Minh Luận: Giọng đọc "di sản một thời"
Tôi có cái tính tự gọi là “tò mò lịch sử”. Ấy là rất thích nghe chuyện cũ để hình dung về quá khứ của những vùng đất, những nơi chốn có dịp đặt chân tới. Vừa rồi tôi có dịp ngồi với một anh Việt kiều Mỹ. Và điều khiến tôi ngạc nhiên nhất trong ký ức của anh về Đà Nẵng những năm 1980 - trước khi anh ra đi - là ngoài những miêu tả về cảnh vật, về đời sống, về những trò giải trí của thanh niên thời đó..., còn có giọng nói của một người.
![]() |
Nhiều người Đà Nẵng lớp tuổi 50 trở lên, vẫn thường nhắc với tôi khi có dịp, về giọng nói của người đàn ông đó. Họ nói, “Chà, cái chương trình Mỗi tuần một chuyện của ông Minh Luận ấy...”. Tôi biết “ông Minh Luận ấy” nổi tiếng, vì ông là phát thanh viên kỳ cựu nhất của Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam - Đà Nẵng (sau này là Đài PTTH Đà Nẵng - DRT). Đến nay ông đã về hưu chừng 20 năm rồi vẫn còn nhiều người nhắc nhớ, trầm trồ về những chuyên mục ông đọc trên sóng phát thanh “hồi đó”.
1. Vài lần trong những dịp lễ lạt, hội họp ở DRT, tôi từng xáp mặt ông Minh Luận. Nhưng hậu bối quá lâu xa, đâu biết ông là ai. Lần đầu thấy ông già nhỏ thó đi lại trong sân, trên hành lang một cách tự nhiên quen thuộc, cười nói nhỏ nhẹ đáp lễ những chào hỏi của mọi người, tôi đã hỏi, ông già đó là ai rứa? - Chú Luận đó! Các anh chị lớn trả lời bằng giọng hồ hởi, pha lẫn âu yếm. Họ chỉ nói, chú Luận đó, tuồng như chừng đó là đủ để giới thiệu với đàn em về một tiền bối lừng danh vậy. Câu giới thiệu gọn nhẹ đó chưa giải đáp cho tôi ông là ai, nhưng đủ cho tôi cảm nhận được ông già này rất được mọi người ở đây yêu mến.
Yêu và kính nữa. Cựu phát thanh viên Kim Ánh, nay là Phó phòng Biên tập DRT, từng làm việc với Minh Luận hơn 10 năm trước khi ông nghỉ hưu. Với vẻ trân trọng và cảm động, Kim Ánh kể về “bố Luận” như là một người có ảnh hưởng quan trọng nhất đến sự nghiệp của chị. “Mặc dù bố Luận không chính thức dạy tụi chị đọc, nhưng bất cứ khúc mắc gì trong nghề chị cũng hỏi bố, được bố chỉ vẽ thấu đáo hết”. Từ cách giữ hơi, nhả chữ, cách xử lý một văn bản trước khi đọc, cách phát âm một từ tiếng nước ngoài, cho đến thái độ nghiêm túc và trách nhiệm khi làm việc..., Kim Ánh và các đồng nghiệp cùng thế hệ tự nhiên mà thấm nhuần trong những năm cùng làm việc với “bố Luận”, tạo thành phản xạ và định hình phong cách phát thanh viên.
Tôi chỉ được nghe chuyện về Minh Luận qua lời kể, nhưng có thể hình dung được phần nào ảnh hưởng của ông trong thời gian tôi làm việc với Kim Ánh, chị cũng có thái độ trân trọng công việc y như lời chị kể về ông. Có lẽ vì vậy chăng, mà chị vẫn đến nhà thăm ông đều đặn, và dù từ lâu không còn làm phát thanh viên nhưng Kim Ánh vẫn là giọng đọc chưa có người thay thế cho những chuyên mục lớn ở DRT?
2. Vậy mà vị tiền bối ấy lại nói nhẹ bâng, tuồng như ông sinh ra vốn sẵn để dành cho cái nghề “lên sóng” đó vậy. “Hồi trẻ bố có học gì đâu, bố đi hát, đi diễn lung tung khắp nơi, có khi tận địa đầu Quảng Trị... Khi một người bạn cũ đang làm quân cảnh, gặp bố trốn lính khổ sở ở Phú Yên, hắn bốc bố vô làm xướng ngôn viên đài phát thanh. Rồi bố làm nghề này suốt 40 năm, qua hai chế độ cho đến khi về hưu”.
- Những kỹ thuật của nghề nghiệp, cũng cần phải có chứ? Không lẽ bố cứ đọc ngang xương vậy mà thành nghề, nổi tiếng được sao?
- Ừ thì ban đầu biết sao đọc vậy, rồi mình rút kinh nghiệm dần dần, cũng đúc kết được vài cái gọi là mảng miếng của nghề...
Nghĩa là ông tự học. Có lẽ cái nghề “đi hát” ban đầu cũng giúp cho ông chút căn cơ để nhập vai xướng ngôn viên. Về chuyện đi hát, ông kể ông là đồng môn và chơi rất thân với hai ca sĩ: Duy Khánh và Hà Thanh. Những năm sau 1975, trước khi xuất ngoại, mỗi lần về Đà Nẵng, Duy Khánh đều tìm ông, gác chân nhau ôn chuyện cũ.
Ngày tôi lại tìm ông trong căn nhà nằm sâu trong một con hẻm khúc khuỷu đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng, ông già Minh Luận 85 tuổi vừa vượt qua cơn bệnh kéo dài. Nhưng chuyện vẫn vui. Những chuyện quá khứ ông lẫn lộn khá nhiều về thời gian, nhưng những dấu mốc quan trọng thì vẫn rành mạch.
Ông vốn người Hội An, lớn lên trong giai đoạn nơi này là cái nôi văn nghệ của xứ Quảng, những năm 1940. Ông còn nhớ như in những phong trào ca múa của thanh niên thời đó, về hội âm nhạc do La Hối chủ xị, về những chuyến Phạm Duy ghé chơi trên đường lưu diễn. Hơn 10 tuổi ông đã luyện tap-dance, môn nhảy gõ gót giày đang thịnh hành, bằng đôi giày do chính cụ thân sinh đóng cho. 15 tuổi đã là một trong những người đầu tiên hát trên đài phát thanh Hội An… Lạ là ông không lần nào xưng mình là ca sĩ, ông chỉ nói “bố đi hát”. Có lẽ giai đoạn tuổi trẻ đam mê ca hát, lên sóng phát thanh hay lưu diễn với bạn bè chỉ là một đoạn vui chơi chưa thành nghiệp. Rồi 17 tuổi chuyển vào Sài Gòn học tú tài, ra làm công chức được vài năm thì bị bắt quân dịch, rồi trốn lính chui nhủi ở vùng núi Phú Yên… cho đến khi cơ duyên bập vào nghề xướng ngôn viên năm 1957.
Ông đọc phát thanh ở các đài từ Phú Yên, Bình Định, đến Huế, rồi Đà Nẵng. Từ 29.3.1975 ông được lưu dụng ở Đài phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng thêm 20 năm nữa mới nghỉ hưu ở tuổi 65.
Trước 1975 ở miền Nam, người đọc phát thanh được gọi là xướng ngôn viên. Ông nói, bố thích cách gọi phát thanh viên hơn. Vì xướng ngôn viên thời trước chỉ có nhiệm vụ đọc, tuyệt đối không có cảm xúc can thiệp vào điều mình đọc, nghe “không sướng”. Có một chuyện “lạnh gáy” ông từng trải qua thời làm việc ở Huế khoảng 1964 - 1967. Ngày đó có những bản tin phải đọc trực liếp lên sóng, không cho phép đọc trước trong phòng thu. Một nữ xướng ngôn viên đọc cùng ông đã phì cười khi công bố danh sách thí sinh đậu tú tài, vì một cái tên thí sinh khá ngộ. Ông tướng tư lệnh vùng I lúc đó là Nguyễn Chánh Thi nghe được, bèn nổi giận ra lệnh “bắn bỏ” nếu xướng ngôn viên còn cười hay biểu hiện gì khác trên sóng phát thanh. Từ đó mỗi lần “lên sóng” là mỗi lần hồi hộp, cứ sợ lỡ mình không kiểm soát được cảm xúc thì nguy to…
3. Sau ngày tiếp quản, ông được chính quyền mới giữ lại đọc tin của ủy ban quân quản mấy ngày rồi cho lui vào hậu trường, làm lái xe ở bộ phận hậu cần. Nhưng một thời gian ngắn, có lẽ vì thiếu phát thanh viên, hay tiếc một giọng đọc hay không rõ, lãnh đạo lại đưa ông trở lại phòng thu. Nhờ đó Minh Luận mới trở thành “tiên chỉ” của bộ phận phát thanh viên, là mẫu mực của các thế hệ phát thanh viên DRT đến tận hôm nay.
Cái khác biệt của nghề đọc phát thanh trước và sau 1975 không chỉ là tên gọi, mà như ông đã nói, còn ở cách thể hiện trên sóng. Ở chế độ mới, người phát thanh viên phải thể hiện tinh thần bản tin vào giọng đọc. Chính luận, văn hóa, giải trí, thời sự… mỗi thể loại có cách thể hiện khác nhau, nên “nghề chơi” trở nên hứng thú hơn nhiều. Vì vậy mà tên tuổi ông đã gắn với nhiều chuyên mục, được thính giả nhớ đến rất lâu. Thiếu nhi, Chuyện cảnh giác, và nhất là Mỗi tuần một chuyện - một chuyên mục phát thanh hàng tuần tồn tại đến gần 20 năm.
Ở các tiểu phẩm phát thanh ấy, điều làm người nghe hứng thú không chỉ là những câu chuyện do phóng viên viết ra. Các đồng nghiệp lớn tuổi ở DRT đều mặc nhiên xem sự hấp dẫn của chúng là do ở giọng đọc Minh Luận. Từ bài viết của phóng viên, ông sẽ biên tập lại thành từng vai nhân vật, từng câu thoại, tìm tòi để thể hiện từng vai theo giọng khác nhau…
Không chỉ ở các tiểu phẩm, bất cứ bài viết nào vào tay Minh Luận, ông đều đọc kỹ, đánh dấu lưu ý từng câu từng chữ trước khi thu âm. Dù lớn tuổi hơn nhiều phóng viên trẻ, ông luôn giữ thái độ tôn trọng với tác phẩm của họ, mỗi khi ông sửa chữ nào để đọc cho ngọt hơn, ông đều hỏi lại phóng viên. Và hầu hết trường hợp, mọi người ơn ông vì ông chỉ làm cho bài viết hay hơn mà thôi.
Câu chuyện với Minh Luận kéo dài từ nhà ra đến quán cafe gần nhà ông. Gắn bó với nghề 40 năm, nghỉ hưu rồi bố có buồn không? Không. Sau khi nghỉ, bố cũng còn đọc nhiều cho anh em khi họ cần, nên không phải nhớ nghề gì cả. Sau này thì sức khỏe kém dần, thấy mình đọc không được như xưa nữa, thì bố mới nghỉ hẳn. Vậy là thỏa mãn rồi, tiếc nuối chi nữa!
Một đời làm nghề, tự hoàn thiện nghề mà không hề thấy mình phải gắng gổ gì. Dứt tình không được thì trở lại. Mọi thứ tự nhiên ông nương theo đó, khiến Minh Luận dường như không thấy mình có thành tựu gì đặc biệt. Nếu tôi lại nói với ông, giọng đọc của bố là “di sản” của một phần lịch sử thành phố này, chắc ông chẳng buồn tin.
Nhưng chắc chắn ông sẽ vui khi người bạn Việt kiều tìm ông để biếu một chai rượu. Anh này nói, mấy năm trước về có dịp gặp ông, nghe ông nói thích loại rượu này nên ghi nhớ, lần này mang về cho ông.
Mà không biết bữa nay bác sĩ đã cho ông uống rượu lại chưa?
MINH ĐIỀN