Nhà điêu khắc Lê Công Dũng: Thăng hoa cùng đá

PHAN CHÍ ANH 23/08/2015 08:06

Với hơn 20 bức tượng cùng hàng chục bức phù điêu, Lê Công Dũng là một trong số không nhiều những nhà điêu khắc đá trẻ về tuổi nghề nhưng lại có một gia tài nghệ thuật khấm khá. Đặc biệt, anh còn được người trong nghề nhắc đến với tư cách là một nhà điêu khắc “chịu chơi”, bởi thay vì chỉ “làm nguội” trong khâu hoàn thiện tác phẩm như các nhà điêu khắc đá vẫn làm thì Lê Công Dũng lại tự mình cầm máy cắt, trực tiếp thao tác trên đá từ khâu chế tác thô tới khâu hoàn thiện mỗi khi thực hiện.

Lê Công Dũng đang thực hiện một phác thảo tượng danh nhân. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Lê Công Dũng đang thực hiện một phác thảo tượng danh nhân. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thợ vẽ tay ngang

Nhìn vào gia tài điêu khắc và cách “chơi” với đá của Lê Công Dũng, ít ai tin rằng anh vốn xuất thân là một... thợ vẽ tay ngang.

Có chút năng khiếu và lại đam mê nghệ thuật tạo hình, nhưng vì hoàn cảnh không cho phép, Lê Công Dũng không thể theo học các chương trình đào tạo chính quy như nhiều người khác. Anh vào đời khá sớm bằng cách đi làm thợ vẽ thuê cho các tiệm vẽ bảng hiệu quảng cáo ở Đà Nẵng. Khi tay cọ đã cứng cáp hơn, anh xin đầu quân cho các tiệm vẽ chân dung, các cơ sở chép tranh làm hàng lưu niệm. Theo nghề được một thời gian, Lê Công Dũng lại chuyển sang vẽ mẫu cho các cơ sở may thêu len, thảm... Kể về giai đoạn này, anh tâm sự: “Công việc khá nhàm chán nhưng mình vẫn phải theo, trước hết là để kiếm cơm. Thêm nữa, theo nghề này mình còn có cơ hội thỏa mãn được phần nào đam mê cầm cọ...”.

Nhà điêu khắc Lê Công Dũng sinh năm 1964, quê phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, hiện là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, ủy viên Ban Kiểm tra Hội Mỹ thuật TP.Đà Nẵng. Từ năm 2007 đến nay, thông qua triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên, anh đã 5 lần được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng thưởng. Ngoài ra, anh cũng nhiều lần được Hội Mỹ thuật TP.Đà Nẵng trao Tặng thưởng Mỹ thuật hàng năm: giải B năm 2011 cho tác phẩm “Sinh tồn” (đá tổng hợp); giải A năm 2012 cho tác phẩm “Biển đảo” (phù điêu); giải đồng hạng năm 2013 cho tác phẩm “Trống đồng” (tượng granite); giải B năm 2014 với tác phẩm “Thiếu nữ Bana” (tượng granite).

Trong khi công việc đang ổn định thì cuộc sống của Lê Công Dũng có sự thay đổi: trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Vào quân đội, những tưởng sẽ phải suốt ngày gắn với... súng ống hay những chuyến hành quân làm dân vận thì tình cờ, năng khiếu của anh được đơn vị phát hiện. Vậy là ngoài công việc thường ngày của một người lính, anh lại có cơ hội tiếp tục “múa cọ” khi thỉnh thoảng lại được chỉ huy gọi lên yêu cầu tham gia trang trí, kẻ, vẽ pa-nô, bảng hiệu cho đơn vị, nhất là vào các dịp lễ, tết. Lúc đó, anh chỉ nghĩ đơn giản rằng, phải cố gắng làm thật tốt, không chỉ để khỏi bị lụt nghề mà còn để nâng cao tay nghề, ngõ hầu đến lúc ra quân lại tìm về nghề cũ kiếm cơm. Và quả thật, việc đầu tiên của Lê Công Dũng sau khi xuất ngũ là đạp xe rảo quanh các cơ sở chuyên vẽ bảng hiệu quảng cáo, chép tranh, tạo mẫu để tìm việc...

Bén duyên với đá

Chính trong những ngày đầu đi tìm việc ấy, anh lính phục viên Lê Công Dũng đã nhận được đề nghị rất bất ngờ từ một người quen: Về làm... điêu khắc cho một cơ sở đá mỹ nghệ ở Bắc Mỹ An. Tuy rất ngạc nhiên trước đề nghị ấy, nhưng khi được giải thích cặn kẽ, Lê Công Dũng đã nhận lời. Thì ra, trong khoảng thời gian lăn lộn với nghề vẽ thuê, anh đã kịp học được những nguyên tắc cơ bản về không gian, mảng, miếng, hình khối, góc cạnh, đường nét, họa tiết... của nghệ thuật tạo hình. Và đó là những thứ mà những người làm đá mỹ nghệ đang cần. “Công việc của mình lúc đó là “phổ” hình ảnh trên giấy lên đá. Vì nó mới mẻ, khi làm lại phải vận dụng và sáng tạo theo tư duy hình khối nên xem ra khá lý thú. Thế là mình theo...” - Lê Công Dũng kể.

“Tổ ấm” - tác phẩm của Lê Công Dũng được Trại Điêu khắc Quảng Nam chọn để thi công và trưng bày tại Quảng trường 24.3, TP.Tam Kỳ.
“Tổ ấm” - tác phẩm của Lê Công Dũng được Trại Điêu khắc Quảng Nam chọn để thi công và trưng bày tại Quảng trường 24.3, TP.Tam Kỳ.

Tuy nhiên, phải đến năm 2003, Lê Công Dũng mới thật sự có cơ hội bước chân vào địa hạt điêu khắc đá nghệ thuật. Vào thời điểm đó, Dự án điêu khắc Đà Nẵng do Bộ Ngoại giao và Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy tài trợ vừa được khởi động, với hoạt động chính là đào tạo, chuyển giao kỹ thuật điêu khắc tiên tiến cho các nghệ sĩ điêu khắc và thợ điêu khắc đá của TP.Đà Nẵng; tổ chức sáng tác, trao đổi về điêu khắc và điêu khắc nghệ thuật. Dù hiểu biết về điêu khắc còn hạn chế, song Lê Công Dũng vẫn quyết thử sức mình. Anh làm đơn xin dự học, kèm theo vài bản vẽ phù điêu mỹ nghệ trên đá mà anh đã thực hiện trước đó. Đơn của anh được chấp nhận, nhưng vì là người “ngoại đạo” nên buộc phải trải qua phần “sát hạch” bổ sung là “thi vấn đáp trực tiếp” với người chủ trì dự án của phía Na Uy là nhà điêu khắc nổi tiếng Oyvin Storbaekhen. Vào thi, vì tự biết mình chưa hiểu nhiều về nghề nên thay vì nói về những vấn đề chuyên môn, Lê Công Dũng chủ yếu nói về ao ước và niềm đam mê của bản thân đối với điêu khắc đá. Lê Công Dũng kể thêm: “Thi xong, tôi vẫn không biết mình có được chọn hay không, cho đến khi người phiên dịch gọi tôi lại và bảo: Thầy Oyvin đánh giá cao niềm đam mê của anh. Từ ngày mai anh vào học được rồi”.

Một chặng đường nghệ thuật

Được Ban quản lý Dự án điêu khắc Đà Nẵng nhận vào để đào tạo thành một người thợ đá, thế nhưng trong suốt thời gian học tập ở đây, Lê Công Dũng luôn tìm cách tiếp cận với nghệ thuật điêu khắc đá và cố gắng nỗ lực, thể hiện mình theo hướng đó. Với niềm đam mê và kinh nghiệm hình họa tích cóp trước đó, ngoài giờ học chính, anh lại tranh thủ sáng tác nhằm tạo ra những sản phẩm “có đẳng cấp cao hơn hàng mỹ nghệ”. Những phác thảo, những sản phẩm thử nghiệm nho nhỏ của anh sau đó đã lọt vào mắt xanh của các giáo viên, các nhà điêu khắc đá đến từ Na Uy, Hà Lan, Thụy Điển đang làm việc cho dự án ở đây. Anh được các thầy gọi lên, không phải để khen ngợi mà để động viên, góp ý, gợi ý, hướng dẫn từ việc tìm kiếm, xác lập ý tưởng đến việc làm phác thảo và thể hiện tác phẩm ở nhiều kích thước khác nhau...

Bằng niềm đam mê, sự chịu khó mày mò và cả những phương thức học tập đặc biệt ấy, đến thời điểm Dự án điêu khắc Đà Nẵng kết thúc (tháng 6.2009), Lê Công Dũng đã có tới 12 tác phẩm được xếp vào danh mục tác phẩm chính thức của dự án, gồm tượng trang trí và tượng nghệ thuật. Trong đó, đáng kể nhất là các tác phẩm “Huyền thoại Ngũ Hành Sơn” (cẩm thạch trắng), “Vũ điệu” (hoa cương đỏ), “Thời áo trắng” (cẩm thạch trắng), “Khỏa thân 1” (hoa cương đen), “Trầu cau” (sa thạch), “Sơn thủy” (phù điêu cẩm thạch).

Từ bước “khởi động” ấn tượng ấy, sau khi Dự án điêu khắc Đà Nẵng kết thúc, Lê Công Dũng tiếp tục sáng tạo, chăm chuốt hơn, cẩn trọng hơn. Thay vì tự mình lập ý tưởng, xây dựng phác thảo rồi tạc tượng, anh đã chọn phương pháp sáng tạo hướng về phía công chúng. Mỗi khi làm được một phác thảo mới bằng đất sét, anh lại đưa ra bày ở sân nhà mình, thậm chí là bày tận ngoài ngõ, để anh em, bạn bè, người quen có dịp thì đến xem và góp ý. Về việc này, anh bảo: “Chẳng việc gì phải sợ tác phẩm của mình sẽ bị “méo mó, biến dạng” khi bị/ được góp ý. Vấn đề là mình chọn lọc, tiếp thu những góp ý hay, có lý nhưng không làm ảnh hưởng đến tinh thần, hồn vía cũng như bố cục tác phẩm của mình là được”. Có lẽ vì vậy mà cho đến lúc này, một số tác phẩm của anh được dựng tại các điểm nhấn văn hóa ở Đà Nẵng, ở Hội An hay ở Na Uy, Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha... hầu như không nhận bình phẩm trái chiều nào. Mới đây nhất, tại Trại điêu khắc “Ấn tượng Quảng Nam”, Lê Công Dũng là người duy nhất cùng lúc được chọn 2 tác phẩm, gồm “Tổ ấm” và “Bám biển”. Và như nhiều tác phẩm khác của anh, khi còn là phác thảo đất sét 2 tác phẩm này cũng đã trải qua quá trình “soi chiếu” của công chúng.

Sau 12 năm bước chân vào địa hạt điêu khắc đá nghệ thuật, Lê Công Dũng giờ đây đã thật sự thăng hoa và chín đằm hơn với nghề. Quan trọng hơn, anh cho biết là vẫn sẽ tiếp tục học và bám đuổi cuộc chơi không dành cho số đông này...

PHAN CHÍ ANH

PHAN CHÍ ANH