Cùng Nguyễn Tấn Sĩ về miền lục bát
Ở Quảng Nam, Nguyễn Tấn Sĩ là một trong số không nhiều những nhà giáo làm thơ nổi tiếng. Hơn 30 năm trước, anh đã có những bài thơ, những câu thơ rất hay, hay đến ám ảnh. Anh còn nổi tiếng là người làm thơ rất nhanh, 5 phút đã có thể có một bài thơ ra thơ hẳn hoi. Và, anh nổi tiếng còn vì đã tạo lập được cho mình một hành trình thơ riêng khá thú vị, được in dấu trong 3 tập thơ đã xuất bản.
Tập thơ đầu xuất bản cách đây gần 30 năm, Nguyễn Tấn Sĩ chọn cái tựa rất “nóng”: “Mặt trời và cơn khát”, tranh bìa cũng “bỏng rát” với một vòng tròn đỏ chói và hẳn nhiên, thơ cũng riết róng, “nóng bỏng”. Ví như mấy câu sau sau: “Những dũng sĩ đâm lê Núi Thành/ giờ còn sống có khi buồn biết mấy/ cứ mường tượng một đường lê đâu đấy/ chực đâm mình từ phía sau lưng” (Dưới chân tượng đài). Đến tập thứ hai, cái tựa trở nên “nhu mì” hơn - “Lời hát khẽ”, với bức tranh bìa lấy màu xanh lơ làm tông chính, mềm mại và hiền lành. Và, thay cho những câu chữ giãy nảy chòi đạp như ở tập đầu là những cuộc tìm về lặng lẽ, những tiếng thở dài kín đáo mà xót xa... “Đèn kéo quân/ em thắp lửa vu quy/ thu như thể nhen lòng tôi rát bỏng/ thương yêu ấy kéo quân vào vô tận/ có mình tôi kỷ niệm thả lên trời” (Ngọn đèn thu). Đến tập thứ ba, tập “Màu rêu lục bát”, cả cái tựa lẫn hình dung bên ngoài đều toát lên sự im lặng, vô ngôn. Và ở “chặng thứ 3” này, anh có sự rẽ lối rất rõ. Ở tập đầu, anh chỉ có 3 bài lục bát. Đến tập thứ hai, anh trình ra 12 bài lục bát (trong số 55 bài cả tập) và đến tập thứ ba, có tới 52 bài lục bát (trừ bài “Trích dẫn rêu xuân” thay cho lời tựa). Có vẻ như anh đang dẫn dụ cảm xúc, cũng có thể là cảm xúc đang dẫn dụ anh, về phía những suy nghiệm, lắng xuống với sự duyên dáng, mượt mà và “cổ điển” riêng có của thơ lục bát.
Rẽ lối sang lục bát, Nguyễn Tấn Sĩ đã có được khá nhiều những câu thơ đẹp đến day dứt: “Yêu người hoa nở một màu/ Xa người mới thấy mình đau đớn lòng” (Như thể thiên thu). Có lúc, anh chỉ “còn bờ cát trắng cõi riêng/ con chim vỗ cánh về miền xuân xa” (Bản thảo). Có lúc anh hẫng hụt dừng lại phía bên này bờ sông tình yêu: “ngựa ô anh khớp ngựa ô/ chưa đeo lục lạc mà đò sang ngang” (Ngựa ô)... Ở góc độ thi pháp và trên phương diện ngôn ngữ thi ca, thì đây là những câu thơ giàu thi tính, giàu phẩm chất thơ, bởi ở chúng, “ký hiệu tự bản thân nó đã hoàn tất một giá trị độc lập” (Roman Jakobson). Chúng không chỉ nói hộ nỗi niềm riêng của người thơ mà còn biểu lộ được chất thơ của chính nó.
Càng gắn với lục bát, ý hướng “tìm về” càng hiện ra rõ hơn trong thơ Nguyễn Tấn Sĩ. Về để biết “vẫn còn một nhánh sông quê/ vẫn còn một chỗ đi về lênh đênh” (Lắng nghe sông gọi). Về để thấy có một cái gì, có thể không phải của mình, vừa tuột mất: “Bây giờ lúa mọc đồng xa/ Gạo mua ngoài chợ, em ra phố phường” (Lúa mọc đồng xa). Đó còn là những cuộc trở về miên man trong mỗi sát-na đời người, dằng dặc như chính “Con đường cát lấm bụi quê/ Dẫn ta về cõi không về nữa đâu” (Cát bụi con đường).
Nhiều khi trên hành trình thơ của mình, Nguyễn Tấn Sĩ lại “phổ” cái tếu táo, bỡn cợt, bông phèng của đời thường riêng anh vào thơ. Nhiều bài thơ của anh vì thế trải ra rất tự nhiên, như thể không phải do tác giả sắp đặt. Ví như: “ngổn ngang gạch đá lá hoa/ mùi xăng xe máy mùi cà phê rang” (Và phố sẽ thu); “mỗi khi nhớ lại xức dầu/ con đường trở lạnh không đâu ấy mà” (Ngoảnh lại, trông theo). Và cũng đôi khi, phía sau cái tếu táo ấy là sự ngưng lắng với những cảm xúc khác biệt: “buồn thăm thẳm mấy cuộc chơi/ xét trên toàn diện là tơi tả mình” (Điều anh chưa biết).
Tuổi tác đang nhuốm sắc chiều lên gương mặt nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Tấn Sĩ. Và thơ anh cũng từng ngày đằm sâu hơn với thể thơ “cổ điển” đằm sâu lục bát. Thế nhưng, giữa những buồn - vui - được - mất - nhớ - quên..., đâu đó thơ anh vẫn đang lặng lẽ cùng anh tiếp tục những cuộc lãng du bất định nhưng đầy cuốn hút: “đêm phố cổ ngủ mà lo uổng giấc/ cuộc phiêu bồng mái ngói ngả nghiêng theo” (Trích dẫn rêu xuân).
PHAN CHÍ ANH