Ngô Văn Lại: Người sót lại của một thời học cũ

MINH ĐIỀN 02/10/2016 10:06

1. Trước chính điện nhà thờ tiền hiền làng Phong Lệ (nổi tiếng ở Hòa Vang xưa), có treo đôi câu đối:

“Sổ bách niên trường hà hồng hưu, tích thụ kim hoa, tứ diện hoàn quan tân cảnh sắc;
Thập tam tộc tương an nhạn trạch, nông trù sĩ đức, thiên thu tín mỹ cựu giang sơn”.

(Dịch nghĩa: Mấy trăm năm gánh mãi ơn lớn, cây xưa hoa nay, bốn mặt sáng sủa cảnh sắc mới;
Mười ba họ êm thấm ở đầm nhạn, ai chăm việc nấy, ngàn năm đẹp đẽ nước non xưa).

Ông già nói, ở các làng xã người ta hay truyền khẩu về sự tích của những di tích, hoặc những giai thoại gắn với danh nhân, vua chúa. Chuyện đó mười phần xạo hết chín, nghe chơi chớ đừng nên tin là thiệt. Nhưng câu đối này, có cơ sở để tin là của Cao Bá Quát.

Thì người làng Phong Lệ xưa nay vẫn truyền tụng, rằng năm xưa ông danh sĩ họ Cao tới đây thăm bạn, một người bạn họ Ông (là chú bác gì đó của ông tướng Ông Ích Khiêm trứ danh), họ Cao đã tức cảnh trước sự trù phú của làng xóm, múa bút tặng làng đôi câu đối ca tụng công đức tiền hiền.

Ông già nói thì đáng tin lắm. Lại nói về bút pháp Cao Bá Quát nữa. Tôi nhớ là ông đã tự in một tập (bản thảo) hơn 300 bài thơ ông dịch của họ Cao. Trước đó một số bài thơ dịch này đã được xuất bản cùng với nhiều dịch giả khác, trong tập Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, chừng mươi năm trước. Đến nay ở Việt Nam, ông là người dịch Cao Bá Quát nhiều nhất, những người khác dịch vài bài, riêng ông lên tới vài trăm, quá đỉnh. Không chỉ dịch, ông còn luận giải, góp ý những chỗ sai của các dịch giả khác, bằng những lý lẽ đủ thuyết phục.

Ông từng nói với tôi, đời tao mai này còn để lại chút gì gọi là “khởi sắc”, thì cũng nhờ việc dịch Cao Bá Quát, ăn theo ổng vậy thôi. Nghe vậy để biết công trình này quan trọng và nghiêm túc đối với ông thế nào. Tôi cũng nghĩ hẳn phải thế, những người bập vô dịch thơ Cao, rồi đều phải lắc đầu than thở, thơ ông này khó gặm. Vì ổng giỏi chữ quá.

Nhưng ngoài đó ra, ông già còn làm nhiều chuyện lắm nữa, chẳng thể biên kê ra hết ở đây được. Kể chuyện ông lai rai mà nghe chơi thôi.

Tự nhiên nghĩ về ông, một vị túc Nho lặng lẽ trong thời buổi thiên hạ không còn phân biệt được cái chữ Nho trong quốc học với thứ sinh ngữ của nước láng giềng, lại cảm thấy ông như một di sản đáng quý trọng, mà hắt hiu như ngọn đèn dầu đặt trước cái quạt điện. Ước chi những trước tác của ông được xuất bản, có thể sẽ giúp được phần nào tháo gỡ định kiến của số đông về một nền học sâu xa, thú vị của dân tộc mình.

Tức là ông nói, ông xác nhận câu đối kia của Cao Bá Quát, vì cách nói “trường hà hồng hưu” - gánh mãi cái ơn lớn. Ơn thì thọ, nhận, mà kính mà tạ, đây lại nói gánh, gánh mãi, nó rất ngông ngạo, khẩu khí của người rất kiêu. Và câu “tương an nhạn trạch” - nhạn trạch là nơi con chim nhạn (vịt trời) di trú đến, ở lại sinh sống, cũng giống như mười ba họ tộc tiền hiền làng Phong Lệ xưa di cư từ Bắc vào Nam, cùng chia sẻ cuộc sống ở làng này. Đó vừa là khen vùng đất hứa, vừa là khen cái sự thuận hòa của làng vậy. Nên đó, là cách nói của danh gia, chứ những tay Nho sĩ làng quê khó mà viết nổi.

Tôi không nhất định phải tin đó là chữ của Cao hay không, nhưng nghe lý giải của ông sâu xa thú vị, thì thích. Và nhìn ông, tôi cứ hình dung cái vẻ ngông ngạo của tay ba bồ chữ Cao Bá Quát, như đang vận vào ông vậy.

Ông cũng rất ngông và ngạo. Ông là Ngô Văn Lại, khi viết hay dịch thì ký bút danh là Thái Trọng Lai. Có lẽ nhiều người từng biết tới bút danh đó.

2. Hiện nay ở Đà Nẵng, tôi biết có hai người Hán học thâm hậu khó ai sánh được. Là ông và ông Ngô Khôn Liêu. Cả hai ông đều là sinh viên khóa đầu tiên của Viện Hán học Huế (1959), tức là những người chuyên Hán học đầu tiên của thời hậu khoa cử. Ông Liêu thì tôi chưa có duyên gặp gỡ, còn ông, Ngô Văn Lại, tôi gọi ông là thầy, dù ông chẳng dạy tôi chữ nào hết. Gặp, đi chơi, nói chuyện tầm phào với ông vài buổi, cũng bằng cắp sách dùi mài ở trường đại học hàng năm trời. Tôi tin vậy.

Cái Viện Hán học của ông ngày đó, sau bị giải thể, ông chuyển qua Đại học Sư phạm Huế, rồi ra đi dạy văn ở các trường tư thục từ Đà Nẵng đến tận Nha Trang. Sau 1975 được lưu dụng vài năm, ông ném phấn về đi bán cà rem, vì xung đột khó điều hòa với lãnh đạo. Ông kể, có lần đạp xe leng keng với thùng cà rem dọc đường, gặp học trò, thầy trò nắm tay nhau mà khóc.

Rồi ông vào Sài Gòn, ra Huế dịch sách thuê. Đủ thứ, từ giáo trình tiếng Hán, đến tiểu thuyết, sách lịch sử, kinh Phật... Ai thuê gì dịch nấy, rồi để họ đứng tên xuất bản, ông chỉ nhận tiền “gia công” như một người thợ dịch.

Tôi đến chơi với ông nhiều lần, thấy ông ngồi làm việc. Những cuốn sách nguyên bản chữ Hán bày ngổn ngang trên bàn. Tập giấy và cây bút. Ông viết chữ đều đặn, ngay ngắn, chậm rãi. Công cụ của thầy đâu? - Ông chìa cho tôi cuốn từ điển chữ Hán loại bỏ túi cũ mèm bị lấp dưới đống giấy tờ. Đó. Trời đất. Một dịch giả chữ Hán mà chỉ xài có mỗi cuốn từ điển phổ thông. Không Khang Hy, không Thiều Chửu, không Đào Duy Anh... Mấy thứ đó học rồi, nó nằm trong đầu, tao chỉ tra một vài thứ khi cần dịch tiếng Hoa thôi - ông nói.

Ông sống một lối điềm đạm, và khó tính trong giao du. Lương y Phan Công Tuấn, người “tiến dẫn” cho tôi gặp ông ngày đầu, nói, anh đưa em gặp thầy, còn có hạp mà chơi không thì... tùy duyên. Nhưng tôi kể ra cũng là đứa có duyên chơi với mấy ông già, được cái nết biết nghe và đôi khi cũng gợi hứng cho các cụ bằng vài câu hỏi sáng sủa. Nên ông đón nhận và coi tôi khá là “tri kỷ”.

Dạo tôi còn rảnh rỗi, hầu như tuần nào cũng chạy lên ông. Hai thầy trò đi ăn sáng, uống cà phê nói chuyện trên trời dưới đất. Vào chuyện rồi thì ông rất cởi mở và sảng khoái. Cách ông nói chuyện trẻ trung, nhưng chuyện ông nói thì rất “văn phạm”. Đều có đầu đuôi gốc ngọn rõ ràng, có dẫn có giải, có bình có kết...

3. Và ông viết văn có duyên nữa. Không làm thơ luật như mấy cụ cao niên, ông chỉ viết tạp văn. Giọng văn ông củ mỉ mà hóm hỉnh. Và mọi chuyện ông kể lại đều như dưới một cái nheo mắt hài hước, đậm chất tự trào. Những chuyện tỉ mỉ trong ký ức cuộc đời 80 năm, ông nhẩn nha chép lại, vừa kể vừa suy ngẫm. Hay những đề tài văn chương lịch sử, một điển cố, một sự kiện, một kiến giải của ai đó về chuyện nọ chuyện kia mà ông không tán đồng... Tất tật ông đưa vào tạp văn, và gom thành tập.

Đến nay trong tay tôi đã có được 7 tập tạp văn Thái Trọng Lai, dày mỏng độ từ 200 - 300 trang mỗi tập. Ông cứ viết tay, nhờ đánh máy và in photo vài cuốn tặng bạn bè con cháu vậy đó. Hỏi thầy có định xuất bản không? Ông không trả lời, chỉ nói tao viết cho vui, ai đọc vui thì đọc. Huề vốn!

Trong những viết lách của ông, có một số có thể gọi là tranh luận học thuật nữa, tất nhiên trong lĩnh vực ông chuyên sâu là văn sử. Ông bình luận về các nhân vật, sự kiện lịch sử bằng cái nhìn rất riêng, nhiều khi độc đáo. Về chuyện đọc sách mà truy tầm tri thức, ông thường nhắc câu của Ban Cố - tác giả Hậu Hán thư: Đừng bao giờ cho một điều là đúng vì nó đi vào đầu mình trước tiên. Nghĩa là phải luôn biết phản biện và phản tỉnh, và phải cập nhật mình liên tục để khỏi sai lầm. Vì bể học vô bờ, không ai dám nói ta đã biết đủ cả.

Nhưng nhiều khi cá tính mạnh mẽ của ông trong học thuật lại đẩy ông đến chỗ cực đoan. Những suy luận, kiến giải của ông để bẻ lại những nhận định cũ nhiều khi đi quá trớn, bỏ rơi luận chứng, thành một kiểu tiểu thuyết hóa lịch sử. Mà chuyện đó cũng không sao cả, vì ông chưa bao giờ nghĩ mình là một học giả, nhà nghiên cứu hay đại loại với danh xưng nào đó. Ông chỉ viết những điều ông nghĩ, ông suy, và coi những đó chỉ là “ý kiến tham khảo”, như tôn chỉ của ông về việc học: Không câu nệ và không tin mù quáng. Rồi tôi lại thấy những điều ông đặt ra như giả thuyết, sẽ gợi hứng rất nhiều cho những nhà nghiên cứu thực thụ.

MINH ĐIỀN

MINH ĐIỀN