"Phong cách Văn Bi"

PHAN CHÍ ANH 14/11/2015 09:50

Gần 20 năm nay, họa sĩ Trần Văn Binh được giới hội họa biết đến với tư cách là một trong số không nhiều những người chuyên vẽ tranh trừu tượng của Quảng Nam. Tuy “trừu tượng” nhưng tranh của anh không quá “bí hiểm”, được vẽ theo một phong cách riêng mà người trong nghề quen gọi là “phong cách Văn Bi”...

Với họa sĩ Trần Văn Binh, sáng tác cũng là một cách trả ơn cuộc sống. Ảnh: P.C.A
Với họa sĩ Trần Văn Binh, sáng tác cũng là một cách trả ơn cuộc sống. Ảnh: P.C.A

Trải nghiệm “giang hồ vặt”

Cách đây gần 30 năm, khi đang công tác tại Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Điện Bàn, một bữa có người rủ vào Vũng Tàu chơi ít hôm, Trần Văn Binh bèn xách túi lên đường. Chuyến đi chơi gọi là “ít hôm” ấy của Binh cuối cùng kéo ra hơn... 4 tháng. Hàng ngày anh đạp xe rảo khắp Vũng Tàu, vừa dạo chơi vừa kiếm cơm bằng cách vẽ chân dung, vẽ pa nô, bảng hiệu thuê... Lúc bấy giờ, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cảng vụ Vũng Tàu đang trong quá trình xây dựng, thiếu người lo khâu trang trí, tình cờ có người rủ vào làm, thế là anh xách túi đi theo. Sẵn có kinh nghiệm vẽ pa nô, bảng hiệu, tranh cổ động... nên công việc của Trần Văn Binh ở đây khá thuận lợi. “Hầu như người ta đưa ra “đề bài” nào mình cũng làm được, lại làm khá nhanh nữa nên cũng có “uy” lắm” - anh kể. Và không chỉ có vậy, anh còn “liều mình như chẳng có” khi nhận làm cả phần tranh và phù điêu ghép gốm. Thời ấy họa sĩ trang trí còn hiếm nên không ai để ý hay thắc mắc việc một người được đào tạo trung cấp hội họa như anh lại đi làm tranh gốm, phù điêu. Vả lại, những bức tranh ghép gốm do anh thực hiện đều “nhìn được”, bay bổng, có nét riêng nhưng vẫn “đúng lập trình” nên đối tác rất hài lòng.

Họa sĩ Trần Văn Binh.
Họa sĩ Trần Văn Binh.

Đang làm việc đến quên cả thời gian thì đùng một cái, hôm nọ có người đến nhờ anh vẽ tấm pa nô quảng cáo pháo (lúc đó Nhà nước chưa cấm đốt pháo). Khi ngồi vẽ, Trần Văn Binh mới giật mình nhớ ra là đã... sắp tết. Anh gác cọ, ra quán cà phê ngồi nghĩ mông lung. Bỗng đâu có một chiếc xe khách mang biển số 43... (biển số kiểm soát của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) đỗ xịch phía trước. Chàng họa sĩ trẻ mới dợm chân vào chốn “giang hồ” thốt nhiên òa khóc. “Tự dưng thấy nhớ nhà quá chừng, nhớ không chịu nổi, ngồi uống cà phê mà nước mắt cứ trào ra”. Không kịp đi lấy tiền công và cũng chẳng kịp chào bạn bè, Trần Văn Binh leo lên chiếc xe biển số 43..., về quê.

Năm ấy, Trần Văn Binh đón một cái tết cô đơn và không một đồng xu dính túi ở quê nhà.

Tranh trừu tượng “kiểu Văn Bi”

Đầu tháng 10 năm nay, Trần Văn Binh lại đến Vũng Tàu, nhưng không phải là “đi giang hồ” như ngày xưa. Anh đến cùng nhiều anh chị em văn nghệ sĩ khác của Quảng Nam để dự trại sáng tác do Hội VHNT tỉnh tổ chức tại đây. Đến nơi, việc đầu tiên của anh là... chạy ra biển, đứng nhìn miên man về phía núi Tao Phùng, về phía những con tàu đang neo ngoài chân sóng. Và suốt 15 ngày ở trại, hôm nào anh cũng ra biển. Và vẽ. Có tới 3 bức tranh bằng chất liệu acrylic, 4 bức ký họa được vẽ hoàn thiện và 2 bức phác họa ra đời trong ngần ấy ngày - một kết quả sáng tạo mà anh tự cho là “dày đặc” nhất trong mấy mươi năm cầm cọ của mình. Trần Văn Binh bảo: “Ngày xưa mình từng ở đây và vẽ. Bây giờ mình lại đến và vẽ, nhưng cảm giác thì khác rất nhiều, có vẻ như nôn nao hơn...”.

“Biển, mùa gió Nam” - acrylic của Trần Văn Binh.
“Biển, mùa gió Nam” - acrylic của Trần Văn Binh.

Cả 3 bức tranh Trần Văn Binh vừa vẽ ở Vũng Tàu đều được đặt bằng những tên chỉ gồm 4 chữ như cách đặt tên tranh lâu nay của anh: “Ô cửa hướng Đông”, “Góc phố ban mai” và “Biển, mùa gió Nam”. Trong 3 bức, chỉ có một bức trực họa, tả thực (Ô cửa hướng Đông), mà theo lời anh là “để chứng tỏ mình vẽ ở Vũng Tàu”, 2 bức kia đều là tranh trừu tượng. Đây là điều không lạ, bởi gần 20 năm nay Trần Văn Binh đã được giới hội họa biết đến với tư cách là một trong số không nhiều họa sĩ chuyên vẽ tranh trừu tượng của Quảng Nam. Trừu tượng theo một phong cách riêng, có dấu ấn cá nhân, mà người trong nghề vẫn gọi là “phong cách Văn Bi” (Văn Bi là ấn chỉ quen thuộc trên tranh của Trần Văn Binh, không phải là bút danh). Đó là sự đan cài của những đường nét mạnh mẽ, dứt khoát mà day dứt, xa vắng. Đó là những mảng màu ấm lạnh xoáy cuộn thoạt trông khá lộn xộn nhưng kỳ thực lại rất “trật tự”. Đó là những nhấn nhá phá cách như muốn vượt thoát ra khỏi khung toan. Đó là những bức tranh có bố cục bị cắt đôi một cách  ngẫu hứng nhưng xem ra lại đầy dụng ý... Có lẽ vì vậy mà tranh của Trần Văn Binh tuy “trừu tượng” nhưng không quá “bí hiểm”, không quá khó để đánh động thị giác và kết nối cảm xúc người xem.

Họa sĩ Trần Văn Binh sinh năm 1964 tại xã Điện Tiến, Điện Bàn; tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật Huế năm 1985 chuyên ngành hội họa, hiện là họa sĩ trang trí tại Trung tâm VHTT thị xã Điện Bàn. Năm 2000, Trần Văn Binh được kết nạp vào Hội VHNT Quảng Nam và 9 năm sau, trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong mảng tranh cổ động, Trần Văn Binh từng giành được một giải ba và 2 giải khuyến khích toàn quốc. Trong mảng tranh nghệ thuật, ngoài giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, anh còn có 3 lần được trao tặng thưởng tại các kỳ Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên.

Sau một hành trình vẽ tranh nghệ thuật kéo dài hơn 20 năm, giờ đây Trần Văn Binh đã có một bộ sưu tập tranh khá lớn, hầu hết là sơn dầu; các vách tường nhà riêng không còn chỗ để treo. Trong số hàng chục bức tranh ấy, ghi dấu ấn “phong cách Văn Bi” rõ hơn cả vẫn là các tác phẩm mang đầy đủ nhất những “phẩm chất” như vừa kể và đều được đặt tên chỉ với 4 chữ với 2 vế đối nhau rất rõ ràng: “Đầu sóng ngọn gió”, “Một nắng hai sương”, “Gió núi mưa ngàn”, “Đất mặn đồng chua”, “Chớp bể mưa nguồn”, “Đầu ghềnh cuối bãi”, “Phố gần đồng xa”... Và, có một chi tiết thú vị nữa, cũng là một phần trong “phong cách Văn Bi”, ấy là kiểu lao động nghệ thuật ít giống ai. Đó là, thay vì lập ý tưởng, phác thảo, vẽ, chỉnh sửa, rồi đặt tên như nhiều họa sĩ vẫn làm, Trần Văn Binh lại làm theo một quy trình ngược: lập ý tưởng, đặt tên, chỉnh sửa ý tưởng rồi mới vẽ. Anh giải thích bằng một câu chuyện vui, nhưng thật: “Mình là một thằng sống bằng nghề vẽ pa nô, bảng hiệu và tranh cổ động, tất cả đều có tên, có “đề bài” trước, vẽ sau. Cách làm ấy nó đã “lặm” vào người, rồi dẫn dắt cả tư duy, cách làm trong sáng tác, vậy thôi!”.

Biết ơn cuộc sống

Bên cạnh việc có được một bút pháp gần gũi, tranh của họa sĩ Trần Văn Binh không quá khó hiểu còn bởi, theo giải thích của anh là “hầu hết đều được “tả” đúng y như tên của chúng, chỉ cần “diễn giải” cái tên là có thể thấy được hồn vía bức tranh”. Anh bảo, cuộc sống gần quá, thật quá, đẹp quá, cớ sao lại làm nó rối lên, dù qua góc nhìn của tranh trừu tượng. Cuộc sống đã làm anh lên bờ xuống ruộng bao nhiêu lần nhưng cũng chính cuộc sống đã nâng anh lên, cho anh làm người và làm họa sĩ... Gần 30 năm trước, từ Vũng Tàu trở về, chính thức “dừng bước giang hồ”, anh đã bị khủng hoảng khi biết rằng chỗ làm việc của mình ở Trung tâm VHTT Điện Bàn đã có người thay thế. Tưởng sẽ khốn khó với cơm áo gạo tiền, nhưng rồi anh em ở đó thương tình, mỗi khi có việc lại gọi tới cùng làm, được bao nhiêu tiền thì chia đều. Mà đâu chỉ là tiền, họ còn gom góp những sơn, màu còn thừa để cho anh kèm theo lời khuyên: Sáng tác đi!

Sau hơn 20 năm cầm cọ, Trần Văn Binh đã chín hơn trong nghề. Anh vẽ nhiều hơn, nhanh hơn, vững tay hơn và cũng sâu đằm hơn. Và dù trong trạng huống nào, tranh của anh - dù là tranh siêu thực, vẫn luôn tươi rói sắc màu cuộc sống...

PHAN CHÍ ANH

PHAN CHÍ ANH