Nhạc sĩ Tố Hải: Tôi mang ơn vùng đất Quảng
Một bữa cùng ngồi với nhau trong quán cà phê nhỏ ở Nha Trang, nhạc sĩ Tố Hải nói với tôi: Quảng Nam - quê cậu là vùng đất mình luôn mang nặng nghĩa tình, đó cũng là nơi khơi nguồn để mình bước vào con đường sáng tác.
Nhạc sĩ Tố Hải. Ảnh: H.N.T |
Tuy đã lớn tuổi nhưng nhạc sĩ Tố Hải là người khá hóm hỉnh, vui tính, hay đùa, rất khoái chuyện tào lao cùng bạn bè, nên mới nghe mấy câu trên, tôi cứ tưởng anh phịa một chút cho vui. Vì tôi biết quê anh ở Bình Thuận, bao nhiêu năm nay sống ở Nha Trang. Còn Quảng Nam thì sao? Mới nghe, tôi chưa tin lắm, nhưng hỏi ra mới biết, chuyện nhạc sĩ Tố Hải nói là thật trăm phần trăm.
Trốn nhà theo bộ đội… rồi đến với Quảng Nam
Được sinh ra tại Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), và như nhạc sĩ Tố Hải kể, hồi nhỏ, anh rất mê ca hát. Khi còn đi chăn bò ngoài đồng, thấy ai có bài hát nào hay anh liền xin chép, học thuộc lòng, rồi hát. Năm lên 12 tuổi, Tố Hải tham gia làm liên lạc cho Ủy ban kháng chiến hành chính huyện, sau đó đến năm 1953, khi có một đơn vị bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 812 (Quân khu 5) đi ngang qua làng mình, Tố Hải liền trốn nhà đi theo. Vào bộ đội, Tố Hải được phân công làm giao liên, và có lẽ thấy anh mê hát ca nên các đồng chí lãnh đạo giao thêm nhiệm vụ chép nhạc, kẻ nhạc cho đơn vị. Cũng từ đây, với niềm đam mê ca hát vốn có, lại được tiếp xúc với những người lính vệ quốc vui tính, hay hát ca, nên chàng trai của vùng quê Bắc Bình bắt đầu tự học nhạc và ấp ủ hy vọng một ngày nào đó mình sẽ viết được ca khúc. Mơ ước là vậy, nhưng vào những năm 1953 – 1954, chiến trường ngày càng ác liệt và Trung đoàn 812 của anh phải liên tục hành quân, tấn công địch ở hết địa bàn này đến địa bàn khác nên anh chưa viết được gì. Đến năm 1955, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, theo lệnh của trên, Tố Hải được đi tập kết ra Bắc, rồi 6 năm sau, theo tiếng gọi thiêng liêng của quê hương, chàng trai trẻ mê hát lại vượt Trường Sơn trở về miền Nam và trở thành một thành viên của Đoàn văn công Quân giải phóng Khu 5, mang tiếng hát đến với các chiến sĩ.
Dạo ấy, phong trào cách mạng ở các vùng đồng bằng Quảng Nam bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp rất dã man. Nhiều cơ sở của ta bị địch bắt bớ, tra tấn, tù đày. Tuy nhiên, không ít cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta vẫn không hề khuất phục trước đòn roi của kẻ thù, một lòng giữ vững niềm tin vào Đảng, vào cách mạng. Trong số những tấm gương bất khuất ấy, có chuyện chị Trần Thị Vân – người con gái của vùng đất Gò Nổi (Điện Bàn) – người đã bị địch tra khảo, chết đi sống lại với những ngón đòn rất man rợ, nhưng vẫn bảo vệ cơ sở cách mạng đến cùng. Ở chiến khu, khi nghe chuyện kể về chị Vân, Tố Hải rất xúc động và anh nghĩ mình phải viết một ca khúc về người con gái ấy. Thế rồi, vào năm 1962, một lần đi gùi gạo từ đồng bằng lên núi, khi đến dốc ông Hương, mệt quá, thả chiếc gùi nặng xuống, tựa lưng vào vách đá để nghỉ, bất chợt, những ca từ đầu tiên về ca khúc mình ấp ủ xuất hiện trong Tố Hải và anh tự đánh nhịp để hát: Tôi nghe tiếng ca từ lòng đất nước/Tôi nghe tiếng ca từ giữa quê hương, vượt trong đêm dài/Tiếng ca người con gái Quảng Nam/Tiếng ca người con gái miền Nam anh hùng…Chị Vân ơi! Tiếng ca ngàn đời không tắt/Chắp cánh bay đi khắp quê hương/Như dòng sông Thu Bồn chảy xiết/Vẫn còn đây Gò Nổi kiên cường...
Quá mừng vì “cái tứ” của ca khúc đã hình thành, và ngay trong đêm hôm ấy, khi về nơi đơn vị đóng quân, Tố Hải đã hoàn thành nốt phần còn lại của tác phẩm rồi đặt tên là “Lời ca không tắt”.
Từ sáng tác đầu tay đến Giải thưởng Nhà nước
Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra đời, “Lời ca không tắt” được chuyển ra Bắc và được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Rồi đến năm 1965, một niềm vui lớn đã đến với Tố Hải khi ca khúc này được tặng Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.
Không phải không có nguyên do khi nhạc sĩ Tố Hải nói “Quảng Nam là nơi khơi nguồn sáng tác”. Vì sau “Lời ca không tắt”, cũng chính vùng đất này đã cho anh cảm xúc để tiếp tục viết nhiều tác phẩm khác được bạn bè, đồng nghiệp chú ý, trong đó có “Bài ca trung đoàn thép”, “Phan Hành Sơn và trận đánh”,“Tiếng đàn Klông Pút tặng anh”... Đặc biệt, trong những ngày đầu xuân 1968, sự hoành tráng của vùng đất Trường Sơn thuộc miền Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng như Tây Nguyên và khí thế của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã dâng trào, thôi thúc Tố Hải đặt bút viết “Đắk krông mùa xuân về”. Tuy nhiên, sau khi viết xong lời 1, vì nhiều lý do nên ca khúc trên được tác giả giữ lại trong ba lô. Năm 1970, Tố Hải được cử ra Bắc, học tại Trường Âm nhạc Việt Nam, và từ đây trong mấy năm trời, vì bận học tập nên ca khúc còn bỏ dở ngày nào vẫn chưa được ông chú ý tới. Vào buổi sáng của một ngày giữa tháng 3.1975, khi tin thắng trận từ chiến dịch Tây Nguyên vang lên đã tạo nên cảm xúc mạnh mẽ ở Tố Hải và ông đã hoàn thành lời 2 của ca khúc chỉ trong một buổi. Với âm điệu trầm hùng, “Đắk krông mùa xuân về” đã nhanh chóng được Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức dàn dựng, truyền đi qua làn sóng điện để rồi từ đó sống mãi với thời gian.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nhạc sĩ Tố Hải cùng gia đình về sống và làm việc tại Nha Trang. Anh là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1976, và đến nay đã sáng tác hàng trăm ca khúc thuộc nhiều đề tài khác nhau, trong đó có những tác phẩm tiêu biểu như: “Ngọn đèn Ba Tơ”, “Mùa xuân thành phố biển”, “Hành khúc cựu chiến binh”, “Bài ca sợi khói”, “Hành khúc sư đoàn 378”, “Tình ca Sông Lô”, “Đường Trường Sơn ca”, “Ta còn mắc nợ Hồ Tây”, “Gửi Hà Nội nhớ”, “Gửi em Hà Nội tình yêu”... Năm 2012, nhạc sĩ Tố Hải vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước cho một cụm tác phẩm và tất nhiên trong đó có 2 ca khúc nổi tiếng là “Lời ca không tắt” và “Đắk krông mùa xuân về”.
Quảng Nam là nơi tôi mang nặng nghĩa tình
“Anh nói Quảng Nam là nơi tôi mang nặng nghĩa tình, có chuyện gì ngoài những việc liên quan đến sáng tác nữa không?” – Tôi hỏi và nhạc sĩ Tố Hải hào hứng trả lời ngay: “Có chứ! Nhiều, nhiều lắm!”. Nói xong, anh kể rất nhiều kỷ niệm liên quan đến những ngày mình sống ở vùng đất này trong những năm chiến tranh. Có một chuyện mà Tố Hải kể, khi nghe rồi, tôi chẳng thể nào quên được. Vào năm tháng 1966, anh và chị Hoàng Thị Kim Tuyến (một diễn viên của Đoàn văn công Quân khu 5, là vợ anh bây giờ) sau một thời gian yêu nhau đã tổ chức đám cưới trên núi - nơi giáp ranh Quảng Ngãi và Quảng Nam. Sau khi cưới một năm, anh chị sinh được cậu con trai, đặt tên là Tố Nguyên. Ngày chị chuẩn bị ở cữ, hai vợ chồng phải vượt rừng, mang ba lô dắt nhau từ Quảng Nam vào tận bệnh viện C17 (bệnh viện Quân khu 5) đóng ở Quảng Ngãi để sinh nở. Lúc trở về đơn vị, Tố Hải bị lọt vào ổ phục kích của địch. May mắn, trong lúc bối rối, anh nổ một loạt súng rồi chạy thoát thân. Nhưng vì mất phương hướng, mãi một tháng sau được bà con người dân tộc ở các buôn, làng cho ăn và chỉ đường anh mới về tới đơn vị. Trong khi ấy, ở tại căn cứ, bạn bè cứ tưởng anh hy sinh nên đã lập bàn thờ. Sống ở chiến khu, thiếu thốn, gian khổ trăm bề, khi đứa con trai ra đời, anh chị càng khổ hơn. Nhưng theo Tố Hải, nhờ bà con Quảng Nam cũng như đồng đội đùm bọc, người giúp thứ này, người cho thức kia, nên thằng bé tuy không tránh khỏi còi cọc, song cũng lớn dần. Đến năm 1970, khi được lệnh ra Bắc học tập, anh chị đã khoét đáy chiếc ba lô, cho đứa con trai xỏ hai chân vào đó, rồi mang đi bộ cho đến tận Quảng Bình mới có xe đón…
Kể toàn chuyện gian khổ, nhưng lúc nào Tố Hải cũng cười. Cậu bé Tố Nguyên được sinh trên rừng ngày nào giờ trở thành giáo viên dạy toán ở một trường PTTH. Sau này anh chị có thêm đứa con gái và giờ cũng đã thành đạt. Khi biết tôi định viết một bài báo về anh có liên quan đến đất Quảng Nam, Tố Hải tỏ ra rất thích. “Thế thì có gì quý cho bằng! – Anh nói – Nếu cậu có viết thì “cài” thêm cho tôi một câu, rằng, tôi luôn nhớ về Quảng Nam, luôn biết ơn đồng đội cũng như bà con ở Quảng Nam đã cưu mang để tôi có được mọi thứ như ngày hôm nay…
HOÀNG NHẬT TUYÊN