Đinh Anh Dũng: "Hạnh phúc với chọn lựa của mình..."

SONG ANH 11/09/2016 13:13

Đinh Anh Dũng, tóc buộc đuôi ngựa, màu đã sương giăng, nụ cười và gương mặt hiền như một chiêu trà sớm. Chuyện làm phim ca nhạc hay đạo diễn sân khấu bây giờ, với Đinh Anh Dũng, đã thuần như một bữa cơm không phải cất công chọn lựa quá nhiều.

Chân dung đạo diễn Đinh Anh Dũng.
Chân dung đạo diễn Đinh Anh Dũng.

Những bộ phim… từ trong máu thịt

Hơn 10 năm Đinh Anh Dũng quay về Việt Nam và chọn ở hẳn, sau một cuộc “bỏ ngang” phim ảnh khá nhiều tiếc nuối, người đạo diễn – “kẻ thất bại tử tế”, đã tự mình vun cho tròn trịa một con đường mới. Nắng chiều đã lùi. Nhưng hoàng hôn còn dùng dằng chưa tắt. Ánh sáng lúc này, dễ đơn độc lặng thinh. Và dễ, để người thỏa hiệp cùng hoài niệm. Đinh Anh Dũng, nhìn buổi hoàng hôn này mà “tưởng niệm” ký ức của mình. Thời buổi của sự lên ngôi về độ hoành tráng, màu sắc lập lòe và chuộng bề nổi hơn chiều sâu, khiến người ta dễ buộc mình phải nghĩ lại về ngày hôm qua. Trên lộ trình của những cuộc đi cùng hình ảnh, ký ức, và đam mê, thì tiếng tăm hay niềm vui, vút bay. Còn nỗi buồn, thì giữ ở lại bên mình. Thứ này chen chúc thứ kia, hình nhân này chồng lấn lên dung nhan kia… Bây giờ, ngồi nhớ lại những “dung nhan” văn nghệ đã từng đi vào ống kính của mình, Đinh Anh Dũng buồn nhiều hơn vui. Bởi cuộc đưa tiễn họ mỗi ngày một dày hơn.

Tiếng tăm nhiều trong giới, người chuyên trị những “ca khó” của nền nghệ thuật Việt. Khó không phải vì thành tựu nghệ thuật của người này người kia, không phải vì độ hoành tráng của lễ hội hay sự kiện. Khó, bởi để giữ hay cả chuyển tải hồn vía của người ta vào phim ảnh, dấu ấn của lễ lạt… phải là người tinh nhạy mới nắm bắt được. Những năm 1990, người ta biết đến Đinh Anh Dũng bởi các dòng phim ca nhạc, về Văn Cao, Đoàn Chuẩn Từ Linh, sau này là “Phạm Duy - ngày về”, quay ròng rã trong vòng 6 năm, từ 2006 – 2012.  Riêng với cây đại thụ của nền nhạc Việt - Văn Cao, người yêu nhạc ông chắc sẽ còn giữ trong ký ức mình hình ảnh gầy guộc của vị nhạc sĩ bên cạnh những mái ngói thâm nâu, lá bàng thâm nâu đậm màu Hà Nội. Và cả cái dáng ngồi cô đơn bên ly rượu, hay lúc tay mê mải trên những phím dương cầm. Là Đinh Anh Dũng đã tạc họa nên một Văn Cao đời thực, người thực, nhưng lại mơ màng, dìu dặt như Bến xuân, và có lẽ, cũng đã là nỗi “buồn xa vắng trong tiếng đàn”… Mỗi tên tuổi, mỗi cá tính, Đinh Anh Dũng có cách riêng để khai phá tâm hồn họ, đến tận cùng. Không thể lý giải thứ gọi là trời cho, nhưng ở anh, ngoài sự tinh tế trong cảm nhận, trong bản năng, còn có tình yêu đặt để trong mỗi chân dung anh chọn để ghi nhặt cuộc đời họ. Là nhà quay phim trẻ nổi tiếng tài hoa ở mảng phim truyện và tài liệu nhựa thập kỷ 80, nhưng Đinh Anh Dũng lại được coi là người mở đường cho phong trào làm phim ca nhạc ở Việt Nam. Từ Văn Cao - giấc mơ một đời người, Trịnh Công Sơn - xin trả nợ người, Nhớ về Hà Nội, Đoàn Chuẩn Từ Linh - gửi gió cho mây ngàn bay, Văn Cao - buổi sáng có trong sự thật, Nhớ Huế... đến ngay khi sống tại Mỹ, ở cộng đồng người Việt tại đây, Đinh Anh Dũng cũng kịp ghi lại những tháng ngày cuộc đời của những người nghệ sĩ hải ngoại.

Thử nhìn lại những “đứa con lai” của điện ảnh và phim tài liệu, ca nhạc mang mác Đinh Anh Dũng, từ “Lời cuối” (Bông sen bạc LHP VN năm 1983), “Một phần năm mươi giây cuộc đời” (Bông sen vàng LHP VN 1985), “Người Công giáo huyện Thống Nhất” (Bông sen vàng LHP VN 1985)... và 5 năm quay phim truyện nhựa với những bộ phim tiếng tăm như “Gánh xiếc rong” (Bông sen bạc LHP VN 1990), giải Grand Prix ở Tây Ban Nha 1988 và bằng khen tại Italy 1999; “Phía sau cuộc chiến” (bằng khen LHP Quốc tế Matxcơva 1990); “Xương rồng đen” (Bông sen vàng LHP VN 1993); “Lương tâm bé bỏng” (Bông sen bạc LHP VN 1993); Đường trần (giải nhất VIFF - LHP dành cho Việt kiều trên toàn thế giới 2003)... Những khuôn hình không mực thước, bố cục không hoàn hảo đến mức chỉn chu, nhưng hoàn toàn lại thuyết phục cảm xúc của công chúng lẫn nhà chuyên môn. Vì, mỗi một thước phim từ một người đạo diễn xuất phát điểm là nhà quay phim có nghề, tài năng, đủ sâu lắng để chạm đến mọi ngóc ngách của tâm tính mỗi người. Cái tên Đinh Anh Dũng, mặc nhiên được lựa chọn là đại diện ưu tiên cho những bộ phim ca nhạc cần linh hồn, cá tính, chiều sâu và cả sự ngăn nắp. Mặc dầu, trông ông làm phim, không nhất nhất phải lịch này bước kia, phải cái nào trước, nào sau…

“Tôi luôn muốn làm việc”

Và hãy tạm dừng những MV (music video) ca nhạc luôn luôn được xếp ngăn đầu trong những bảng xếp hạng âm nhạc của người mộ điệu những tên tuổi lớn, mà nghe Đinh Anh Dũng kể về chuyện làm chương trình ca nhạc, lễ hội, sự kiện, với vai trò là một đạo diễn sân khấu. Là “Sen” của một chương trình mang tên “Duyên dáng Việt Nam”, như mang cả quốc hồn quốc túy lên sân khấu. Không nặng nhẹ trình diễn, áo xống, mà thiên về tính mỹ đã có sẵn trong mỗi người, chỉ cần gợi lên, bằng những giản dị, bằng sự chân thành. “Đạo diễn điện ảnh là người viết một cuốn tiểu thuyết, đạo diễn phim ca nhạc là người làm một bài thơ. Còn đạo diễn sân khấu cũng có sự hấp dẫn riêng của nó. Một đạo diễn điện ảnh khó mà nghe thấy tiếng vỗ tay với từng “xen” ưa thích kỳ công của mình, nhưng đạo diễn sân khấu thì ngày lập tức, và đó cũng là một thứ doping! Một đạo diễn điện ảnh có thể làm lai rai, phim đi chiếu vẫn có thể quay thêm, edit lại, sân khấu diễn ra trong hai tiếng đồng hồ và không có cơ hội làm lại. Nếu một bộ phim là cuộc chạy marathon thì sân khấu như cuộc chạy 100m ấy” - Đinh Anh Dũng nói.

Và trong cuộc chuyện trò ở một buổi chiều đầu thu của xứ Quảng, Đinh Anh Dũng nói chưa bao giờ ông hối tiếc về những lựa chọn của mình. Lựa chọn từ một người quay phim tài ba để trở thành một đạo diễn phim ca nhạc, phim điện ảnh. Lựa chọn rời khỏi Việt Nam ngay khi những tác phẩm của mình trở nên ăn khách nhất. Và sau đó, lại lựa chọn trở về khi thị trường phim ảnh đã trở nên bão hòa. “Nhưng với mỗi sự lựa chọn, tôi đều luôn cảm thấy hạnh phúc. Tôi ở Mỹ học được rất nhiều về phim ảnh. Trở về lại có cơ hội thực hành những trải nghiệm. Có người hạnh phúc khi vui vẻ với vợ, có người hạnh phúc với con, còn tôi, tôi được chọn lựa không phải là hạnh phúc ư?” - ông nói. Bây giờ, thời gian của Đinh Anh Dũng như trải dài trên khắp đất nước. Lúc thấy ông áo pull quần lửng chỉ kỹ thuật chỉnh phông sân khấu chỗ này, chỗ khác. Lúc lại đọc thấy tên ông ở vai trò đạo diễn sân khấu của một Festival hoành tráng phía Bắc. Lúc Sài Gòn, lúc lại Đà Lạt. “Hiện tại thì nhà ở Đà Lạt, vì mình thích khung cảnh ở đó. Yên bình. Nhưng không dành hết cả thời gian để tận hưởng. Vì tôi luôn muốn làm việc, luôn muốn thử thách chính mình khi còn đủ sức và lực”, Đinh Anh Dũng chia sẻ. Trên cương vị của một người đạo diễn sân khấu, quả nhiên Đinh Anh Dũng đã không làm nhiều người từng yêu mến anh qua các bộ phim điện ảnh hay phim ca nhạc thất vọng. Từ những chương trình Liên hoan phim Việt Nam đình đám, đến các sự kiện như Duyên dáng Việt Nam, Festival Hạ Long, Festival Hành trình di sản…, mỗi một sân khấu lại mang sự khác biệt với sức sáng tạo không ngừng của Đinh Anh Dũng.
Quê xứ Quảng Ngãi, và cũng không lạ gì với Quảng Nam. Đã từng là đạo diễn của lễ hội Hành trình di sản Quảng Nam những năm đầu tiên. Hai lần về góp sức cho chương trình kỷ niệm của TP.Tam Kỳ. Hỏi Đinh Anh Dũng ấn tượng gì đất này, ông nói “về già, tôi sẽ sống ở Hội An”. “Đó là một mảnh đất có ký ức, hiện đại gói trong cũ kỹ. Tôi thèm ký ức lắm!”. “Và nhiều lễ hội?”, tôi hỏi. “Mình làm nhiều lễ hội, nhưng mình luôn nghĩ, và chắc chắn đúng, là lễ hội chỉ phản ánh sự kiện, phục vụ sự kiện, không bao giờ là bản sắc của vùng đất. Lễ hội mới bây giờ cũng không thể kích thích du lịch, như lời nhiều quan chức nói. Bản sắc của vùng đất không phải là thứ dễ dầu diễn tả được” - ông nói. Luôn trăn trở và nghĩ sâu, nhìn sâu, nên có lẽ, bất cứ chương trình, sự kiện nào có tên Đinh Anh Dũng, là biết ở đó sẽ có điều gì đó khác biệt, với cái chất riêng của một người đạo diễn có tài và tâm.

SONG ANH

SONG ANH