Nguyễn Duy Khoái: Người của những miền quê
“Anh gặp em nơi lưng chừng núi, nơi lưng chừng mây trời. Qua bốn mùa anh đi tìm em, lòng bao nhớ thương. Nơi đất trời nối liền một màu xanh bát ngát, nơi núi rừng bốn mùa tỏa hương quế thơm. Trà My ơi! Xanh trong sao là suối Nước Là, hiền hòa sao là hồ Nước Rhin, kiêu hùng bất khuất đây ngọn Ngọc Linh, thủy chung ngàn đời là nước dòng sông Tranh…”.
Đó là những ca từ trong bài hát “Giữ hương cho đất Trà My” - ca khúc đầu tiên Nguyễn Duy Khoái viết về những miền quê xứ Quảng. Theo như thổ lộ của nhạc sĩ: Đây là một trong những bài hát ghi dấu nhiều kỷ niệm nhất trong chặng đường sáng tác của mình. Cũng từ đây, trong trái tim người nhạc sĩ xứ Huế, Quảng Nam luôn là “hình bóng” để anh yêu mến và trải lòng…
Tôi nghe lại “Giữ hương cho đất Trà My” trong một sáng đầu hè nơi khoảng không gian có ánh nắng nhảy nhót trên những mảng tường rêu phong ở ngôi nhà của nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái nằm trên đường Phan Châu Trinh, thành phố Đà Nẵng. Với chất giọng khàn có “thương hiệu”, nhạc sĩ ôm cây ghi ta thùng và cất lời nghe như vọng về những xa xăm mây trắng Ngọc Linh… Anh kể, năm 1983, còn tự do bay nhảy, chỉ biết vui say, yêu đời và viết mà không lo nghĩ điều chi. Bài hát cho mình quá nhiều thứ: tình cảm bạn bè, tình yêu quê hương và hơn hết là nhận biết rõ mình hơn. Nhớ những buổi chiều mây giăng, bữa đêm đốt lửa, uống rượu và ca hát. Nhớ Hùng, Y Mai, Điền, Dần, Ríchman, Hiệu Dũng, Tiến - những người bạn không bao giờ quên!
Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái. |
Tôi gặp nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái lần đầu tiên cách nay gần 20 năm khi anh cùng anh em nhạc sĩ Quảng Nam và Đà Nẵng có chuyến thực tế sáng tác ở miền quê “Hoa trảu trắng” Tiên Phước. Lần ấy, Nguyễn Duy Khoái viết được nhiều bài, nhưng với tôi, ca khúc thiếu nhi “Tiên Phước bốn mùa xuân” để lại ấn tượng đẹp và cũng là một ca khúc được chọn dàn dựng để các em thiếu nhi Tiên Phước tham gia nhiều mùa hội diễn Hoa phượng đỏ, gặt hái được không ít thành công. Hai mươi năm sau, cũng bằng những trải nghiệm và tình cảm sâu sắc dành cho vùng đất này, nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái đã có một ca khúc khác đi vào lòng người Tiên Phước nói riêng và xứ Quảng nói chung. Đó là “Tiên Phước xanh ngát vườn quê” với giai điệu nhẹ nhàng, trìu mến, ca từ đầy ắp hình ảnh thân thương của đất và người xứ Tiên cũng như gói trọn tấm lòng nhung nhớ của một người nghệ sĩ khi đặt chân đến đây rồi phải nói lời chia tay.
Cũng giống như nhiều nhạc sĩ sáng tác về đất và người xứ Quảng, Nguyễn Duy Khoái vẫn không tránh khỏi cách kể tên làng, tên đất những miền quê, nhưng bởi ca từ của anh giàu chất văn học kiểu như “Về quê em chiều nay tôi biết, sông Tiên ngược dòng, sao vẫn chở tình người về xuôi” nên dễ hát, dễ nghe và dễ đi vào lòng người.
Sinh năm 1953 tại Huế, Nguyễn Duy Khoái bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình trong phong trào sinh viên học sinh TP.Huế khi 18 tuổi với ca khúc đầu tay “Trong mưa bom, mặt trời sẽ đến”. Sau giải phóng, Nguyễn Duy Khoái tốt nghiệp đại học Âm nhạc Huế rồi theo gia đình chuyển vào Đà Nẵng. Nguyễn Duy Khoái được mọi người cho là “chuyên gia” sưu tầm giải thưởng âm nhạc khi liên tiếp nhiều năm liền đoạt hơn 30 giải thưởng từ địa phương đến trung ương. Một số giải thưởng như: Ca khúc “Bên dòng Dack’Bla”, giải Nhì (không có giải Nhất) của UBND tỉnh Kon Tum, sau đó tham gia và đoạt Giải A Liên hoan Âm nhạc Khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tháng 3.2014. Chùm ca khúc “Chuyện Ngụ ngôn” phổ nhạc được tặng thưởng Giải A Hội Âm nhạc TP.Đà Nẵng tháng 12.2014. Chùm ca khúc 5 bài “Những miền yêu thương”, giải A Giải VHNT Đất Quảng 5 năm UBND tỉnh Quảng Nam, tháng 6.2015. Ca khúc “Tình yêu Tổ quốc dạt dào biển Đông”, giải Ba T.Ư Hội LHTNVN và Báo Thanh niên... |
Nguyễn Duy Khoái sinh ra ở Huế, sống và làm việc ở Đà Nẵng nhưng lại gắn bó máu thịt với những miền đất của Quảng Nam. Nhiều năm lang thang qua mảnh đất này, anh luôn nhận được tình cảm yêu quý của người dân và bạn bè, anh luôn thấy mình mắc nợ xứ Quảng. Có lẽ vì thế mà, từ “Giữ hương cho đất Trà My” viết năm 1983 cho đến mới nhất là một ca khúc về Tam Kỳ có tên gọi “Nỗi nhớ hoa sưa” cuối năm 2015 là cả một hành trình dài của cảm xúc anh giành cho đất Quảng. Mỗi ca khúc của anh dường như là một câu chuyện.
Nguyễn Duy Khoái được bạn bè, đồng nghiệp quý mến ở rất nhiều góc độ. Nhưng có lẽ, khi nhắc đến anh, người ta hay nhắc đến một nhạc sĩ say đắm sáng tác về đất và người ở các miền quê đất nước với số lượng ca khúc lên tới hàng trăm bài. Nói như thế không có nghĩa anh dễ dãi với những đứa con tinh thần của mình. Bởi vì, nếu viết địa phương ca mà người nhạc sĩ không biết chắt chiu từng lời ca, giai điệu, không trải nghiệm để tìm đến những cảm xúc có thể làm nên sự thăng hoa và không làm chủ được cảm xúc của mình thì sẽ dễ dàng rơi vào sự kể lể dài dòng địa danh, thắng tích, chiến công, thành tựu… mà không đạt được sự hòa quyện giữa lời và nhạc, giữa ý và tình.
Nói đến điều này, tôi muốn nhắc đến một ca khúc khá nổi tiếng của anh viết về Hội An, bài hát “Đêm hội phố Hoài”. Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái nói: Hội An đối với tôi có một sự gắn bó rất tự nhiên, vì những nét rất gần với Huế quê hương tôi - xinh đẹp, hiền hòa và cổ kính. Trong những lần đi thực tế sáng tác, sau những ngày lang thang ở Trà My, Hiên, Giằng, Hiệp Đức, Phước Sơn… tôi thường trở về Hội An để suy nghĩ lại những gì mình đã viết và sắp sửa viết. Trong một lần như thế, tôi bắt gặp Hội An một đêm rằm, dưới ánh sáng lung linh của vầng trăng bên một quán nhỏ gần sông Hoài, tôi chợt nhớ về những kỷ niệm ngày xưa và tôi muốn được trở về ngày xưa ấy trong màu sắc lung linh của ánh trăng đêm rằm bằng lời ca, giai điệu: “Tìm lại ngày xưa đã mất, bến sông Hoài tôi về chiều nay/ Thấy bông hoa vàng rụng ven sông/ Ngày xưa đã qua qua rồi/ Loanh quanh trên những con đường nhỏ/ Lang thang qua phố xưa nhà cổ/ Đi đâu cũng một màu xanh trong vắt hồn phố xưa…”. Đó là những ca từ đầu tiên để cho anh một “Đêm hội phố Hoài” thiết tha và đầy nhung nhớ. Ca khúc ngay sau khi ra đời đã được người Hội An đón nhận qua giọng hát Duy Dũng và Thủy Trúc rồi được nhiều người yêu Hội An biết đến qua “Hành trình di sản” Quảng Nam. Nguyễn Duy Khoái bảo, đó là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm nghệ thuật của anh.
Mình cảm thấy tiếc nuối những ngày xưa, thuở nghèo khó anh em yêu thương nhau lắm, mỗi lần mình vào Quảng Nam là như về nhà. Ở đó có Phan Văn Minh, Phùng Tấn Đông, Nguyễn Huy Hùng… rất cật ruột. Giờ nhiều nghệ sĩ ở Quảng Nam trở nên xa cách quá. |
Bận bịu với công việc sáng tác cũng như kinh doanh nhạc cụ ở Đà Nẵng, nhưng dăm bữa, nửa tháng lại thấy anh lang thang ở Quảng Nam. Đi, gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ, bạn bè, hát ca và chiêm nghiệm về cuộc sống hay say sưa đọc sách văn học… là cách để anh bồi đắp thêm cảm xúc cho mình. Anh em nghệ sĩ thân quen hay bạn bè thương mến có dịp ghé Đà Nẵng luôn được Nguyễn Duy Khoái mời về nhà mình, vừa để hàn huyên tâm sự lại vừa để có cớ với bà xã rồi kéo nhau đi “yêu đời”. “Anh em mình đi yêu đời tí nhé” từ lâu đã trở thành câu nói dễ thương để nhắc nhớ về người nhạc sĩ này. “Yêu đời” của anh là tụ bạ uống bia và ca hát. Chấm hết. Vậy mà có hôm cũng kéo dài suốt đêm vẫn chưa xong chuyện, chưa thỏa cơn mê đắm với âm nhạc. Có lần Nguyễn Duy Khoái buồn buồn tâm sự: Mình cảm thấy tiếc nuối những ngày xưa, thuở nghèo khó anh em yêu thương nhau lắm, mỗi lần mình vào Quảng Nam là như về nhà. Ở đó có Phan Văn Minh, Phùng Tấn Đông, Nguyễn Huy Hùng… rất cật ruột. Giờ nhiều nghệ sĩ ở Quảng Nam trở nên xa cách quá. Tôi hiểu tấm lòng anh và cũng hiểu anh định nói chuyện gì, nhưng tôi biết, Nguyễn Duy Khoái vẫn vượt lên tất cả, vẫn luôn dành cho đất và người xứ Quảng một tình cảm nồng nàn, chân thật. Bởi lẽ “Biết là chiều nay trái tim tôi rơi rụng nơi này ”.
NGỌC KẾT