Quà của núi

CHÂU NỮ 03/08/2023 15:34

(VHQN) - Bằng tấm lòng thơm thảo, người vùng cao xứ Quảng thường chắt chiu gói ghém đặc sản của núi rừng gửi về làm quà cho người dưới xuôi. Người miền xuôi mỗi bận ngược núi du lịch hay đi công tác cũng thường mua sản vật bản địa để làm quà tặng. Quà có thể chỉ để “lấy thảo” nhưng trĩu nặng ân tình.

Món ngon xứ núi. Ảnh: C.N
Món ngon xứ núi. Ảnh: C.N

 Giao thương thuận lợi, giờ ở phố thị hầu như không thiếu món đặc sản nào của núi rừng. Nếu ngại ra chợ hay lười ghé cửa hàng, cũng có thể đặt mua hàng trực tuyến, hàng theo xe về trong ngày và được giao tận nhà. Nhưng nhận được quà tặng từ núi rừng, cảm giác vui khó tả.

Vui vì được tặng những thức quà dân dã, ngon và sạch là một lẽ, mà vui còn vì sản vật miền núi quê mình phong phú, và khấp khởi hy vọng cuộc sống người dân vùng cao sẽ ngày càng thư thả hơn từ những sản vật bản địa được nâng tầm thành sản phẩm hàng hóa, thành “đặc sản”.

 

Từ xa xưa, đất Quảng Nam, đặc biệt là vùng núi, vốn đã phong phú về thổ sản, sản vật. Như nhà bác học Lê Quý Đôn chép trong “Phủ biên tạp lục”: “Xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ”, “Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa về cũng chỉ có một thứ hồ tiêu, còn từ Quảng Nam về thì các hàng không món gì không có”.

Trong số “không món gì không có” ấy, cụ Lê Quý Đôn đã liệt kê ra nào là mật, dầu, cau... nào là hồ tiêu, quế… Những sản vật ấy giờ đều đã trở thành sản phẩm nổi tiếng gần xa, vươn ra cả nước ngoài.

 

Để đưa các sản vật đặc hữu đi xa hơn, giữ được lâu ngày hơn, tiện cho người sử dụng hơn, nhiều người đã bắt tay vào chế biến, tìm cách nâng tầm sản phẩm. Hồi xưa, khó có thể ngờ rằng một ngày nào đó, đảng sâm tự nhiên ở núi rừng được chế biến thành cao đảng sâm hoặc rượu đảng sâm, trà đảng sâm.

Khổ qua rừng, rau má rừng mọc rài lại làm thành trà túi lọc đẹp mắt, thơm ngon, bổ dưỡng. Măng rừng của đại ngàn Trường Sơn ở Tây Giang vốn có vị đặc trưng, vừa dai vừa giòn, đã được chế biến bằng cách sấy khô đưa đi muôn nơi. Hay những trái ớt Ariêu đến kỳ thu hoạch rồi đem muối để có thể dùng được hàng tháng.

Quế Trà My không chỉ được sơ chế thành quế kẹp mà còn được chưng cất thành tinh dầu, làm dược phẩm, chế biến thành quế bột để làm thực phẩm. Nhiều sản phẩm ở vùng tây xứ Quảng đã có mặt trong danh mục sản phẩm OCOP của Quảng Nam.

 

Trong số những hàng hóa Quảng Nam được nhiều đơn vị lữ hành trong nước gợi ý du khách mua làm quà tặng, có các đặc sản từ vùng núi: tiêu Tiên Phước, quế Trà My, rượu lòn bon…; còn những món ăn tại chỗ không thể bỏ qua là măng núi trộn, gỏi lòn bon, gà đồi…

Phải tình cảm lắm, bạn tôi - lập nghiệp ở Bắc Trà My, trong chuyến công tác ở Tam Kỳ vừa rồi mới có thể mang nửa lít mật ong dú đựng trong chai thủy tinh về tặng. Bạn bảo, mật ong đựng chai thủy tinh ngon hơn chai nhựa.

Bạn dặn thêm, mật ong dú là loại hiếm và rất có giá trị, chỉ nên để dành dùng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Còn muốn dùng mật ướp đồ ăn, thì để bạn gửi loại mật ong khác.

 

Những người hàng xóm của tôi đi công tác miền núi, “trĩu nặng” túi xách bao giờ cũng là những món quà từ xứ núi mang về. Khi thì gói cá suối, lúc là ống cơm lam hay chiếc bánh sừng trâu.

Mấy mụt măng, trái dứa, bó rau rừng - thường là rau dớn, rau ranh, bịch cá suối, chai mật ong, gói hạt tiêu, rổ ốc đá,… là những món quà phổ biến từ miền núi xứ Quảng thường được người miền xuôi mua về làm quà.

Nhớ có lần bạn tôi đến vùng trung du Tiên Phước, được tặng bịch mít phơi khô. Cuối tuần mời bạn bè ghé nhà để đãi bữa cơm ghế mít, thêm dĩa măng núi trộn, chén muối mè. Dân dã vậy mà bữa cơm ở phố đậm đà tình cảm và ngon chi lạ.

Thưởng thức sản vật miền núi ở phố thị cảm giác rất thú vị. Ngoài hương vị đặc trưng “rất núi rừng”, ngay nếp cũng dẻo thơm khác hẳn lúa nếp gieo ở vùng đồng bằng, thì người thưởng thức cứ như nghe hương rừng phảng phất và lan tỏa đâu đây, và miên man trong tâm tưởng rằng, những thức quà dân dã mộc mạc, luôn đượm tình như tấm lòng và tính cách chân chất của người miền núi.

CHÂU NỮ