Nhạc sĩ Thanh Anh và "Cô du kích Đà Nẵng"

ĐĂNG NGỌC 27/12/2015 07:53

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những ca khúc một thời thôi thúc, giục giã bước chân đồng bào, chiến sĩ hăng hái chiến đấu trên khắp các mặt trận… thì vẫn còn vọng mãi trong tâm hồn bao thế hệ. “Cô du kích Đà Nẵng” của nhạc sĩ Thanh Anh là một bài ca như thế.

Nhạc sĩ Thanh Anh.
Nhạc sĩ Thanh Anh.

Tôi gặp Đại tá, nhạc sĩ, NSƯT Thanh Anh tại nhà riêng của ông ở cư xá Quân đội nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Tri Phương, TP.Đà Nẵng vào một sáng mùa đông. Dù đã rời cương vị Trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật Đoàn ca múa quân khu V hơn 15 năm, nhưng nếp sống của người lính vẫn còn nguyên vẹn trong căn nhà ông. Nhạc sĩ vẫn đều đặn sáng tác về người lính và nhiều đề tài khác. Vẫn nụ cười hiền và dáng người nhanh nhẹn như trong bức ảnh ông chụp ở chiến khu thuở viết ca khúc “Cô du kích Đà Nẵng”.

“Cô du kích Đà Nẵng” ra đời vào một đêm mưa lạnh cuối đông năm 1968. Đêm ấy, giữa rừng rậm chiến khu nơi miền tây huyện Đại Lộc, khi mọi người đã yên giấc, nhạc sĩ Thanh Anh lúc ấy là trưởng đoàn Văn công quân giải phóng Trung Trung bộ, vẫn cắm cúi ngồi viết bên chiếc đàn ghi ta, chiến lợi phẩm mà ông cùng đồng đội thu được trong trận đánh hạ đồn Đắc Hà. Đàn thủng nhiều chỗ, nhưng vẫn còn đủ dây để cho ca khúc “Cô du kích Đà Nẵng” và sau đó là nhiều ca khúc khác liên tục ra đời như “Tải đạn ra chiến trường”, “Anh đi hơn con chim bay” hay “Khúc hát ban mai”… kịp thời phục vụ đồng bào, chiến sĩ  ở chiến trường đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Vào bộ đội ở tuổi 16, chàng trai đất Phù Cát - Bình Định chưa một lần được đặt chân đến đô thành Đà Nẵng, nhưng qua lời kể của đồng đội về sự gan dạ, dũng cảm và mưu trí “xuất quỷ nhập thần” của các nữ chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng đã thôi thúc ông viết “Cô du kích Đà Nẵng”. Bài hát khi mới ra đời được phổ biến, tập luyện trong đoàn văn công và biểu diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ ở khắp chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau đó được ca sĩ Kim Oanh lần đầu tiên hát trên sóng Đài TNVN và được đón nhận nồng nhiệt, trở thành bài hát nằm lòng của nhiều người, trong đó đặc biệt là các nữ biệt động thành đang ngày đêm chiến đấu trong lòng địch. Vì sao “Cô du kích Đà Nẵng” lại có sức lan tỏa mạnh mẽ như vậy? Theo nhà báo Nguyễn Đức Hùng - nguyên ủy viên BCH Tổng hội sinh viên Đà Nẵng thời bấy giờ thì “Có một điều hình như với “Cô du kích Đà Nẵng”, ai cũng cảm thấy có mình ở trong đó, nhất là các nữ biệt động thành. Chính vì thế bài hát nhanh chóng được lan truyền rộng rãi... Chúng tôi biết đến bài hát này lúc đang ở trên chiến khu, nghe giọng hát Kim Oanh qua sóng Đài giải phóng, chúng tôi vô cùng phấn khởi, như hoà vào không khí sục sôi của những ngày đấu tranh nơi đô thành Đà Nẵng, như nhìn thấy hình ảnh những cô du kích xông pha trên mọi nẻo đường… Và bài hát đã truyền lửa cho chúng tôi vượt qua gian khó…”.

Với “Cô du kích Đà Nẵng”, nhạc sĩ Thanh Anh đã vận dụng khá nhuần nhuyễn chất liệu dân ca xứ Quảng với lối kể tự sự kết hợp chất trữ tình, nốt nhạc giản dị, trong sáng và lạc quan… nên dễ thuộc, dễ hát, dễ đi vào tâm hồn người nghe và lan tỏa. Nhạc sĩ Trương Đình Quang, Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam khái quát về góc độ âm nhạc lẫn phong cách thể hiện của Thanh Anh trong “Cô du kích Đà Nẵng” như sau: “Bằng những chuỗi móc kép nối tiếp nhau, hình tượng các cô gái nhí nhảnh, hồn nhiên, tươi trẻ được thể hiện sắc nét ở bốn nhịp đầu mở vào ca khúc. Đoạn một với hai câu nhạc cân đối như câu hỏi của người bạn gái hỏi cô du kích rồi là câu trả lời của cô với cuộc đấu tranh cách mạng, về trách nhiệm của tuổi trẻ khi Tổ quốc có chiến tranh… Bạn gái bảo em, mi là dũng sĩ / Em chỉ cười chưa biết nói chi / Bạn gái hỏi em, diệt bao nhiêu Mỹ / Giữa Đà thành mà Mỹ ngụy hoang mang/ Có gì đâu nhiều bạn gái như em / Tuổi đời đôi mươi tạm rời đèn sách… Đoạn hai là cuộc trò chuyện giữa đôi bạn trẻ về niềm tin tất thắng của chính mình và của thành phố thân yêu: Em còn đi, em còn đi mãi xuống đường / Đà Nẵng nổi kèn xung trận / Em xông tới…

Chúng tôi khá bất ngờ khi cùng nhạc sĩ Thanh Anh được gặp lại một số “nguyên mẫu” trong bài hát của ông - những nữ biệt động thành Đà Nẵng năm xưa như chị Tám Tuyết, Lê Thị Hải Châu… Được nghe chính họ kể lại câu chuyện của mình năm nào trong vòng hai tiếng đồng hồ, bằng phương thức vận động chiến thoắt ẩn, thoắt hiện trên đường Trưng Nữ Vương với những quả lựu đạn ném chuẩn xác đã đánh liền sáu trận, làm hỏng hai xe GMG, diệt mười hai lính Mỹ và làm bị thương nhiều lính Mỹ khác vừa đi càn quét mới đặt chân về cư xá… Và nhiều trận đánh oai hùng khác làm khiếp vía kẻ thù. Giờ đây, dù đã cận kề tuổi lão, các chị vẫn giữ được sự “trẻ trung” và sôi nổi như ngày xưa trên đường ôm mìn đánh địch. Gặp nhạc sĩ Thanh Anh, chị Tám Tuyết khá xúc động. Chị nói: “Công nhận mấy anh nhạc sĩ giỏi thiệt, công việc mình làm, ổng có thấy đâu mà nói trong bài hát y như là chứng kiến vậy. Đà Nẵng thì có biết bao cô du kích nhưng mỗi khi nghe bài hát này thì cứ nghĩ là mình chứ không ai khác... Thiệt là tài!”.

Sau ngày hòa bình, “Cô du kích Đà Nẵng” vẫn được cất lên mới mẻ, trẻ trung như những ngày sục sôi trong các đô thành miền Nam những ngày chiến tranh ác liệt. Ca sĩ Du Lam - một giọng hát không chuyên trưởng thành từ phong trào nghệ thuật quần chúng ở Đà Nẵng đã thể hiện khá thành công bài hát này. Chị đã hát bằng cả tấm lòng và trái tim của một người được sinh ra trong hòa bình khi nghĩ về những chiến công oanh liệt của những thế hệ đi trước. Du Lam bây giờ cũng đã ngoại tứ tuần, nhưng khi chúng tôi gợi ý chị hát lại “Cô du kích Đà Nẵng” - chị vẫn chứng tỏ được sự ngọt ngào của giọng hát qua từng câu, từng chữ. Với chị dường như bài hát đã thấm vào tâm hồn, mãi mãi ở lại và rung động bất cứ lúc nào.

ĐĂNG NGỌC

ĐĂNG NGỌC