Nhạc sĩ Nguyễn Công Dũng: Người chăm hoa thanh thản
Tuần trước, một bữa ngồi ầu ơ café vỉa hè thấy Công Dũng tà tà chạy xe qua, trên lưng cái túi kèn to ụ. Vẫy gọi rối rít, anh ghé vào ngồi cùng một lúc rồi đi, “qua nhà văn hóa thành phố họp vụ kèn cho mấy sự kiện sắp tới”, anh nói mơ hồ vậy. Sự kiện gì? Anh lắc lắc đầu, coi vẻ cũng ù ù cạc cạc.
Nhạc sĩ Nguyễn Công Dũng. |
Nhưng mà vui thật sự. Lâu lắm mới lại gặp anh. Vẫn chầm chậm, cái đầu cúi cúi khi chạy xe cũng như khi dắt bộ. Vẫn kiểu nói chuyện thiệt thiệt, hiền hiền. Hình như tôi có duyên gặp mấy người hiền hiền, thiệt thiệt. Ngồi với họ tự dưng thấy mình bặt thiệp và “nguy hiểm” hẳn lên, rất an ủi. Tôi hỏi rối rít, anh trả lời chưa xong câu này đã bắt qua hỏi chuyện khác. Hỏi anh dạo này vẫn “chăm hoa” đều chớ? Vẫn rứa thôi, lấn bấn với tụi hắn... Hỏi gần đây có bài nào mới không? Cũng có, nhưng lại lắc lắc đầu, bận quá mi ơi...
Chuyện cũ kể lại
Để giải thích chuyện “chăm hoa”, là tôi nhắc ý một bài hát của anh, mà tôi nghĩ là một trong những bài hát hay nhất về nghề giáo. Trong trẻo, đơn sơ, mà tình cảm chan hòa lắm. Mộc mạc y như Công Dũng. “Khi tôi đi đến trường/ lòng rộn lên niềm vui/ bao em thơ mến chào/ từng ánh mắt thân thương...”.
Tôi muốn trích thêm vài câu nữa. “Ơi những ánh mắt môi cười ngây thơ/ ơi những trái tim hồn nhiên trong sáng/ Xin được mãi mãi làm người chăm hoa/ để những bông hoa thơm ngát giữa đời...”. Nhưng phải hát lên kia, phải nghe anh hát, mới thấy được cái điệu chân chất giản dị như những bài hát của anh thường vậy.
Khoảng 2012, tôi tham gia ekip dựng video bài hát “Xin làm người chăm hoa” đó của anh. Biết anh đã lâu, nhưng đến đó mới có dịp chuyện trò nhiều, rồi thích ông thầy nhạc sĩ vừa nghèo vừa thiệt thà vừa... đen của trường trung học Kim Đồng, Đà Nẵng. Nhớ khi dựng cảnh xong xuôi, bắc máy lên quay, ông bạn quay phim cứ ngắm lui ngắm tới, chép miệng lắc đầu, “khó quá”. Ra là vì nhân vật chính thầy giáo kiêm nhạc sĩ Công Dũng đen quá, bao nhiêu đèn đóm hắt sáng không cách gì bù nổi, máy quay không nhận được nét trên mặt anh...
Chúng tôi thường nhắc lại “sự cố” đó để trêu anh, anh chỉ cười trừ, cũng chẳng thấy tủi thân hay tự ái gì khi bị bọn trẻ trêu chọc như vậy.
Trong lần quay phim lớp học của anh, tôi cũng nhận ra anh hòa hợp với cái nghề dạy trẻ thế nào. Ban đầu máy quay bật lên, cả thầy trò chưa quen ống kính, ngượng ngập cứng đơ hết cả. Làm đi làm lại mấy đúp đều không ổn, đạo diễn nói thôi anh cứ giảng cho lớp một bài trong chương trình đi, như anh dạy hàng ngày vậy. Không ngờ gợi ý quá thành công. Anh bắt đầu giảng say sưa, miệng nói tay viết, tung hoành trong lớp học như cá bơi trong nước, có khi hào hứng ghếch chân ngồi lên bàn, hát minh họa mấy câu dân ca Quảng Nam ngọt lịm... Đám học trò ngồi nghe mê mẩn. Cảnh quay đã xong mà đạo diễn chưa dám kêu cắt vì sợ thầy trò anh đứt hứng...
Một đoạn đường
Vậy mà cái nghiệp gõ đầu trẻ vận vào anh hơn 20 năm qua chỉ đến sau đủ thứ quăng quật của một thời thanh niên sôi nổi. Tôi nói chữ thế thôi, thiệt ra cái đoạn đầu đời anh phải nói đúng kiểu dân gian là “lên bờ xuống ruộng”. Lấy cái mốc 1975, anh lúc đó là cậu trai 18 khởi đầu bằng nghề... cầu thủ. Đá cho đội phong trào ở quê nhà Thăng Bình được mấy năm, anh nhảy lên sân khấu làm ca sĩ. Hát cho đoàn ca múa nhạc Quảng Nam Đà Nẵng bấy giờ, tiếng là chuyên nghiệp chứ cũng chẳng khá hơn phong trào chi mấy. Rồi ra nhạc viện Huế học thanh nhạc, học kèn. Xong lại về làm văn hóa thông tin huyện, lại ra Huế, rồi lại về quê, loanh quanh chẳng có việc gì nuôi nổi thân mình. Ai cũng biết những kẻ có chút văn nghệ trong người thường lơ ngơ vụng về, chân không tới đất đầu không tới trời, làm gì mà chẳng khốn đốn trong cái thời... à mà thời nào cũng vậy thôi. Nhất là cái đoạn tuổi “tố chất thì thừa mà tài chưa chín”, bi kịch lắm!
Đang lúc lấn bấn sinh kế thì ban giám hiệu trường Kim Đồng mời về dạy nhạc. Vậy là gắn bó đến giờ. Anh kể, quý lắm, cái ân tình đó quý lắm. Sau này có trường khác mời, trường có tiếng, biết là đãi ngộ sẽ tốt hơn, nhưng không đi được. Đơn giản là anh không thể bỏ cái nơi đã chìa tay cho mình lúc khó khăn.
Và cho đi
Hình như cả đời Công Dũng sống bao giờ cũng nệ tình mà coi nhẹ chuyện đo đếm lợi ích như vậy. Không đòi hỏi, không màng. Như hôm rồi hỏi lại anh về cái “sự kiện” anh vác kèn đi họp bữa trước? Thì ra là người ta mời anh thổi cho chương trình âm nhạc đường phố. Biểu diễn vậy thù lao được bao nhiêu? Chẳng biết, đang chạy thử coi khán giả có thích không đã rồi lên lịch thường xuyên... Tóm lại là anh nói chuyện “thành công của chương trình” trong khi tôi hỏi “bao nhiêu tiền?”. Quê một cục.
Kiểu anh vậy, lúc nào gặp cũng lắc đầu, than bận lắm mi ơi, đi dạy hết thì giờ, rồi tranh thủ xô chậu kiếm thêm, chẳng có lúc nào để viết. Từ ca khúc đầu tiên khi mới rời trường nhạc, “Chuyện tình hai dòng sông”, cũng được giải này giải nọ, đến nay hơn 30 năm, gia tài vỏn vẹn dư 30 bài hát. Năm xưa được đài truyền hình dựng giới thiệu vài bài, còn phần lớn đang ủ trong ngăn kéo, và lúc nào cũng ôm ấp một thứ muốn viết ra.
Mặc dù hoàn cảnh bây giờ đã khác nhiều, một người vừa là nhạc công vừa biết sáng tác như anh, có thể sắp xếp một cuộc sống dễ chịu hơn được, nếu muốn. Vậy mà anh chưa bao giờ nghĩ tới chuyện nghỉ dạy để làm việc khác, để nhàn hơn, để “đi và viết cho sướng” như anh mong mỏi. Từ khi quen biết anh, chưa bao giờ tôi thấy anh thoát khỏi cái vẻ một ông giáo nghèo. Nghèo thực sự chứ không phải nói chuyện thanh bạch điệu đà đâu. Anh cũng không hề giấu hay tỏ ra mặc cảm vì cái nghèo đó. Tuồng như với anh, cái mức sống bình bình giữa ranh giới thiếu và đủ cũng thú vị như chuyện vừa gắn đời mình với bọn trẻ con vừa lắc đầu bận lắm bận lắm... Rồi có lúc nhõn ra chút thì giờ mà viết vài bài hát, cũng như thường nhõn ra ít tiền “nhàn rỗi” mà đi... cho người khác vậy.
Lần này anh lại cười khoe, cả năm rồi tao “chưa bao giờ không có tiền” hết mi ơi. Không nhiều, cứ dăm bảy trăm thôi, nhưng lúc nào cũng có... Nói nghe như tiền trên trời rớt xuống, thực ra là anh thường được mời biểu diễn hay tổ chức các chương trình văn nghệ cho các hội đoàn, doanh nghiệp... Lại khoe, có lúc thỏa thuận thù lao một triệu, mà tao làm nhiệt tình đàng hoàng quá, xong họ thưởng thêm tới hai triệu đồng. Và anh vui với những khoản thưởng ngoài mong đợi ấy.
Và anh vui vì những khoản tiền khiêm tốn “lúc nào cũng có” cho anh phương tiện để giúp người khác. “Cứ lúc nào có vài trăm là tao tìm người cho. Mình không có nhiều, nhưng cứ lai rai đều rứa cũng được... Nhiều người còn khổ lắm...”. Từ những đứa học trò thiếu áo thiếu vở, đến những phận đời nơi này nơi kia, đều có cơ hội nhận chút gì từ Công Dũng khi anh biết đến và “có vài trăm” trong túi.
Vĩ thanh
Thanh thản. Câu chuyện đầu năm với Công Dũng trong một café tình cờ đọng lại với tôi chừng đó. Tôi cũng hơi lây cái nhẹ nhõm của một người sống không cầu cạnh chi nhiều, và lúc nào cũng nhìn xuống để biết san sẻ. Ngay cả khi tôi tọc mạch chuyện quá khứ (xin thú thiệt là với ý định mách lẻo với bạn đọc ở đây), anh cũng kể nhẹ bâng tuồng như những đoạn trần ai ấy chẳng để lại “di chứng” gì đáng kể. Anh nói thẳng tưng, “tao mấy lần để thư lại định chết vì khổ quá”, mà nghe giống như “tao từng viết thư tán gái” vậy.
Anh tỏ ra hài lòng với cuộc sống hiện tại, khi kiếm vừa đủ tiền để sống và có thể chia chút ít với người khác. Và ôm ấp một dự định tương lai vì “mấy năm rồi chưa làm được”. Đó là tổ chức một đêm nhạc vừa giới thiệu một số sáng tác của mình vừa gây chút quỹ giúp cho trẻ cơ nhỡ. Anh nói, sang năm là rảnh, chắc bắt đầu làm được. Hỏi anh sao lại rảnh? - Tao về hưu, 60 rồi.
Tôi muốn ngã ngửa trước khi nhớ ra nhiều lớp học trò anh dạy lúc mới biết mặc quần, đến khi dẫn con tới trường gặp thầy đều reo lên, sao thầy cứ y như hồi xưa!
Thiệt, ai mà tin được ông Dũng đen đã 60 hả trời?
MINH ĐIỀN