Ấm áp tình quê

NGUYỄN TAM PHÙ SA 10/01/2016 07:34

Tình Quê, tập tản văn của nhà thơ Sơn Thu ra mắt bạn đọc và bà con Duy Xuyên, Quảng Nam vào dịp xuân Bính Thân, 2016. Đây là tác phẩm thứ 21 của anh dành tặng quê nhà, nơi anh sinh ra cùng thời với một số nhà thơ đồng hương trưởng thành sau 1975, hiện đang sinh sống ở phía Nam.

Tình Quê là một hiện tượng văn học lạ lẫm, ít thấy bởi cái ấm áp của tình người, tình quê và sự dũng cảm đầy nhân ái, khiến người đọc dễ dàng cảm nhận những gửi gắm chân tình, đầy trách nhiệm của người con “đi giữa quê hương vẫn nhớ nhà”, qua đó thấy được cái hay, cái đẹp của văn học địa phương.

Trong lúc nhiều người cầm bút muốn khẳng định đẳng cấp, tên tuổi cứ… nhăm nhăm hướng tới bóng đa, bóng đề, thì ở Tình Quê, nhà thơ Sơn Thu làm ngược lại. Trong cái nôi ơn trọng nghĩa dày của vùng đất dâu tằm Duy Xuyên, ngoài việc hàm ân, vinh danh công đức xứ sở anh còn chịu nhích lại gần những nhà thơ cùng quê mà lâu nay ít được nhìn ngó tới và có khả năng tác giả lẫn tác phẩm của họ bị lãng quên. Những gương mặt thơ của anh, ngoài cố thi sĩ Bùi Giáng, phần lớn còn lại là những người làm thơ vì yêu chữ nghĩa và vẻ đẹp trong thơ của họ, ở chừng mực nhất định vẫn có giá trị về mặt văn học lẫn nhân văn, nhưng chưa được đánh giá đúng mức về cái hay, cái đáng  đọc. Anh Sơn Thu đã dành nhiều thời gian đọc và nhặt ra những cái hay cái quý trong những dòng thơ lấp lánh vẻ đẹp của Quảng Nam ấy. Bằng ngôn ngữ sinh hoạt của người Việt và bằng sự thông hiểu và chia sẻ tận tình tác phẩm, tác giả, anh không để “cái tôi” ngớ ngẩn dẫn đường. Chính vì thế, tác phẩm Tình Quê rất gần gũi với người đọc, ngay cả với người bình thường của xứ ươm tơ dệt lụa chứ chưa nói đến sự đồng cảm của giới trí thức. Có thể nói, Tình Quê  là tác phẩm văn học phục vụ nhu cầu xem đọc của quần chúng. Tôi tự nghĩ, nếu nhà thơ Sơn Thu không làm việc này cho  Duy Xuyên thì khó có ai chịu chấp bút. Cần có nhiều hơn những nhà thơ có tầm lẫn có tâm như anh Sơn Thu.

Tuổi già và bệnh tật, việc đầu tư trí tuệ, công sức để Tình Quê về tới quê nhà, đến được với mọi người giữa lúc sức khỏe của anh ngày một suy kiệt là việc làm đáng trân trọng. Bằng lòng trân quý và kính trọng, tôi gọi anh là “người khác thường”  có cái tâm “Bồ tát” với Người và Đất Quảng Nam.

NGUYỄN TAM PHÙ SA

NGUYỄN TAM PHÙ SA