Nặng lòng với quê hương

TRẦN TRUNG SÁNG 30/05/2014 14:07

Sau một thời gian lâm bệnh, nhạc sĩ Thuận Yến - người con của quê hương đất Quảng, tác giả hơn 500 ca khúc, trong đó, đặc biệt nổi bật là các bài hát về Bác Hồ như Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin, Bác Hồ - một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình... đã qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội, vào trưa ngày 24.5. 

Nhạc sĩ Thuận Yến (tại Hội An, năm 2011).
Nhạc sĩ Thuận Yến (tại Hội An, năm 2011).

Lần cuối chúng tôi gặp nhạc sĩ Thuận Yến vào khoảng giữa năm 2011, khi ông cùng vợ là NSƯT Hồ Thanh Hương, đến thăm Hội An và nghỉ tại nhà riêng anh Lê Nuôi (người đóng vai Bernard - phim Ký ức Điện Biên). Hồi đó, chúng tôi - đoàn khảo sát Dự án hành lang kinh tế Đông Tây của Bộ VH-TT&DL, có các anh Hồ Việt, Dương Đăng Cao (đã mất năm 2012)… vốn là những người thân quen với nhạc sĩ Thuận Yến từ nhiều năm trước nên câu chuyện vô cùng rôm rả. Ông kể lại chi tiết nhiều kỷ niệm thú vị về thời thơ ấu, cho đến giai đoạn sau ngày hòa bình về lại Quảng Nam - Đà Nẵng thâm nhập thực tế, sáng tác hàng loạt bài hát như Tượng đài mẹ Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn dáng đứng quê tôi, Em và Hội An (Thơ: Dương Thành Vũ), Khúc hát tháng ba (Thơ: Chính Ngôn), Đà Nẵng của tôi… Tuy nhiên, không lâu sau đó, chúng tôi thật bất ngờ nghe tin nhạc sĩ Thuận Yến ngã bệnh nặng tại Hà Nội. Ca sĩ Thanh Lam - con gái ông, cho hay, càng ngày trí nhớ ông càng giảm sút, không còn nhận ra ai nữa! Kể cả vợ con và bạn thân đến thăm. Những lúc tỉnh táo nhất, ông luôn đòi người nhà cho ông ăn mặc chỉnh tề, chuẩn bị cặp, xách để ông về thăm quê hương Quảng Nam. Tình trạng này kéo dài mấy năm, cho đến lúc ông qua đời.

Nhạc sĩ Thuận Yến tên thật là Đoàn Hữu Công, quê ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Theo lời kể của nhạc sĩ, năm 1940, ở quê ông đã có âm nhạc cải lương, hát bội, hô bài chòi, có âm nhạc nhà thờ công giáo xứ Trà Kiệu… Cha ông biết chơi đàn bầu, và là thầy dạy chữ Nho. Vì vậy, từ nhỏ ông đã biết các nốt nhạc đô, rê, mi… Năm 1949, ông vô Bình Định, gia nhập Ban đại diện văn hóa văn nghệ Liên khu 5 cùng với các nhà văn, nhà thơ Phan Thao, Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh… sau này có thêm các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Dương Minh Ninh… Từ đó, ông  mới đam mê âm nhạc, tự học và tập sáng tác, cùng với sự dìu dắt của đàn anh lớp trước. Năm 1953, ông được biệt phái sang quân đội, phục vụ chiến dịch Bắc Tây Nguyên (1953 - 1954). Sau năm 1954, ông ở lại Đoàn văn công Quân đội Liên khu 5, rồi tập kết ra Bắc, được cử đi học trung cấp ở Trường Âm nhạc Việt nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1965, ông xung phong đi chiến trường B cùng với đoàn văn công Quân giải phóng Trị Thiên. Ông bắt đầu sáng tác và thường xuyên gửi ra Đài Tiếng nói Việt Nam những tác phẩm bằng đường quân bưu. Trong đó, có hai bài đầu tiên là “Hát mừng quê ta giải phóng” và “Mỗi bước ta đi”, đề tên là Thuận Yên (địa danh quê nội và quê ngoại của ông), song không biết vì sao, khi đài giới thiệu lại là Thuận Yến. Từ đó, về sau mọi người quen gọi ông với cái tên Thuận Yến.

Nhìn lại sự nghiệp sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến, ông đã để lại cho đời hơn 500 ca khúc với nhiều đề tài phong phú. Tuy nhiên, mọi người đều công nhận, ông là nhạc sĩ có nhiều bài hát hay nhất về Bác Hồ. Trong tuyển tập ca khúc Thuận Yến có tới 14 ca khúc viết về Hồ Chủ tịch, khi nhắc về ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la”, một trong những sáng tác  ưng ý nhất của mình, nhạc sĩ Thuận Yến kể lại: “Trước khi đặt bút viết, tôi lâm vào bế tắc, có những đêm thức trắng, khiến mắt trũng sâu và râu dài ra. Giữa những bài hát có tính khái quát, trang nghiêm viết về Hồ Chủ tịch của các nhạc sĩ, cuối cùng tôi cũng tìm được một cách thể hiện của riêng mình. Đó là việc sử dụng nhịp 6/8 cùng lời ca giản dị mà ấm áp, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân của các dân tộc cùng chung sống trên dải đất hình chữ S. Thực ra, lúc đầu tôi đặt tên bài hát là: “Bác Hồ, người Việt Nam kính yêu nhất”. Nhưng khi mang sang Đài Tiếng nói Việt Nam thì được góp ý, về chữ nhất. Thế là đêm hôm đó, về đọc lại, suy nghĩ mãi cuối cùng tôi mới đặt được tên “Bác Hồ một tình yêu bao la”. Đây cũng là bài hát khơi nguồn cho những ca khúc tiếp theo của tôi khi viết về Bác như Đôi dép Bác Hồ, Miền Trung nhớ Bác, Người về thăm quê, Vầng trăng Ba Đình...”.

Từ phải sang: ông Dương Đăng Cao, nhạc sĩ Thuận Yến, ông Hồ Việt, phu nhân nhạc sĩ Thuận Yến, diễn viên Lê Nuôi, cô Hương - nhân viên đoàn khảo sát).
Từ phải sang: ông Dương Đăng Cao, nhạc sĩ Thuận Yến, ông Hồ Việt, phu nhân nhạc sĩ Thuận Yến, diễn viên Lê Nuôi, cô Hương - nhân viên đoàn khảo sát).

Riêng với giới trẻ, nhiều người thường yêu chuộng nhạc sĩ Thuận Yến qua bài  tình ca “Chia tay hoàng hôn”. Ca khúc này được nhạc sĩ Thuận Yến tiết lộ là được viết về mối tình với cô nữ sinh Thanh Hương (sau này là vợ ông). Năm 1964, với tình yêu tha thiết, họ đã cùng nhau lên đường vào chiến trường. Đến năm 1968, họ được tổ chức đứng ra làm đám cưới, nhưng vợ chồng chưa bén hơi nhau đã phải chia xa vì người vợ phải ra Bắc để chữa trị bệnh đau khớp gối. Ngã ba đường 9 (Quảng Trị) là nơi đã chứng kiến cuộc chia tay thấm đẫm nước mắt của đôi vợ chồng son trẻ với nỗi đau lặng lẽ vì cuộc ra đi không có ngày hẹn gặp. Đến năm 1991, khi đọc bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” của nhà thơ Hoài Vũ, nhạc sĩ Thuận Yến như được gặp lại kỷ niệm xưa, để rồi ông viết thành nhạc. Ca sĩ Thanh Lam - con gái của nhạc sĩ, được mệnh danh là “Nữ hoàng nhạc nhẹ” cũng bắt đầu nghiệp ca hát từ bài bát “Chia tay hoàng hôn” mang đậm dấu ấn tình yêu của cha mẹ.

Kính viếng anh Thuận Yến
1
Sông nước Thu Bồn thương tiếc anh
Người con tơ lụa tấm lòng thành
Xa quê từ nhỏ còn non trẻ
Âm nhạc đường đời mãi sáng xanh
2
Chinh chiến xa nhà nghĩa nước non
Quê hương vọng mãi ánh trăng tròn
Tha phương kiếp sống đành xa xứ
Lòng hướng quê nhà dạ sắt son
3
Gặp nhau vừa rạng sớm bình minh
Lúc khó khăn thêm gắn nghĩa tình
Bão lũ anh về thăm đất mẹ
Trao quà Hà Nội tặng Duy Trinh
4
Anh trải tình đời nghĩa cố hương
Âm thanh giục bước những con đường
“Chia tay hoàng hôn” anh đi tiếp
Ca khúc kho tàng mãi vấn vương.

TP.Hồ Chí Minh, 24.5.2014
                                            SƠN THU

Trong những năm còn khỏe, nhạc sĩ Thuận Yến thường xuyên về Quảng Nam - Đà Nẵng tham gia các hoạt động âm nhạc tại địa phương. Đặc biệt, ông rất quan tâm đến đội ngũ sáng tác trẻ. Có lần, trong thư riêng gửi cho nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, ông đã  tâm sự và dặn dò: “… Ngoài những tác phẩm viết cho địa phương, chú muốn viết cái gì đó khái quát hơn. Thường những bài được công chúng cả nước biết đến là những tác phẩm giàu tính nhân văn, tính khái quát cao, hoặc thể loại bác học chính luận. Chú mong cháu cũng suy nghĩ giống chú. Cố gắng viết cái gì đó để còn lại với thời gian. Tại Hà Nội mấy ngày nay người ta hát nhiều bài của chú về Bác Hồ. Tại Nhà hát lớn có 4 đêm diễn, Thanh Lam hát: Bác Hồ một tình yêu bao la, Thanh Hoa hát: Vầng trăng Ba Đình, Quang Linh hát: Miền Trung nhớ Bác. Đó là một niềm vui. Chú đã lớn tuổi, còn làm được gì thì cố gắng làm…” (Thư gửi 15.5.1999).

Lần gặp gỡ cuối cùng với chúng tôi tại nhà anh Lê Nuôi như đã nhắc phần trên, sau khi kể lại những kỷ niệm thời gian một mình đi thực tế để rồi sau đó viết hàng loạt ca khúc về quê nhà đất Quảng, nhạc sĩ Thuận Yến đã thẳng thắn nói rằng, mặc dù là người đã có khá nhiều ca khúc nổi tiếng cả nước, nhưng ông vẫn chưa hài lòng với những sáng tác mình viết về Quảng Nam - Đà Nẵng lâu nay. Do đó, nếu còn thời gian, thế nào ông cũng sẽ trở lại với những bài tình ca quê hương tâm đắc nhất… Thế nhưng, tiếc thay, khát vọng ấy của nhạc sĩ Thuận Yến đành khép lại dở dang...

TRẦN TRUNG SÁNG

TRẦN TRUNG SÁNG