Nghề báo, nghiệp văn
Mấy chục năm qua, công việc hằng ngày của nhà văn Nguyễn Tam Mỹ là… làm báo. Giữa viết báo và sáng tác văn chương, dường như anh thuận cả hai tay. Việc nắm bắt thông tin, xử lý tư liệu của một người làm báo, kết hợp hài hòa với óc sáng tạo, trí tưởng tượng của nhà văn, đã giúp anh có nhiều tác phẩm báo chí và đặc biệt là văn chương, để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc.
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ. Ảnh: C.NỮ |
Nguyễn Tam Mỹ viết như bị “trời đày”, như là nghiệp dĩ. Để rồi, cho đến lúc này, anh có được gia tài văn chương tương đối lớn, giải thưởng anh sưu tập được cũng kha khá. (Tất nhiên, với nhà văn, giải thưởng lớn nhất vẫn là sự đón nhận của bạn đọc). Và, để có được gia sản ấy, anh phải đánh đổi bằng mấy chục năm lặn lội, lăn lộn với thực tế, thu thập dữ liệu cuộc sống và nghiền ngẫm tư liệu chính sử cũng như dã sử; là những đêm vật lộn với bản thảo, vừa chợp mắt thì trời đã sáng…
Nghiệp văn
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ tên thật là Thái Nguyên Tài, sinh năm 1962. Quê quán làng Đông An, xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành; sinh quán ở làng Lâm Bình, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước. Anh được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009. Từ năm 1992 đến nay anh đã xuất bản 11 tập sách gồm: 2 tập thơ, 3 tập truyện ngắn, 2 tập bút ký và 4 tiểu thuyết. Các tác phẩm “Hoàng hôn quê ngoại”, “Người gieo mầm thiện”, “Lời ru oan nghiệt”... được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1989), Bộ Văn hóa - Thông tin (2002), Báo Quảng Nam - Đà Nẵng (1996). Tập truyện ngắn “Ma và người” của anh được trao giải khuyến khích Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ nhất; tập bút ký “Nóc ông Bền” được trao giải C Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2009. Đặc biệt, tiểu thuyết “Máu và tội ác” được trao giải A Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ 2 (2009-2014). Riêng năm 2015, anh đoạt giải Ba cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài giao thông vận tải do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải tổ chức với truyện ngắn “Con đường trong mây” và trao tặng thưởng tác phẩm hay năm 2015 của Tạp chí Đất Quảng Nam. |
Nguyễn Tam Mỹ bắt đầu làm thơ, viết truyện ở độ tuổi hai mươi đầy mộng mơ trước khi viết báo. Nhưng trở thành nhà báo gần chục năm rồi, anh mới xuất bản tập thơ đầu tay, là tập hợp nhiều bài thơ dành tặng người tình thuở ấy và cũng là người vợ hiện nay - người hết mình ủng hộ con đường văn chương của anh và cũng là người đọc tác phẩm của anh trước tiên để góp ý thêm chi tiết này, bớt chi tiết kia. Giờ anh đã ngấp nghé tuổi sáu mươi. “Thời hiệu” công tác trong nghề báo sắp kết thúc. Nhưng cái nghề cầm bút, nghiệp văn của anh thì vẫn còn dài. Bút lực của Nguyễn Tam Mỹ vẫn khỏe, thậm chí còn hơn cả thời trẻ nhờ có thêm kinh nghiệm, thêm kiến văn, thêm từng trải, thêm chiêm nghiệm của một người ở ngưỡng “lục thập nhi nhĩ thuận”. Hằng ngày anh vẫn cần mẫn đọc đọc, viết viết. Rồi tranh thủ đi thu thập tư liệu. “Trót mang lấy nghiệp vào thân” nên với anh, “đi, nghĩ, đọc, viết” như là những “công đoạn” không thể dứt bỏ trên suốt hành trình chữ nghĩa xa tít và nhọc nhằn.
Nguyễn Tam Mỹ cần mẫn viết không phải vì anh là một trong số rất ít người ở Quảng Nam là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng chẳng phải viết để chứng tỏ mình. Cũng không phải để bạn đọc còn nhớ đến cái tên Nguyễn Tam Mỹ từng một thời rình rang trên báo chí. Với anh, viết là nhu cầu, như cơm ăn, nước uống, không khí để thở. Không viết là bứt rứt, là ngứa ngáy tay chân, là khó chịu trong người. Biết tính chồng, vợ anh ưu ái dành riêng một căn phòng đẹp trên gác có cửa sổ nhìn ra phía miên man xanh của sông Tam Kỳ, luôn có trà nước chu đáo để anh thỏa sức “tung hoành” với văn chương. Và yên tĩnh tuyệt đối. Chỉ có khói thuốc lá đậm ngợp. Chỉ có sách và những xấp tư liệu chất chồng. Chỉ có âm thanh gõ bàn phím máy tính lóc cóc vang lên trong đêm khuya...
Mẹ và quê hương
Cha mất sớm. Nguyễn Tam Mỹ lớn lên trong tình yêu thương của mẹ, sự đùm bọc của hàng xóm láng giềng nơi làng quê Lâm Bình. Xưa, Lâm Bình là vùng giải phóng nhưng tuổi thơ anh lớn lên trong chiến tranh. Nhân vật Cúc Đẹt trong tác phẩm “Tuổi thơ trong chiến tranh” của anh là hình bóng anh thuở nhỏ. Nay, Lâm Bình là làng quê hiếm hoi còn sót ở lại ở Quảng Nam có phong cảnh thanh bình với đồi dốc, với đường làng quanh co, với hồ nước và rừng cây. Nếu để ý, bạn đọc hẳn sẽ thấy thấp thoáng bóng dáng làng quê bán sơn địa này trong nhiều tác phẩm của anh.
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ (thứ hai từ phải sang) trong một chuyến thực tế sáng tác cùng các văn nghệ sĩ Quảng Nam ở huyện Tây Giang. Ảnh: do nhân vật cung cấp |
Và nếu chịu khó đọc tác phẩm của Nguyễn Tam Mỹ, nhất là các truyện ngắn in trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương gần đây, còn có thể thấy bóng dáng mẹ anh trong ấy. Những câu chuyện ngày xưa, về tình đời, tình người ở quê trong lúc anh hàn huyên với mẹ chính là nguồn tư liệu quý giá để anh thai nghén tác phẩm. Định cư ở Tam Kỳ, cách quê vài chục cây số, cuối tuần hay lúc rảnh rỗi, anh lại chạy về với mẹ để vấn an sức khỏe, để được nghe kể chuyện đời xưa ở làng Lâm Bình quê anh. Các truyện ngắn: “Kỳ nhân của làng”, “Thung lũng Hoa Gạo”, “Vườn khách”, “Vây hội ngày xuân”, “Chuyện kể giữa rừng đêm”, “Hậu duệ xóm Chồi”, “Những chùm quả vàng thu”..., ra đời từ lời kể túc tắc của mẹ, từ những thủ thỉ tâm sự giữa mẹ con anh. Cảnh vật yên bình, thơ mộng; con người hiền hòa, chân chất, nghĩa tình của làng Lâm Bình, qua lời kể của mẹ anh, chính là những “nguyên mẫu” trong nhiều truyện ngắn của anh. Dịp tết Bính Thân vừa rồi, mẹ của nhà văn Nguyễn Tam Mỹ đã rời cõi tạm. Hàng tuần anh vẫn về thăm quê, thắp nhang lên mộ mẹ. Anh chỉ có thể trò chuyện với mẹ qua di ảnh, hay trong tâm tưởng. Nhưng hẳn là những câu chuyện bất tận của mẹ vẫn còn đầy ắp trong anh, để những “nguyên mẫu” trong lời mẹ kể lại tiếp tục bước vào trang viết của anh, sống động và da diết...
Không chỉ “có duyên” trong bút ký, Nguyễn Tam Mỹ còn là người “thuận tay” với cả truyện ngắn và tiểu thuyết. Bởi vậy, trong câu chuyện viết lách của anh thỉnh thoảng cũng xảy ra những tình huống thú vị. Anh kể, chừng một năm trở lại đây, không rõ ngòi bút đưa đẩy thế nào mà dự định ban đầu là viết tiểu thuyết cuối cùng là ra toàn... truyện ngắn. “Số truyện ngắn được viết “tình cờ” này của tôi đã đủ để in thành một tập” - anh kể. Và, chuyện anh ấp ủ dự định viết một tiểu thuyết về những năm tháng mặc áo lính sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia đã tạm gác lại, thay vào đó sẽ là một tập truyện ngắn đầy đặn sắp sửa chào đời.
Góc cạnh cuộc sống
Chiến tranh cách mạng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn... là những đề tài quen thuộc trong sáng tác của Nguyễn Tam Mỹ. Bạn đọc có thể nhận ra điều này qua các tác phẩm: “Máu và tội ác” (tiểu thuyết), “Tuổi thơ trong chiến tranh” (truyện dài), “Sấp ngửa bàn tay” (tiểu thuyết), “Nóc ông Bền” (tập truyện ngắn), “Ma và người” (tập truyện ngắn)… Ngoài các tác phẩm đã in, Nguyễn Tam Mỹ hiện cũng đã hoàn tất bản thảo bộ tiểu thuyết 2 tập trên 800 trang, chỉ có điều là... chưa có nhà xuất bản chịu cấp phép để in. Lần xin giấy phép xuất bản này khiến anh nhớ lại “một thời chưa xa”, khi làm giấy “khai sinh” cho đứa con tinh thần “Máu và tội ác”. Có lẽ do chính sử lấn át dã sử trong “Máu và tội ác”, các nhà xuất bản đều thấy sự thật rùng rợn trong đó nên ngại ngần. Cuối cùng, sách cũng ra đời sau một thời gian trôi nổi từ Nam chí Bắc, sau thời gian chờ đợi truân chuyên. Để rồi sau này, tiểu thuyết “Máu và tội ác” của anh đoạt giải cao nhất giải thưởng Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần thứ hai (2009-2014).
Với Nguyễn Tam Mỹ, viết về những vấn đề gai góc, trần trụi của cuộc sống; viết về cái sai, cái ác, cái xấu xa; về sự tàn khốc của chiến tranh; về những vấn đề tiêu cực của xã hội đương đại là trách nhiệm của nhà văn với bạn đọc, như là trách nhiệm của con người với cuộc sống. Anh bảo, viết thật để cảnh tỉnh, để báo động, để khơi dậy thiên lương trong mỗi con người. Và không chỉ có vậy, đâu đó trong các tác phẩm của anh vẫn lấp lánh hình ảnh những con người sống có tình, có nghĩa, không bị cơm áo gạo tiền làm biến dạng nhân cách...
CHÂU NỮ