Những góc tiếp cận bài thơ "Về thôi em"

NGUYỄN ĐÌNH QUÝ 08/05/2016 06:21

Đây là bài thơ được chọn đưa vào giảng dạy ở tiết 63, chương trình Văn học địa phương dành cho lớp 9. Nhóm biên soạn chương trình chúng tôi không phải tốn nhiều thời gian bàn cãi khi chọn tác phẩm này, dù tác giả không phải là cây đại thụ trong làng thơ xứ Quảng. Sở dĩ có sự đồng thuận cao là nhờ cái chất Quảng Nam ngồn ngộn trong từng cảm xúc, ngôn ngữ và hình ảnh thơ.

Về thôi em

Em ra không, mai anh về đất Quảng
Trời miền Nam giáp tết quá nôn nao
Thèm chi mô một chén rượu hồng đào
Dẫu chưa uống - chỉ say từ câu hát
Em ở biển ngọn khoai trườn nổng cát
Anh trên nguồn đá chẹn củ mì eo
Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo
Vẫn khen đất mình chưa mưa
đà thấm
Biển dưới em con cá chuồn ngon lắm
Trên nguồn anh trái mít
phải lòng theo
Lận đận một đời quảy gánh gieo neo
Nuôi con lớn mẹ lên nguồn
xuống biển
Đất dễ thấm, dễ mềm lòng
quyến luyến
Người đi xa nhớ muối mặn gừng cay
Đờn Miếu Bông ai chọn phím so dây
Để ta khóc theo chuyến tàu hối hả?
Về thôi em bận lòng chi xứ lạ
Sông Thu ta dẫu bên lở bên bồi
Dẫu mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi
Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi
Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải
Cha mẹ trông ta - mòn Hòn Kẽm
Đá Dừng.

(Dương Quang Anh)

Tác giả Dương Quang Anh quê xã Bình Lâm, Huyện Hiệp Đức, Quảng Nam, hiện đang sống tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ông năm nay vừa tròn tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng những chuyến đi về đậm đà tình quê vào những dịp tết, ngày giỗ chạp vẫn được duy trì đều dặn. Dường như đối với ông, những chuyến hành hương cố quận như thế đã trở thành máu thịt, thành hơi thở đời người. Cho nên, việc kinh doanh nhà hàng tiệc cưới dù có bận rộn đến mấy thì cứ mỗi bận giáp tết cũng được gác lại, nôn nao ới nhau “Về thôi em!”. Có cái gì nghe như thôi thúc, réo nhau khi hỏi “Mai anh về Quảng đó, em có ra không?”. Để rồi từ đó, theo con tàu Nam - Trung hối hả, thước phim ký ức cuồng quay biết bao kỷ niệm buồn vui. Vui nhớ đã đành, buồn cũng khó mà quên.  Quê em, quê anh đều nghèo khổ, đời cha mẹ mình tảo tần vất vả. Vậy mà, nhớ ơi là nhớ dòng sông Thu bên bồi bên lở, ò e tiếng đờn cò Miếu Bông, ngọn khoai lang trườn nổng cát, con cá chuồn tươi nước biển, củ mì bị đá chèn eo thắt, trái mít non trên nguồn. Ai đã từng sống ở vùng quê cát Thăng Bình cũng như những vùng núi “chó ăn đá gà ăn muối” mới cảm nhận hết được tính nhân văn trong hai câu thơ: Em ở biển ngọn khoai trườn nổng cát/ Anh trên nguồn đá chẹn củ mì eo.

Cái gì, nếu không phải là cảm xúc tình quê chân chất đã làm nên giá trị của bài thơ? Cảm xúc ấy được gói trong lớp vỏ phương ngữ Quảng như chi mô, trườn, chẹn, bới lượm… đã tô đẹp thêm dáng Quảng của từng câu thơ. Những hình ảnh thơ như rượu hồng đào, cá chuồn, mít non, nước lụt, cây măng sậy, muối mặn gừng cay, hoa cải ửng vàng, Hòn Kẽm Đá Dừng… cũng đậm chất Quảng khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến những câu ca quen thuộc của vùng đất: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đà say…, Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên. Ngó lên hòn Kẽm đá dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi…

Có một chi tiết rất dễ bị lướt quên trong câu thơ kết: “Cha mẹ trông ta - mòn Hòn Kẽm Đá Dừng”. Ở đây không phải là “thương cha nhớ mẹ quá chừng” mà là “cha mẹ trông ta”. Đó chính là tình cảm rất thật của cha mẹ già tác giả đang còn ở quê cứ dõi mắt trông con mỗi bận hoa cải bắt đầu ửng vàng sân vườn. Thật xúc động! Song thân của tác giả cũng vừa qua đời, xin chia  buồn và hy vọng rằng không phải vì thế mà những chuyến về Trung với bạn bè, người thân và quê hương lại vơi dần nỗi nhớ quắt quay. 

NGUYỄN ĐÌNH QUÝ

NGUYỄN ĐÌNH QUÝ