Những câu thơ ngoài thời gian quy ước...
Tập thơ “Giờ thứ 25” của nhà báo - nhà thơ Phạm Đương được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012. Tập thơ được vinh danh vì tự nó đã là một diễn ngôn văn học, cô đọng, súc tích và đầy đủ. “anh chẳng đem lại gì cho em/ trong giờ thứ hai lăm khuya khoắt/ ngoài những câu thơ như khói thuốc/ những câu thơ không nhiễm độc bao giờ” (Giờ thứ 25); “chúng ta cần phải thay đổi/ không chỉ có thơ mới cần thay đổi/ bất luận hậu hiện đại hay tân hình thức/ bất luận cái khỉ gió gì/ miễn là tự cháy/ tự cháy để được sáng/ con đường của kẻ yếm thế” (Viên ngọc đen).
Là một nhà báo, Phạm Đương thường xuyên đối diện những hiện thực sống trần trụi, khô khốc. Khi còn ở Báo Lao Động cũng như khi đã về đầu quân cho Báo Thanh Niên, anh luôn có những phóng sự nóng hổi. Anh tỏ rõ mình là người yêu nghề (báo) và cũng rất yêu thơ. “tá điền ngày sấp mặt xuống đất/ anh cắm mặt vào chiếc máy tính/ thóc cân đo đong đếm đủ/ tin bài không thiếu một mẩu con ruồi/ có hôm ngửa cổ lên trời thở hắt/ tiên sư kiếp nô lệ công việc” (Nha Trang, chào). Và những cảm nhận nghề báo của anh không chỉ dừng lại trên trang báo mà còn thấm vào... thơ. Ví như một câu hỏi thảng thốt, tưởng chừng bâng quơ mà đau đớn: “Thử kêu lên một tiếng/ liệu có ai nghe anh không?” (Thử kêu lên một tiếng). Ví như câu chuyện xót xa về một hiện thực “hậu từ thiện” dành cho người nghèo: “tô trát tường mà làm gì/ nông dân không cần tô trát/ đập vào tôi những khẩu hiệu/ tô trát/ mùi ẩm mốc mùi rêu vữa và mùi ơn nghĩa” (Trong ngôi nhà câm). Phạm Đương không đứng ngoài sự kiện khi viết báo, càng không đứng ngoài cảm xúc thật để làm thơ.
Thơ trong tập “Giờ thứ 25” của anh đa số thô mà vang; đôi chỗ ồn ã mà giàu suy tư, chiêm nghiệm. Ở đó, anh chen vào một ít bông đùa, một ít ngôn ngữ đời thường, một ít khẩu ngữ tưởng chừng phô phang nhưng hóa ra lại là “gia vị” ngọt ngào và hấp dẫn cho thơ. “con thi đỗ thì cha sẽ chết/ nhưng thà chết như thế may ra còn được sống/ nuôi giấc mơ được cày ải trên cánh đồng chữ/ vẫn dễ chịu hơn là cày trên mảnh ruộng đầy hóa chất và thuốc trừ sâu” (Biện hộ cho những giấc mơ không có thật). Ở đó, có những câu thơ gẫy gọn và đanh nhưng ngấm: “tôi nghe đá nói với gạch:/ muốn vĩnh cửu nên bí ẩn một chút!” (Hoàng hôn Chàm). Ở đó có những câu thơ đầy trải nghiệm, đắng đót và day dứt: “mẹ của chúng con chiến tranh và dông bão/ Người chắt chiu đến nước mắt cũng để dành” (Ngày đã chiêm bao). Những câu thơ viết như chơi mà sâu thẳm, uyên nguyên!
Từng ngày, người đọc vẫn bắt gặp một Phạm Đương - nhà báo sắc sảo, mạnh mẽ trong các phóng sự xã hội. Từng ngày, người yêu thơ lại bắt gặp một Phạm Đương - nhà thơ trong những bài thơ chỉn chu và thao thức. “Gặp”, để tin rằng anh vẫn còn đi, còn viết, còn sáng tác, bằng sự suy ngẫm, chiêm nghiệm trong thế giới nội tâm riêng anh ở vào những khoảnh khắc ngoài thời gian quy ước - “giờ thứ hai lăm khuya khoắt”...
BẢO ANH