Mẹ Thứ - Tượng đài thi ca

HUỲNH THU HẬU 31/10/2013 17:54

(QNO) - Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, hình ảnh người mẹ đã trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca và nhạc họa, từ người mẹ trong thơ của Exenhin, đến người mẹ trong sáng tác của Gorki, hay Rabindranat Targore…Tất cả đều làm chúng ta say mê và ngưỡng mộ. Hình tượng mẹ Thứ trong thơ và kí của Lê Anh Dũng đã làm người đọc xúc động và tràn đầy tình cảm biết ơn.

Sách gồm 6 tác phẩm thơ, trong đó có 1 trường ca,  4 tác phẩm văn xuôi, và năm ca khúc phổ thơ. Hình tượng người mẹ được sáng tạo bằng cảm hứng ngợi ca, ngưỡng mộ, tôn vinh. Nhà thơ Lê Anh Dũng  đã viết với tấm lòng kính yêu vô bờ đối với mẹ Thứ. Mẹ trở thành biểu tượng của sự hi sinh, chịu đựng nỗi đau tột cùng:

Một bàn thờ

Mười hai bát hương

Mười hai bằng Tổ quốc ghi công

Trĩu đầu mẹ

Chín con đẻ

Một con rễ

Hai cháu ngoại…

Trường ca Thưa mẹ mở đầu bằng dòng chảy hiện tại. Mạch cảm xúc từ hiện tại lại ngược về quá khứ, với kí ức, với kỉ niệm: Mẹ nhớ….Để rồi kết thúc ở hiện tại bằng tượng đài của mẹ. Một tượng đài bất tử trong trái tim người dân Việt Nam. Bản trường ca như một câu chuyện về cuộc đời của mẹ Thứ, một cuộc đời đã trở thành huyền thoại: 

Gia tài của mẹ

Chiếc rương gỗ- của hồi môn

Gia tài của mẹ

Những chiếc nồi thạch Sanh

Gia tài của mẹ

Chiếc chõng tre

Với gia tài giản dị đơn sơ, mượn huyền thoại Thạch Sanh, nhà thơ đã cho chúng ta thấu hiểu được tấm lòng của mẹ đối với quê hương, với cách mạng. Mẹ đã chở che, nuối giấu cho biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ. Mẹ chưa một giây phút nào sống cho riêng mình, suốt đời tận hiến cho đất nước, cho quê hương.

Những thi ảnh làm chúng ta cảm động, hình tượng mẹ Thứ không chỉ được nhìn ở phương diện anh hùng, gan dạ kiên trung mà còn được nhìn ở phương diện con người của đời thường, giản dị, với nỗi đau, với sự đợi chờ:

Mẹ lọ mọ góc bàn thờ

Mân mê từng bát hương, tấm ảnh

Mười hai núm ruột hy sinh

Mẹ lững thững góc sân

Mẹ tựa vào hàng tre xưa

Lòng nghe nhoi nhói

Các anh chết trẻ, chết son

Dành tháng dành năm cho mẹ

Trong mắt mẹ, con lúc nào cũng bé

Tuổi mẹ trăm năm như cây dó nên trầm.

Mẹ bần thần so đũa gọi tên

Nhớ từng tiếng cười dáng đi giọng nói.

Phần lớn tác phẩm được viết bằng thể thơ tự do như trường ca Thưa mẹ, Mẹ Thứ- Mẹ Việt Nam anh hùng, Ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, Có một bảo tàng trong lòng mẹ Thứ, chỉ có hai bài viết bằng thơ lục bát, đó là Mây trắng về trời, Chiều cuối năm nhớ mẹ. Thể thơ tự do phù hợp với phong cách phóng khoáng và mạch cảm xúc tuôn trào của tác giả.

Những tác phẩm kí viết về mẹ Thứ rất chân thành. Là người may mắn được gặp mẹ nhiều lần nên Lê Anh Dũng  kể được biết bao kỷ niệm xúc động về mẹ và anh còn ý thức sâu sắc trách nhiệm của một nhà thơ đối với mẹ- người đã góp phần cho chúng ta có được độc lập và tự do hôm nay. Tác giả sử dụng nhiều điểm nhìn nghệ thuật để viết bài kí: Mẹ Thứ giữa đời thường. Bài kí gồm có 5 phần, chân dung Mẹ, kỉ niệm với mẹ,  lời của một cựu binh Mỹ nói về mẹ, nhà bảo tàng truyền thống mẹ Thứ, Hãy về với mẹ. Với điểm nhìn nghệ thuật đa diện, hình tượng mẹ Thứ được khắc họa sâu sắc hơn, toàn diện hơn.

Dù là thi ca hay kí, hình tượng mẹ Thứ hiện lên xiết bao yêu thương, mẹ mình hạc xương mai, một người phụ nữ nhỏ bé, người con của quê hương xứ Quảng –đất “ra ngõ gặp anh hùng”, đã trở thành biểu tượng, thành huyền thoại của truyền thống đấu tranh cho độc lập, cho tự do, cho sức sống Việt Nam. Càng đọc, chúng ta càng tự hào và biết ơn mẹ. Đồng thời, chúng ta cảm nhận được tấm lòng và tình yêu của nhà thơ Lê Anh Dũng- người con của đất Điện Bàn đối với Mẹ, với quê hương:

Mẹ ru con

Sức dài trán rộng

Mẹ ru con

Lên thác xuống ghềnh

Mẹ ru con

Tài cao đức trọng

Mẹ ru con

Trí dũng song toàn.

HUỲNH THU HẬU

HUỲNH THU HẬU