Nhà thơ Du Tử Lê: Sâu ba nghìn dưới sóng lăn tăn
“Có lần người bạn trẻ tên Đức tới chơi, cô xin lỗi nhé, chỗ thân mật nên cô gọi đùa là Đức Cống. Chú bật cười ha ha thú vị lắm. Cô hỏi, anh cười cái gì? Cười vì em nói Đức Cống đó! Vậy anh hiểu sao mà cười? Ha ha, thì em nói thằng Đức nó chui dưới cống...”.
Chân dung Du Tử Lê - Đinh Cường vẽ. |
Bạn có thấy câu chuyện “bất khả vãn hồi trong lặng lẽ vây quanh” không?
Nói văn vẻ vậy thôi, chứ chúng tôi lặng lẽ gì nổi? Phải cười to một trận đã đời trước nụ cười ngượng ngập của nhân vật chính, mà hình như ông cũng chưa hiểu ra vì sao chúng tôi lại cười ông dữ vậy.
Phu nhân, người vừa kể câu chuyện trên, tặc lưỡi, đó chỉ là một trong vô vàn chuyện ngây ngô của chú thôi, có kể cả ngày cũng không hết. Rồi bà chốt hạ một câu, chú làm thơ hay, nhưng trong cuộc sống ứng xử nhiều khi như một đứa trẻ 10 tuổi.
Tôi thì nghĩ, 10 tuổi đã là quá già dặn rồi, so với vài giai thoại tôi được nghe thêm về ông Du Tử Lê.
Sòng phẳng mà nói, thế hệ chúng tôi lớn lên, ngoài việc thụ hưởng những sản phẩm văn hóa đương thời, nhiều người còn dung nạp một phần lớn thẩm mỹ của nền văn nghệ miền Nam trước 1975. Nhiều tên tuổi nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ thời đó đã trở nên quen thuộc với chúng tôi. Nhưng chúng tôi tiếp nhận những điều đó một cách hơi yếm thế, rằng chúng tôi đang vay mượn những cái đẹp của thế hệ khác, thậm chí của một thế giới khác. Dĩ nhiên những thành quả nghệ thuật không giới hạn biên giới, thời đại. Cảm giác riêng tư đó của tôi, có lẽ vì cái tâm thế tạo nên từ môi trường chung của thời tôi sống.
Bao nhiêu năm nghe và nghêu ngao những bài hát phổ thơ Du Tử Lê. Khúc thụy du, Trên ngọn tình sầu, Giữ đời cho nhau, Tôi xa người, Tình sầu Du Tử Lê... Những bài hát đi qua tuổi trẻ, mà cứ nghĩ về các ông thơ, ông nhạc ấy như là bóng, là vang của một thời rất xa, khó chạm tới.
Vậy mà với một chút duyên, không liên quan mấy đến thơ nhạc, tôi gặp ông và phu nhân một chiều tháng 8.2016 ở Huế, khi ông bà về dự buổi gặp gỡ “Du Tử Lê và bằng hữu” do tạp chí Sông Hương tổ chức. Chưa kịp cung kính bày tỏ cái hạnh ngộ, thì được phu nhân cập nhật cho về người thơ như vậy đó. Và nhìn ông cười hiền lành “cam chịu” cái ngây ngô gây cười của mình, chắc ông đã quen dù không hiểu rõ lắm.
Tôi ngờ rằng có lẽ vì bén duyên văn chương quá sớm, hình như 16 tuổi ông đã có thơ đăng báo, và nhanh chóng khẳng định tên tuổi trên trường văn, rồi suốt cuộc đời dốc hết năng lượng cho văn chương, cho thơ, nên những “kỹ năng” khác gọi là cần thiết cho cuộc sống xã giao, ông dường như không lưu ý lắm.
Vậy nhưng tôi cũng kịp nhận ra cái tinh tế phía sau sự vụng về ngây ngô của ông. Ngày ông đến Đà Nẵng, các bạn yêu thơ Du Tử Lê hẹn nhau đến với ông một buổi café. Dù ông luôn sẵn sàng với tất cả mọi người, cũng khó mà giao tiếp hết với chừng 20 người đang quây quanh, trẻ già măng tre đủ cả. Anh Đinh Lê Vũ đến theo lời rủ của một bạn thơ, dù khá ngại vì anh biết khó mà nói năng gì trong những buổi hẹn hò như vậy. Vũ đến giữa chừng cuộc hội nên nhà thơ không kịp chuyện trò, nhưng sau đó ông nhắn mời riêng anh đến gặp tại nhà một người bạn, trong vòng thân mật, để “làm quen”. Vậy đó, Du Tử Lê có thể rất vụng, nhưng ông không thiếu tế nhị và sự quan tâm, và nhất là ông chẳng hề cảm thấy mình tiên trưởng lớn lao gì để kiêu bạc phớt lờ một mối giao lưu với bọn hậu bối.
Sáu mươi năm làm văn chương, Du Tử Lê đã in khoảng 70 tập sách, phần lớn là thơ. Có kể luôn những tập thơ được tái bản nhiều lần, thì dù sao con số đó cũng là một điều đáng mơ ước của bất cứ người cầm bút “chuyên nghiệp” nào.
Nhưng những con số, có thể khiến người ta lầm lẫn. Có cần kể ra không, rằng thơ ông đã từng đăng trên các tờ báo lớn của Mỹ như là tác giả châu Á đầu tiên có vinh dự đó, vào cả giáo trình đại học, và các tuyển tập uy tín nhất? Hẳn điều đáng kể là Du Tử Lê đã thực sự “cày cuốc” nghiêm túc và bền bỉ trong chừng đó thời gian, với thơ. Mà không cũ.
Những người làm thơ và đọc thơ biết rằng, sự lặp lại, nhàm chán trong sáng tạo thơ ca là thứ giết chết thơ nhanh nhất. Tạo được giọng điệu riêng đã khó, bỏ cái giọng điệu đó đi, vượt qua nó, gây dựng một phong cách khác... còn khó hơn bội lần, nhất là với người từng có một “thương hiệu” trong lòng độc giả. Người ta từng xếp Du Tử Lê là một trong ba, bốn nhà thơ có ảnh hưởng nhất ở miền Nam trước 1975, nghĩa là ông đã có thương hiệu. Nhưng ông không vì vậy mà cứ giữ mình cũ mãi. Cũ mãi, thì không đi được xa, hoặc có đi, thì rồi bạn đồng hành cũng chán mà rẽ hướng khác.
Cái hạnh phúc của người viết, là có độc giả. Tôi nhìn thấy độc giả của Du Tử Lê rất đa dạng, nhiều thế hệ. Họ chỉ vì yêu thơ ông mà tụ họp lại, như trong những dịp gặp gỡ tôi nói đến vừa rồi.
Làm mới thơ, nghe rất to tát. Nhưng dịu dàng như thơ mình, Du Tử Lê không gồng lên tuyên ngôn hay phá phách gì. Ông chỉ tìm những sắc thái mới cho những thể điệu vốn có. Những dấu chấm, phẩy, những gạch chéo ngắt giữa câu thơ, những vắt dòng đột ngột... được ông sử dụng khiến câu thơ xốc lên, bị xô lệch, bật, nẩy... tạo cảm xúc mạnh mẽ hơn; những liên tưởng bị rẽ nhánh, bất ngờ, bị thúc ép thành một biểu cảm mới. Nhìn thái độ của Du Tử Lê với thơ, nhìn cách ông nói về từng từ từng chữ, người ra có thể nhận diện được những ngộ nhận khiến cho cái việc làm thơ đang dần trở thành một thứ trang trí, một sự tha hóa trong công việc sáng tạo. Và tin thực rằng thơ luôn có vẻ đẹp của một nghệ thuật không thể hư hại. Ở khía cạnh này, Du Tử Lê không hề bối rối hay ngây vụng gì hết. Ông nói chuyện khúc chiết với một quá trình chiêm nghiệm dài, như chính là người đã dùng cả đời mình để tận hiến, bồi đắp, biện hộ cho thơ tất cả. Vẻ hiền hòa bên ngoài nếp người ông chỉ là bề mặt lăn tăn trên một tầng sâu thẳm, nồng hậu.
Có một điều hiển nhiên nữa, mà khó thể nói rõ ràng được. Đó là thơ Du Tử Lê dường như ẩn nhiều nhạc tính. Một nhà thơ có vài bài thơ được phổ nhạc, có thể nói vì tình cờ. Thơ Du Tử Lê được phổ nhạc, tính sơ sơ tầm 300 bài. Rất nhiều bài hát chắp cánh từ thơ ông có thể xếp vào hàng kinh điển cho một nền âm nhạc, trong gia tài của những nhạc sĩ tài danh, như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Từ Công Phụng... Cái duyên thơ - nhạc đó từng có nhiều người nói đến, tôi không am hiểu nhiều, chỉ nhắc đến với ý nghĩ rằng, “phải thế nào mới thành ra thế ạ!”.
Ở tuổi gần 75, Du Tử Lê vẫn viết đều, thơ và khảo luận văn chương. Sức sáng tạo còn thanh xuân chẳng nề hà tuổi tác. Ở đây tôi muốn nhắc một chút đến người bạn đời - bạn đường của ông, người tôi gọi là phu nhân đó. Cô Hạnh Tuyền, người vợ từng trải với ông một mối tình chia cắt gần 20 năm, có thể nói là “người tổ chức mọi điều kiện” để sự nghiệp Du Tử Lê được bền bỉ mà thăng hoa đến nay. Bà chăm chút ông, phải nói là “chăm bẵm” mới đúng, từ đời sống hàng ngày đến các hoạt động văn nghệ. Vừa chăm vừa lắc đầu âu yếm với những cơn ngây ngô trẻ dại của nhà thơ. Có lẽ xuất thân là cô giáo văn chương từ trường Sư phạm Huế năm xưa, là cái tiền duyên gắn bó bà với ông, và khiến việc giúp đỡ công việc của ông trở nên nhẹ nhàng, nhiều thông cảm hơn.
MINH ĐIỀN