Đến độ hoa vàng
Đến độ hoa vàng (Nxb Văn học) là tập tản văn, gồm 33 câu chuyện nhỏ đong đầy cảm xúc của nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy. Ngay từ những trang đầu tiên, qua lời văn dung dị của tác giả đã khơi gợi lại những kỷ niệm thân thương, gần gũi về những con người hay khung cảnh thân thuộc mà tôi đã gặp ở đâu đó trong đời. Đọc truyện của chị, tôi nhớ căn gác gỗ mái thấp của nhà tôi… và hình dung ra thung lũng mùa đông lạnh cóng bên bờ con suối nhỏ, trong một buổi chiều tà, gió lạnh hun hút thổi, thổi dạt cả những cây cải cao vồng đang nở hoa. Như vẳng nghe được tiếng sáo Mông, Thái vi vu ở lưng chừng trời ở Hà Giang quê chị. Rất nhiều thứ mà Đỗ Bích Thúy viết giống như viết giùm cho tôi, cho nỗi nhớ của tôi…
Đọc tản văn của Đỗ Bích Thúy có lúc thấy ùa tràn trong trí nhớ những kỷ niệm rất đỗi dễ thương. Chị kể, gia đình chị vốn là nhà nông nhưng lại không có ruộng. Chị nhớ những đêm mưa mà không thể ngủ được, nằm yên nghe trời sáng để đi nhặt những củ lạc, “Hai đứa đi hình chữ Z trên bãi bồi, để không bỏ sót củ lạc nào… hai đứa sẽ nhúng hai xỏong lại xuống dưới suối, xóc mấy cái cho nó sạch bong. Xong xuôi, ngồi trên bò, và bóc một củ lạc, ăn sống…”. Hay những buổi không đi học, leo lên cây mận, hái mận ăn kiểu như Tôn Ngộ Không… mà tôi chắc, với những đứa trẻ được sinh ra ở những miền quê nghèo thì ai cũng từng nghịch ngợm một vài lần vắt vẻo trên cành cây như thế và mơ mộng xa xôi…
Đến độ hoa vàng khiến người đọc rưng rưng chen lẫn những cảm xúc khó tả khi đọc đến chuyện chị kể về những cái tết của gia đình. Đó là lần gần tết cả nhà gói bánh chưng. Muốn bánh để được lâu các anh trai đã ghim những chiếc bánh chưng xuống đáy ao lạnh buốt trước nhà. Đến khi lặn xuống ao để vớt bánh lên thì chả còn cái bánh nào cả, những con cá trong hồ đã khoét và ăn hết ruột bánh. Chị nói đó là cái tết nhớ nhất của gia đình những năm còn sống ở Hà Giang. Tuy rất thiếu thốn mà ấm cúng.
Tản văn của Đỗ Bích Thúy còn dẫn dắt bạn đọc đến với không gian văn hóa miền núi với những cánh rừng, dòng sông ngập tràn hương sắc của mận, trám… “Cái thung lũng có diện tích gần ba nghìn mét vuông, ba phía núi, một phía đường, con suối nhỏ trong vắt chảy qua, cỏ cây xanh tốt um tùm, buổi sáng khướu hót, xẩm chiều bìm bịp kêu, đêm về bìm bịp khắc khoải tính ngày tính tháng; cái thung lũng đã nuôi ba đứa con trưởng thành và ba đứa con như ba con cò ích kỷ đã bay đi, thật xa, đến một nơi mà tiếng chim hót đã biến thành tiếng chim khóc trong lồng và bìm bịp, tắc kè thì nằm yên trong bình rượu...”.
Có những chuyện khiến người đọc thấy day dứt và ám ảnh. Thấy ăm ắp tình yêu của chị dành cho cảnh vật và những con người mà chị nhắc đến. Đó là cảnh nghèo khó của những người hàng xóm “Nghèo khó đến độ bữa cơm nào hay người cũng san đi, rồi san lại từng hạt cơm, từng miếng sắn đắng ngắt trong hai cái bát mẻ.”. Từ chuyện bố mẹ phải bán ngôi nhà gỗ trong thung lũng ở Hà Giang để chuyển về Hà Nội, đồng nghĩa với việc mất đi cả một miền ký ức gắn bó với tuổi thơ.
Đến độ hoa vàng với nhiều câu văn có sức nặng đã đem lại cho người đọc những yêu thương dạt dào và lắng đọng. Tất cả giản dị nhưng đong đầy nỗi nhớ…
BÌNH CHI