Nàng Kiều chơi saxophone
Người con gái mảnh mai, xinh xắn, hai tay nâng cây kèn saxophone, mắt nhắm, đưa hồn theo tiếng kèn nhẹ nhàng, du dương, bay bổng… là một hình ảnh đẹp và quyến rũ ở phòng trà Thanh Trà (Đà Nẵng). Thy Kiều trở thành “hiện tượng lạ” khi là cô gái duy nhất đang chơi saxophone tại Đà Nẵng.
Thy Kiều bên cây kèn saxophone. |
Đã gần nửa khuya, Thy Kiều nhẹ nhàng rảo bước lên sân khấu nhỏ như lòng bàn tay, cúi chào khán giả và bắt đầu chìm đắm vào giai điệu đầy cảm xúc của tiếng kèn trong ca khúc “Gặp mẹ trong mơ”. Vẻ ngổ ngáo đầy cá tính ngoài đời vụt mất, nhường chỗ cho một cô gái đầy chất nghệ sĩ, tự nhiên và phiêu diêu trong những giai điệu nồng nàn, da diết.
1. Những ai lần đầu tiên nhìn thấy Thy Kiều trên sân khấu đều sững sờ ngạc nhiên. Bởi trong suy nghĩ của nhiều người, chơi kèn saxophone thường dành cho nam giới. Ở tuổi 28, với dáng thanh mảnh, mái tóc xoăn bềnh bồng, nụ cười tươi, Kiều mang dáng một cô gái ôm kèn đầy quyến rũ. Chính những điều đó làm cho cô trở nên “khác biệt”, thu hút sự chú ý, để lại ấn tượng trong khán giả. “Đừng nghĩ chơi saxophone lúc nào cũng phải mạnh mẽ, rắn rỏi; phải phùng mang, trợn má lên mới thổi được. Saxaphone cũng có loại đơn giản, dịu dàng, tha thiết” - Kiều nói. Thành ra, khán giả ghé đến phòng trà vẫn thấy một Thy Kiều “liễu yếu đào tơ”, thổi những ca khúc lãng mạn, dễ nghe, dễ thẩm thấu nhưng không dễ quên như “Gặp mẹ trong mơ”, “Giấc mơ trưa”, “My heart will go on”…
Với nhiều khán giả, nghe thổi kèn không giống việc nghe ca sĩ hát, khó phân biệt thế nào là hay, thế nào là không hay. Hoặc người có chút hiểu biết sẽ dễ dàng cảm nhận và say mê, ngược lại thì rất dễ chán. Nhưng Thy Kiều lại bảo: “Thổi kèn cũng dùng hơi như ca sĩ, cũng xuất phát từ tâm hồn của người nghệ sĩ. Vậy nên cảm xúc sẽ chi phối nhiều đến làn hơi của tiếng kèn”. Đó cũng là lý do cùng một bài hát nhưng mỗi đêm khán giả lại nghe tiếng kèn khác nhau đôi chỗ: lúc bay bổng, cao vút; lúc chậm rãi, nồng nàn; lúc lãng đãng, chơi vơi; lúc thâm trầm, lắng đọng… Những cảm xúc đa dạng đó đã được tạo ra chính bằng những hơi thở từ đáy lòng của người chơi. Cái thú vị của người làm nghệ thuật nói chung và người chơi kèn nói riêng chính là mỗi đêm là một trải nghiệm khác. Khán giả cũng vì lẽ đó mà bị cuốn hút nếu trót say mê.
2. Gần 10 năm trước, Thy Kiều đến với cuộc thi ca hát nhỏ tại TP.Đà Nẵng và may mắn được giới thiệu đến học nhạc tại nhà của nhạc sĩ Minh “kèn”. Nhạc sĩ Minh “kèn” tên thật là Đinh Ngọc Minh, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Thời trẻ, ông từng chơi nhạc sôi nổi ở khắp nơi, tham gia các ban nhạc. Nhưng khi căn bệnh võng giác mạc làm 2 mắt của ông mờ đi, ông lui về làm việc tại các phòng trà tại Đà Nẵng vào ban đêm, ban ngày dạy các học trò tại gia đình. Ông từng thổi kèn, đánh gitar và phối khí trong 2 album nhạc Trịnh của ca sĩ Ánh Tuyết và chơi nhạc trong liveshow của chị tại Hà Nội. Cô nhớ lại: “Tôi ở lại nhà thầy, được gia đình thầy coi như con cái, ban ngày học hát, ban đêm đi hát kiếm tiền. Một hôm thầy đưa cây kèn biểu tôi thổi thử. Thổi xong thầy khen có làn hơi dài, có năng khiếu dù âm thanh phát ra lúc đó chẳng khác nào tiếng… tàu hú”. Không lâu sau đó, Kiều nhận thấy cây kèn hay hay, khi cầm thổi cũng ngộ ngộ và bắt đầu thích thú mò mẫm. Nhạc sĩ Minh “kèn”- với linh tính nghề nghiệp của mình - công nhận Kiều có một khả năng học hỏi nhanh, dễ thích nghi nên dồn tâm huyết chỉ dạy.
Chơi kèn không dễ kiếm tiền nhưng nó lại mang đến cho tôi nhiều thứ mà người khác không có được. Đó là cảm xúc thi vị giữa cuộc đời. Tiếng kèn giúp tôi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, giải tỏa áp lực cuộc sống. |
Nhưng ngay từ lần đầu tiên cầm cây kèn trên tay cho đến mãi sau 2 năm sau đó, Kiều cũng không bao giờ tưởng tượng nỗi là mình gắn bó với nghề này lâu đến vậy. Bởi Thy Kiều luôn nghĩ mình là người… ham chơi nên khó lòng kiên nhẫn tập một nhạc cụ khó như kèn saxophone. “Những ngày đầu tập kèn ám ảnh khủng khiếp! Mỗi lần lấy hơi là choáng váng, đau lưng, mờ mắt mà thổi chẳng ra được nốt nhạc nào. Tập nhiều đến nỗi còn thổi cả trong khi ngủ. Thời gian đó tôi sút đến mấy ký, người ốm và xanh xao vì mệt, không ăn ngủ được”- Kiều nhớ lại. Theo cô, người thổi saxophone cần phải có thể lực, đôi tay phải khỏe để giữ kèn không bị mỏi. Sau đó là sự khéo léo điều khiển, điều tiết hơi thở. Tuy vất vả nhưng sự tận tình của nhạc sĩ Minh “kèn” đã nhen nhóm lên cho cô tình yêu cây kèn. “Không chỉ truyền dạy nghề, thầy Minh còn truyền cảm hứng âm nhạc giúp tôi giúp tôi trụ được với nghề đến bây giờ”- cô bày tỏ.
3. Là trò của nhạc sĩ Minh “kèn” nên Thy Kiều có nhiều điều kiện thuận lợi để học nghề và đi diễn sớm. Hai tuần sau khi học là cô nhận được show diễn đầu tiên. Kiều nhớ lại: “Đang ngồi tập kèn thì bạn thầy tới rủ thầy đi diễn, thầy liền giới thiệu “đệ tử” là tôi cho bạn mình. Thế là chiều hôm đó tôi được đi làm luôn. Thù lao được 300 ngàn đồng, tôi mang về cất mãi không dám tiêu”. Kiều bảo không thể quên được cảm giác lần đầu đứng trên sân khấu: run, hồi hộp nhưng vui sướng và hãnh diện vô cùng dù chỉ là thổi bè ở một đám cưới. “Tôi lờ mờ nhận thấy cái nghề mình được trân trọng khi khán giả vỗ tay, bắt tay, chụp hình, xin số điện thoại mời biểu diễn” - cô chia sẻ. Sau đó cảm giác hạnh phúc lặp lại không chỉ hằng đêm ở sân khấu mà trong những giờ tập luyện khi cô thổi được một nốt nhạc khó.
Cô gái trẻ không giấu chuyện mình từng có ý định bỏ nghề đến mấy lần vì nghề thổi kèn ít có đất dụng võ, thu nhập thấp và bấp bênh. “Có lúc vì miếng cơm manh áo, tôi đã chơi kèn ở đám cưới. Thường lúc mình thổi thì khán giả ăn uống, nói cười, không thèm quan tâm. Tự dưng tôi thấy tủi thân cho nghề của mình!”- cô bộc bạch. Thấy nghề đôi khi “bạc” là vậy nên Kiều có ý định tìm công việc khác để làm. “5 lần 7 lượt định bán nhưng bán không được, thậm chí có người chịu giá cả rồi nhưng lại trục trặc không mua. Tôi nghĩ cây kèn duy nhất này có duyên với mình và tôi biết mình chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài chiếc kèn saxophone”- cô kể. Bây giờ, Kiều không còn quan trọng việc kiếm ra tiền bao nhiêu mà quan tâm hơn là được sống với niềm đam mê của mình.
4. Thy Kiều quan niệm: “So với nhiều người, cô vẫn có phần may mắn khi đã tìm được một sân chơi cho riêng mình, không gian đẹp và sang trọng, dù lịch diễn không thường xuyên đi nữa. Chơi kèn không dễ kiếm tiền nhưng nó lại mang đến cho tôi nhiều thứ mà người khác không có được. Đó là cảm xúc thi vị giữa cuộc đời. Tiếng kèn giúp tôi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, giải tỏa áp lực cuộc sống”. Vậy nên không quá mà nói rằng, từ khi tìm đến chiếc kèn saxophone, cô như có thêm một người bạn. Chơi kèn đã trở thành thói quen hàng ngày, nếu hôm nào không được chơi thì cô thấy trống trải, bứt rứt lắm! Kiều còn bảo chính tiếng kèn làm mình thay đổi hẳn: “Ngoài đời tôi cá tính, nóng nảy như đàn ông nhưng khi bước lên sân khấu, cất lên tiếng kèn là lúc tôi thấy mình…đàn bà nhất”.
Mỗi ngày Thy Kiều miệt mài, say sưa khám phá những thanh âm diệu kỳ từ cây kèn saxophone. Nếu chứng kiến Kiều ở sân khấu là sự phiêu đến tận cùng của cảm xúc thì khi ở phòng tập, ở nhà, cô lại là người cẩn trọng, tỉ mỉ, kiên trì làm tới cùng mới thôi. Kiều đang chuẩn bị cho một khóa học kèn ở Hà Nội để nâng cao tay nghề. “Tôi thấy mình còn chưa hoàn hảo nên tranh thủ mọi cơ hội để học tập thêm. Tôi không ước mơ nổi tiếng mà chỉ hy vọng vẫn giữ được niềm đam mê với nghề dài lâu”- cô chia sẻ.
MINH NGA