Tiếng ễnh ương ngày cũ
Bữa về quê có việc, gặp mấy người quen khề khà, tôi né không được, bèn phải ngồi. Được đâu vài ly, chú tôi vẫn cái nhìn cố hữu là soi mói, kẻ cả, hướng về tôi: “Tau thấy chừ lộn ngược hết, nhất là dân thành phố, đọc báo thấy sắp hàng chen nhau mua heo ăn chuối. Mấy thứ đó hồi xưa ở mình thiếu chi. Ở phố cuối cùng cũng chạy về quê thôi”.
Tôi, cũng đã vài ly, mạnh miệng: “Ở quê còn chi mà về? Doanh nghiệp người ta biết được sở thích người dùng, nên thành phố chừ có tiền là ăn sạch hơn ở quê. Đất bán hết, về cũng phải mua lại, chưa nói chạy lụt sấp mặt”. Ông im hẳn, gặp thằng con ông “bồi thêm”: “Nhà mình nuôi heo cũng cho ăn đồ tăng trọng, heo chi mà nuôi 3 tháng xuất chuồng, thịt bở như rơm”.
Tôi rơi về ngày cũ. Cứ 28 tết, là ba tôi làm heo. Con heo nuôi cả năm, có chi ăn nấy. Đúng 28, chú tôi thành lệ bên kia sông chạy về phụ giúp. Chiếc nong lớn được phủ lá chuối xanh, mổ heo ra, xương, thịt chia đều cho mấy anh em, chẳng lấy tiền. Ai cũng khổ, coi như quà lì xì anh lớn cả năm cho mỗi đứa một ít. Phần còn lại để cúng tất niên.
Heo nuôi vậy, cả mỡ cũng thơm, đó là lời bạn tôi đang là tổng biên tập một tờ báo, bữa uống trà buồn ngồi nhớ quê nhà ngày cũ. Nhưng cái này mới làm tôi nhớ nhất, đó là xâu lạt.
Trước khi mổ, ba tôi chặt khúc tre và chẻ lạt. Nắm lạt to nắm tràn cả lòng tay. Hồi đó làm chi có giỏ, có bao ny lon, nên lạt để xâu thịt, nặng thì hai cái, nhẹ thì một cái, xâu xong, đánh uốn hai đầu lạt cho chắc. Người đi, xâu thịt ngúng nguẩy theo cánh tay, không khó để đọc thấy nét rạng ngời trên mặt.
Tôi ngồi bên thềm nhà. Vắng ngắt. Đêm qua nằm nhớ bờ hào tre ngày xưa, nhà này muốn qua nhà kia, phải đi cửa trước hoặc bên hông, chứ sau nhà là tre ngăn lối. Hào đó sâu, cứ mưa gió thế này là đầy nước. Ễnh ương kêu ùm oàng thâu đêm. Bao năm tôi không nghe lại, không được nghe. Bờ tre già đã mất. Cả làng chẳng còn thấy bóng tre.
Ba tôi đã mất. Một bữa có việc phải ghi đúng ngày sinh của ba, bèn điện về quê hỏi. Đứa em nói “chứng minh nhân dân ba còn đó, anh về coi thử”.
Về, đẩy cánh cửa căn phòng cũ vốn là chỗ ngày xưa tôi… tu tập, tìm xong, vô tình quơ mạnh tay, đụng vào cửa sổ mà như mấy chục năm rồi chẳng ai mở, nó bung ra. Thanh cửa có nẹp bằng tre, chính tôi đã đóng, rơi xuống, đinh đã gỉ nát từ lâu như chờ có ngày chạm vào.
Nẹp gãy vụn. Chi chít lỗ mọt. Tôi chết sững. Bóng tre hắt vào não. Ngày xưa dấu yêu. Chợt thấy, lời mình nói với chú hôm nọ buông tuồng, bất nhã và vô tâm vô ý quá.
Bao năm bụi bặm thị thành, chạy theo áo cơm và những thứ hão huyền, căn nhà tá túc đang có cũng loang lổ ố thấm như đời mình. Mở cửa nhìn ra màn mưa mù mịt, trước mặt là bức tường bê tông xám lạnh của nhà người ta, nước mắt ậng ra vì nhớ tiếng ễnh ương.
Mình có phải như Nguyễn Bính: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay” đâu. Sáng ra điện thoại hỏi chú, là lâu nay tiếng ễnh ương còn không? Ông cười hì hì, bữa lụt, tau bơi ghe ra sát sông, chỗ lùm tre gần bến đò cũ, còn nghe nó kêu, mi về mà nghe…