Kết tinh mộc mạc, chân thành

BẢO ANH 26/06/2016 08:48

Giống như với những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên nhưng lại viết văn, làm thơ, tôi cũng có cảm tình đặc biệt với vị đại tá công an làm thơ Lê Văn Bảy. Ông từng là Phó Giám đốc Công an tỉnh, rắn, lạnh và nghiêm nhưng thơ ông - từ khi còn đương chức đến khi đã về hưu, lại đằm, mượt và hiền. Ông có nhiều bài thơ ngọt ngào và lãng mạn, kiểu như: “Ước gì trời vẫn nắng mưa/ Nhưng đừng thấm thoắt thoi đưa, ước gì.../ Cho em mãi tuổi xuân thì/ Cho tôi trồng lại cây si trước nhà” (Ước gì).

Cựu đại tá công an Lê Văn Bảy làm thơ không nhiều, lúc về hưu cũng không tham gia hội đoàn thơ ca nọ kia, nhưng thơ ông vẫn được nhiều người nhớ. Có lẽ vì thơ ông hiền lành, thật thà nhưng da diết. Và ông là người yêu đời, mẫn cảm, sống có trước có sau... Như với quê làng Quảng Đại chôn nhau, ông viết: “...Tri ân tiên tổ bao đời/ Trọn lòng mơ ước trọn lời nghĩa nhân/ Dẫu đi muôn dặm xa gần/ Quê tôi Quảng Đại ngàn lần mến thương” (Quảng Đại quê tôi). Như với người mẹ chiến sĩ ở Quế Sơn thuở nào từng nuôi giấu ông và đồng đội, lúc về thăm lại, ông đã nhận ra nỗi riêng day dứt và cảm động: “Hao hao một ngọn đèn gầy/ Một mình mẹ với tháng ngày đơn côi” (Mẹ tôi). Những câu thơ, những tâm tình như là thác ngôn chân thành từ tấm lòng của một người biết yêu cuộc sống.

Có những trải nghiệm sống và khả năng biểu lộ cảm xúc thật thà, nghiêm túc, thơ đã đến và cất tiếng cùng cựu đại tá Lê Văn Bảy. Thơ ông không có sự can thiệp của “kỹ thuật”, không có sự dụng công giũa mài câu chữ mà chỉ có sự ngưng đọng, kết tinh tự nhiên, mộc mạc. Tự nhiên như tình mẹ, như tấm lòng tri ân của con đối với đấng sinh thành: “Con đi nửa quả địa cầu/ Tóc sương đã điểm mái đầu con xanh/ Lòng con vẫn khúc ngọt lành/ Ầu ơ tiếng mẹ dệt thành lời ru” (Thơ tặng mẹ). Ngưng đọng, gạn lắng trong những trắc ẩn và sự chiêm nghiệm về lẽ đời, về cuộc sống: “Nợ tiền nợ chữ ta còn trả/ Nợ cái tri âm - nợ khó đòi/ Kẻ mượn, người vay đều biết cả/ Mà ta cứ nợ với nhau hoài” (Nợ)...

Cũng bằng cái mộc mạc và sự chân thực của cảm xúc, người làm thơ không chuyên này cũng đã có được những bài thơ tình đẹp, tinh khôi và cũng rất... đa tình. Không đa tình sao lại “tham lam” đến độ: “Anh chấp nhận chia mấy phần cũng được/ Nếu là đất đai nhà cửa bạc vàng/ Riêng cái đẹp chia anh nhiều một chút/ Mong em đừng vội trách anh tham” (Chia). Không đa đoan  thì cớ sao trong lòng lại đầy ba động: “...Bến em đã có thuyền chờ/ Thuyền tôi đã có bến bờ vào ra/ Trời quang không chút phong ba/ Mà sao con sóng cứ va mạn thuyền” (Em vẫn là em)... Và, hẳn không ai trách cứ gì sự “lém lỉnh” của một người làm thơ vừa ăn phải “Bùa yêu”: “Bùa yêu em bỏ tôi rồi/ Hỏi ai hóa giải giùm tôi bây giờ/ Hỏi thầy thầy cũng làm ngơ/ Hỏi trời trời bảo chỉ nhờ... chính em”.

Trải một đời người, cựu đại tá công an Lê Văn Bảy lưu lại trong lòng đồng chí, đồng nghiệp nhiều ấn tượng đẹp, vì với đời, với nghề, ông đều thủy chung, gắn bó. Còn với thơ, ông cũng đã và đang có một mối duyên đẹp, không vồ vập, với những cảm xúc thật, được kết nối, xuyên thấm qua mỗi giờ ông làm việc, cống hiến, yêu và sống.

BẢO ANH

BẢO ANH