Nhà văn Cao Duy Thảo: Quảng Nam gần gũi như quê nhà
Có lần ngồi trò chuyện với tôi, nhà văn Cao Duy Thảo đã nói như vậy. Là chỗ thân thiết với nhau, tôi biết lời tâm sự của anh rất thật lòng. Cũng dễ hiểu, bao nhiêu năm chiến tranh, anh đã sống và chiến đấu ở xứ Quảng, nên không chỉ gắn bó, yêu thương, mà vùng đất này đã in đậm trong rất nhiều sáng tác của anh.
Nhà văn Cao Văn Thảo. Ảnh: H.N.T |
Cùng sống với nhau ở Nha Trang, nhưng để nói được những điều mà nhà văn Cao Duy Thảo gói trong mấy chữ “gần gũi” ấy không dễ, vì anh không phải là người thích viết về mình; hơn nữa, thời gian gần đây anh cũng bận. Khi chúng tôi gặp nhau, anh nói ngay, kiểu “rất Quảng”:
- Bắt đầu chỗ mô chừ hè?
- Tùy anh, chỗ mô cũng được!
Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Cao Duy Thảo đã xuất bản: “Im lặng của đá - tập truyện ngắn (1976); “Thành phố lúc bình minh” – tập truyện ngắn (1979); “Ngọn đèn” – tập truyện ngắn (1985); “Cảm ơn mùa xuân” - tập thơ (1998); “Thời gian” – tập truyện ngắn (1998); “Xứ bình yên” – tập truyện ngắn và bút ký (2001); “Bút ký văn học” - tập bút ký (2004); “Chim bay về núi” – tiểu thuyết (2009); “Sóng vỗ mạn thuyền” - tập bút ký (2012); Tuyển tập truyện ngắn và bút ký văn học (2012). Anh nhận nhiều giải thưởng văn học, trong đó có: Giải thưởng cuộc thi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội với truyện ngắn “Thời gian”; giải thưởng của Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn với truyện ngắn “Cá trắm đẻ”; giải thưởng văn học 5 năm của Bộ Quốc phòng (2009 - 2014) với tiểu thuyết “Chim bay về núi”… |
Sinh ra tại Bình Định; đến năm 1955, khi chỉ mới 12 tuổi, Cao Duy Thảo được đi tập kết ra Bắc và học tại các Trường học sinh miền Nam, rồi sau đó theo học khóa biên kịch điện ảnh. Đến năm 1966, cùng với nhiều bạn bè, anh khoác ba lô, lên đường, vượt Trường Sơn về lại miền Nam để chiến đấu. Từ đây cho đến ngày đất nước thống nhất, anh được phân công công tác tại Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn khu 5.
Vốn đam mê sáng tác văn học, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Cao Duy Thảo đã bắt đầu viết văn, làm thơ, nhưng phải nói rằng, sau khi vào chiến trường, đặc biệt là chiến trường Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng), tiếp cận bức tranh thực tế đầy sôi động về cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta, những tác phẩm của Cao Duy Thảo mới bắt đầu được chú ý. Năm 1968, truyện ngắn “Cô gái vùng ven” của anh từ chiến trường gửi ra Bắc, được Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu. Đây là truyện ngắn viết về chuyện một cô giao liên đưa đường cho bộ đội ta vượt ra khỏi Hội An trong một đêm đầy bi tráng của cuộc Tổng tấn công của mùa xuân năm Mậu Thân (1968). Với cách viết cô đọng, nhiều tình tiết xúc động, truyện ngắn đã được giới cầm bút lúc bấy giờ đánh giá cao.
Sau ngày đất nước thống nhất, Cao Duy Thảo theo học Trường viết văn Nguyễn Du, rồi về công tác tại Khánh Hòa và nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật Khánh Hòa nhiều năm trước khi nghỉ hưu.
Sống, lăn lộn ở chiến trường Quảng Nam suốt thời gian dài nên Cao Duy Thảo thông thuộc các địa bàn, phong tục của vùng đất này. Dù chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng ngồi trò chuyện về các địa phương xứ Quảng thời kháng chiến chống Mỹ, anh kể như mọi chuyện mới diễn ra hôm qua. Nào những ngày anh cùng anh em văn nghệ sĩ trong đơn vị phát rừng sản xuất; chuyện bị phục kích khi vượt sông Thu Bồn đi gùi gạo; chuyện xuống công tác tại các vùng ven ở Duy Xuyên, Điện Bàn, Hòa Vang, Hội An; nào chuyện những người dân vì bảo vệ anh và đồng đội nên đã ngã xuống trước mũi súng của kẻ thù…
Nhà văn Cao Duy Thảo (người thứ tư tính từ bên trái sang) cùng các văn nghệ sĩ thuộc Tiểu ban văn nghệ khu 5 tại Chiến khu Trà My (1971). |
Tôi cắt ngang, thế kỷ niệm nào ở chiến trường này làm anh nhớ nhất?
- Nhiều lắm, nhưng nhớ nhất vẫn là những chuyện mà bà con đã che giấu, giúp đỡ bọn mình – Cao Duy Thảo trả lời. Anh kể: Tết Mậu Thân (1968), mình được phân công đi theo một đơn vị chủ lực để vào thị xã Hội An. Trước đêm chiến dịch diễn ra, mình được bố trí ở một căn hầm bí mật tại Trà Quế (một vùng đất trồng toàn rau thơm ở phía nam thị xã) và căn hầm này do một người đàn ông có tên là bác Bốn quản lý. Hiền lành, cẩn thận, chu đáo, bác Bốn cũng là người rất vui tính. Qua trò chuyện với bác, mình hứa sau này hòa bình sẽ ghé lại thăm bác. Rất tiếc, sau khi đánh vào Hội An rồi rút ra ngoài, trở lại chiến khu, mình không có dịp công tác về Trà Quế. Khi đất nước thống nhất, mình tìm đến địa bàn cũ, song hỏi thăm thì không ai biết bác Bốn là ai vì đó chỉ là bí danh.
Lần khác, vào tháng 3.1969, chiến trường ở khắp nơi diễn ra rất ác liệt. Vào thời điểm đó, mình, Chu Cẩm Phong và một anh bạn quay phim về công tác ở Hòa Hải, một vùng đất ven biển toàn đồi cát. Buổi sáng, mình ở lại tại một cái xóm bên này, còn Chu Cẩm Phong và anh bạn quay phim được 2 cô giao liên hợp pháp dẫn qua một xóm khác cách đó chừng hơn cây số. Ai dè mới đi nửa đường thì bất ngờ bị quân Mỹ phục kích. Vì muốn bắt sống anh em mình, nên bọn họ đuổi theo. Trước tình thế trên, 2 cô giao liên hợp pháp liền dừng lại, giải thích rằng họ là dân thường, cố tình kéo dài thời gian, cản bước tiến của địch. Lần ấy, Chu Cẩm Phong và anh cán bộ quay phim chạy thoát được, nhưng 2 cô giao liên sau đó đã bị bắn chết. Cho đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, mình có cảm giác như 2 cô giao liên bé nhỏ, hiền lành của ngày nào đang đứng trước mặt…
Không chỉ gắn bó, gần gũi, mà trong rất nhiều tác phẩm của mình, nhà văn Cao Duy Thảo đã lấy các địa bàn thuộc Quảng Nam làm bối cảnh. Đến nay, anh đã có trên 10 đầu sách được xuất bản thuộc các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, và ai đã từng đọc tác phẩm của anh đều dễ dàng nhận ra điều này. Có những tác phẩm, đất và người Quảng Nam được thể hiện rất rõ nét. Chẳng hạn như truyện ngắn “Chuyện gia đình” - viết về đề tài chiến tranh, nội dung liên quan đến chuyện người dân Duy Xuyên chống lính Mỹ cày ủi, xúc dân vào các khu dồn. Hay tiểu thuyết “Chim bay về núi” cũng là một ví dụ. Đây là tiểu thuyết lấy bối cảnh một vùng đất của xứ Quảng trong giai đoạn từ năm 1955 đến khi Mỹ đổ quân vào miền Nam tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ. Nhân vật chính trong truyện là Ngàn, cô gái có lòng yêu nước, yêu cách mạng. Trước sự đàn áp của chế độ Ngô Đình Diệm, Ngàn vẫn luôn tìm mọi cách để liên hệ với tổ chức của Đảng, góp phần từng bước gầy dựng cơ sở cách mạng tại địa phương mình. Rồi từ một cô giao liên hoạt động hợp pháp, sau khi quê hương đồng khởi, Ngàn đã thoát ly, trực tiếp tham gia kháng chiến với bao gian truân vất vả, thử thách cả về vật chất lẫn tinh thần. Thậm chí có lúc, Ngàn bị tổ chức nghi ngờ hoạt động cho địch, bi quan đến mức tưởng chừng không vượt qua được, nhưng cuối cùng cô vẫn trụ vững để hoàn thành nhiệm vụ…
Bút ký là thế mạnh của Cao Duy Thảo và anh có hàng chục bài ký viết về đất Quảng, và hầu hết được thể hiện khá tinh tế, đầy chất nhân văn. Đặc biệt, những trang bút ký của anh viết về đồng đội thời chiến tranh ác liệt luôn làm bạn đọc xúc động, trong đó có “Bạn ở rừng” viết về nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong và các bạn ở chiến khu Trà My, hay “Ngàn xanh” viết về những bạn bè là văn nghệ sĩ đã nằm xuống ở chiến trường Quảng Nam.
Tâm sự về chuyện viết lách, nhà văn Cao Duy Thảo nói: “Có hai vùng đất mà mình luôn nghĩ tới khi cầm bút, đó là Bình Định - nơi mình sinh ra, và Quảng Nam - nơi mình đã có nhiều năm gắn bó”. Anh nói đang viết một cuốn tự truyện, và tất nhiên, trong đó có một phần nói về những năm tháng anh sống, chiến đấu ở Quảng Nam.
HOÀNG NHẬT TUYÊN