Bức xúc không làm ta vô can

LÊ QUÂN 19/12/2015 11:41

“Những người thật sự làm việc, đóng góp cho xã hội sẽ không tiêu phí năng lượng của mình vào sự cáu kỉnh”, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả tập sách “Bức xúc không làm ta vô can”, chia sẻ.

Bìa sách “ Bức xúc không làm ta vô can”.
Bìa sách “ Bức xúc không làm ta vô can”.

Đặng Hoàng Giang – một tiến sĩ người Áo gốc Việt, có khả năng “đọc vị” đám đông khá thông minh, khi những bài viết trong tập sách của anh, dù sắc sảo, gai góc, thẳng thắn nhưng dòng văn vẫn cho thấy một tâm hồn người Việt giàu bao dung. Ông viết: “Không một từ tiếng Việt nào lại có một sự nghiệp thăng tiến ngoạn mục như vậy. Từ chỗ vô danh cách đây 7, 8 năm, bây giờ, nếu gõ “bức xúc” vào Google, ra sẽ được 29 triệu kết quả, gấp gần 10 lần “Ngọc Trinh”, một con số ấn tượng cho một từ có “làn da xấu xí” như vậy”. 26 bài viết là 26 câu chuyện từ quen thuộc như thịt chó, ấn đền Trần, phẫu thuật thẩm mỹ, từ thiện câu like… đến tưởng như vĩ mô xa xôi như sự tàn phá của kinh tế thị trường, lý do khiến quốc gia thất bại, du lịch đại trà… Hay đó còn là các vấn đề văn hóa chưa bao giờ hết nóng như sính ngoại, sự trỗi dậy của tư duy phong kiến và bảo thủ…

“Họ viết một status bày tỏ bức xúc mạnh mẽ về một vấn đề rồi đi nghỉ trong căn phòng ở một resort Đà Nẵng, trước khi ngủ còn kiểm tra xem đã đủ 50 like chưa” – một ví dụ của Đặng Hoàng Giang về cách cư dân mạng bày tỏ bức xúc, vừa thật vừa giễu nhại. Hay câu chuyện vào một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, trên đoạn quốc lộ qua địa phận tỉnh Quảng Nam, một tài xế xe tải chở xoài vụng về tránh một xe máy cùng chiều, cua tay lái gấp, và làm xe lật nghiêng. Người dân xung quanh xúm lại chia nhau bảo vệ hiện trường và giúp tài xế thu gom xoài nằm vung vãi. Các báo đăng tin ngắn về sự việc. Hôm sau, câu chuyện rơi vào quên lãng. Và Đặng Hoàng Giang suy nghĩ về câu chuyện đó, thông qua sự đối sánh với chuyện “hôi bia” ở Đồng Nai. Anh viết, “tôi tin nếu người dân lao vào hôi xoài thì ngay lập tức dư luận sẽ lên tiếng (…), nhưng câu chuyện nhỏ này cho thấy là chúng ta, một cách vô thức, thờ ơ với các tin tốt, nhưng lại quan tâm đặc biệt tới các tin xấu. Tin tức về những “tệ nạn” hay “bất cập” trong xã hội cung cấp cho chúng ta những cái cớ để than phiền và kêu ca. Phàn nàn, bực dọc, cáu kỉnh, chê bai đang trở thành những trạng thái thường trực trong dư luận. Các trạng thái này được gói ghém một cách tài tình trong từ “bức xúc”. Và Đặng Hoàng Giang lý giải hội chứng “bức xúc” khá hợp lẽ, đúng e của tâm lý đám đông, đó là khi chúng ta lên tiếng phê bình hay than phiền về một điều gì đó, chúng ta chứng tỏ cho người khác và cho bản thân là chúng ta không thờ ơ, vô cảm mà vẫn còn quan tâm, lo lắng. Hơn nữa, khi chê trách người khác, chúng ta cảm thấy ưu việt về mặt đạo đức, và tự hài lòng vì thấy mình tốt đẹp hơn. Khi “bức xúc”, chúng ta phát ra tín hiệu là chúng ta vô can và vô tội. Nhưng Đặng Hoàng Giang viết, “chúng ta không vô can. Cuộc sống của mỗi cá nhân đang đặt trên nền của bao nhiêu bất công và phi lý. Có thể chúng ta không phải là những kẻ trực tiếp tạo ra bất công, nhưng cuộc sống của chúng ta đang phụ thuộc vào những kẻ đó, chúng ta ngồi cùng bàn tiệc với họ”.

Với riêng chuyện “bức xúc” ở đám đông thôi, người đọc đã phải gật gù với Đặng Hoàng Giang. Nhưng tập sách của anh còn nhiều hơn thế.  Mang dáng dấp của một khảo cứu nhỏ, “bức xúc không làm ta vô can” đã chỉ ra khá rõ những “trạng thái” của một xã hội đương đại, với nhiều nguy cơ đáng lo âu. Trong một chia sẻ với báo chí mới đây, anh nói, trong nhiều trường hợp, giận dữ – bức xúc là khởi điểm khiến người ta xắn tay áo lên hành động. “Nhưng trong rất nhiều trường hợp, người ta sa vào những cơn bức xúc liên miên, và thường kết thúc ngày của mình bằng sự cáu kỉnh, giận dữ triền miên mà không dẫn tới một hành động nào cả. Những người thật sự làm việc, đóng góp cho xã hội sẽ không tiêu phí năng lượng của mình vào sự cáu kỉnh”. Tập sách này, như lời tác giả, mong sẽ là một cú hích, làm giật mình, gây suy tư, thậm chí hoài nghi – những điều cần thiết để có được tư duy phản biện… với đông đảo những người trẻ hiện nay.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN