũ định cư ở Nha Trang, lập nghiệp bằng nghề vẽ áp phích quảng cáo cho phim ở rạp Nha Trang. Anh tâm sự: “Ông cha ta có câu, an cư mới lập nghiệp. Thế mà tôi trải qua nhiều căn nhà, thuê có, cất có mà nghiệp lạc đến năm bảy đường: kịch, họa, văn, thơ, quay phim dịch vụ, chơi trống và cả kinh doanh quảng cáo. Đếm đủ bảy nghề, may sao không… thất nghiệp! Nhiều nghề như vậy, nhưng hầu bao không được rủng rỉnh, hòng tậu một nơi để an cư lúc mây đã bay về trắng bạc cả mái đầu!...”. Có lẽ trong các nghề đa mang theo mình, Lê Vũ yêu thích nhất đó là vẽ, đó là họa.
Duyên và nghề
Lê Vũ tâm sự, nhiều đêm, và nhiều lần không nhớ nổi, anh ngồi trước khung vải với bút mực hay đống sơn dầu bóp méo ngổn ngang, cứ vẽ vẽ, xóa xóa mà lòng hổ thẹn với chính mình. Bao nhiêu trường phái: lập thể, ấn tượng, siêu thực… Bây giờ nên chọn đi con đường nào? Trong lòng anh cứ nặng nề, đau đáu, chọn cho mình một lối đi. Cứ thế rồi dòng đời vẫn trôi, vẫn vẽ, vẫn đa mang với các nghề dịch vụ để kiếm cơm nuôi gia đình. Rồi đến cuộc thi sáng tác, cũng vẽ, cũng gửi thi, giải thưởng thì cũng có, từ địa phương đến trung ương đều có, nhưng trong lòng vẫn canh cánh một điều: đâu là lối đi riêng cho mình? Trong lòng anh, ngày càng đau đáu, càng nặng nề hơn.
Họa sĩ Lê Vũ và một số tác phẩm của anh. |
Thế rồi dịp may ấy đã đến, cái duyên ấy đã đến với anh. Đó là ngày 19.5.2000, anh tháp tùng đoàn văn hóa - thông tin của tỉnh Khánh Hòa, vào TP.Hồ Chí Minh tham dự hội chợ - hội thảo - triển lãm toàn quốc, chủ đề “Triển vọng Việt Nam 2000-2010”. Sau buổi khai mạc, anh cùng bạn bè lang thang qua các gian hàng, vô tình ghé vào phòng CLB của những người yêu thích thư pháp, xem tranh, và tự nhiên, anh dừng lại trước bức thư pháp thể hiện chữ Ngộ… Nét bút, con chữ toát lên cái thần về chân dung của đấng minh triết, với giọt nước mắt vô thường, hiện ra đơn giản và tinh lọc toàn bộ khuôn hình. Và bỗng dưng, anh “ngộ” ra một điều. Cái hồn chữ Việt, ngoài thư pháp ra, còn có thư họa chân dung. Sau khi xem chữ Ngộ xong, trong lòng anh sung sướng không tả được. Nó cứ lâng lâng, bồng bềnh trong suốt thời gian anh lưu lại TP.Hồ Chí Minh. Và rồi, con đường nghệ thuật của anh đã chuyển sang trang mới, từ đây!...
Từ say mê đến kỷ lục
Sau chuyến đi TP.Hồ Chí Minh về, anh lập tức thể hiện ngay tác phẩm cho riêng mình. Lấy ý từ chữ Ngộ, anh muốn thêm chữ Giác, cùng chung trong một bức thư họa chân dung của đức Phật. Song, nghĩ thì dễ chứ làm không dễ chút nào. Thế là ngày đêm anh lại vẽ vẽ, xóa xóa, đau đáu cả tháng trời, cuối cùng cũng vẽ được chữ Giác, đơn giản vẽ vài nét như mái tóc và dái tai to lớn của bậc giác ngộ. Sau khi vẽ xong, anh đi tới đi lui, ngắm nhìn tác phẩm của mình, hài lòng và thốt lên: “Được rồi!”. Giới nghệ sĩ trong tỉnh đến xem, ai cũng ca ngợi. Trong lòng anh nhẹ nhỏm, như trút được gánh nặng bấy lâu nay. Hiện nay, chữ Giác Ngộ này được nhiều người theo đạo Phật trong và ngoài nước photo treo trong nhà, có nhiều người để trên bàn thờ.
Ngưng sáng tác một thời gian ngắn như để lấy lại sức, rồi như được đà, anh ngày đêm miệt mài sáng tác, lại cho ra đời chữ Từ Bi, Bác Ái, Phật Di Lặc, Bồ Đề Đạt Ma… Rồi thư họa về các danh nhân, nghệ sĩ trong và ngoài nước. Anh chia sẻ về nghề nghiệp rằng, cái khó nhất của người họa sĩ vẽ chân dung là nắm được cái thần, đôi mắt. Song, người vẽ thư họa bằng chữ Việt lại càng khó hơn. Có những chân dung chỉ cần anh phác thảo, chấm mực, vẽ là xong ngay. Có những bức chân dung anh vẽ đi, vẽ lại nhiều lần mà không được. Ví như bức chân dung Bồ Đề Lạt Ma, anh vẽ, anh xóa, anh lại vẽ đến chín đêm ròng rã mới hoàn thành. Vẽ xong, nhiều ngày đêm sau đó, hình ảnh chân dung Bồ Đề Lạt Ma còn lởn vởn trong đầu.
Tích tiểu thành đại, năm 2002, anh tổ chức triển lãm cá nhân với 52 bức thư họa đầu tiên với chủ đề: “Hồn Chữ Việt”. Anh chỉ nghĩ đơn giản kỷ niệm 52 tuổi của mình. Song, triển lãm được bạn bè và báo chí trong nước ca ngợi. Hào hứng, anh tiếp tục vẽ và đến năm 2004, anh lại tổ chức triển lãm cá nhân 60 bức thư họa, 60 bức chân dung văn nghệ sĩ với ngụ ý 60 năm cuộc đời. Kế tiếp, năm 2009, anh tổ chức triển lãm cá nhân trên 100 bức thư họa chân dung cùng chung một chủ đề “Hồn Chữ Việt”. Ghi nhận công sức của anh, năm 2010, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận anh đạt kỷ lục: “Người vẽ thư họa danh nhân nhiều nhất”. Đối với kỷ lục ở Việt Nam, thường thì từ nhỏ, từ ít làm cho to nhất, nhiều nhất, rồi thành kỷ lục. Ví như, đòn bánh tét từ nhỏ rồi người ta làm ra to nhất và dài nhất. Còn lấy chữ Việt tạo hình thù, anh là người đầu tiên. Sắp tới, anh dự định triển lãm cá nhân và ra cuốn sách màu 100 bức thư họa danh nhân thế giới, đã dịch ra song ngữ Việt - Anh, được NXB Hội Nhà văn cấp giấy phép.
Hiện nay, nhiều người mê thư pháp, thư họa đặt hàng anh vẽ để treo trong nhà. Chia sẻ với tôi về con đường nghệ thuật của mình, anh khiêm tốn: “Thư pháp, thư họa nước mình có từ lâu rồi. Trên nền tảng đó, tôi dùng chữ Việt, phát triển thêm thành con đường nghệ thuật cho riêng mình mà thôi!”. Hỏi anh có thường về quê Quảng Nam không, anh bảo: “Mỗi năm vài ba bận, tôi thường hay về quê ăn đám giỗ, vì ngoài đó tôi còn bà chị ruột và mấy đứa cháu cũng trong ngành nghệ thuật. Mỗi lần về, thấy quê hương đổi thay, phát triển và giàu có, vui thì có vui, nhưng trong lòng mình cũng buồn buồn vì những kỷ niệm xưa cũ không còn nữa. Mà biết làm sao được, cuộc sống luôn thay đổi, đi lên!...”.
LÊ ĐỨC QUANG